(Baothanhhoa.vn) - Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống, là bài học cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

Phát huy tinh thần của Nhân dân Thanh Hóa trong việc đón tiếp, giúp đỡ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc

Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống, là bài học cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

Phát huy tinh thần của Nhân dân Thanh Hóa trong việc đón tiếp, giúp đỡ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc

Đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc tại Cảng Hới năm 1954. Ảnh tư liệu

Từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và rèn luyện, luôn luôn xác định “đoàn kết” là giá trị cốt lõi và “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành chiến lược cách mạng của Đảng, là động lực to lớn tạo nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công!".

Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc (1930 - 1945), Mặt trận đã động viên, tổ chức, tập hợp mọi tầng lớp Nhân dân đoàn kết, vùng lên tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, giành độc lập dân tộc, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Mặt trận đã đoàn kết các tầng lớp Nhân dân yêu nước, lấy liên minh công nhân - nông dân - trí thức làm nền tảng, kết hợp tinh thần yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, tập hợp được sức mạnh to lớn của toàn dân, đưa cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ xâm lược với tầm nhìn chiến lược, Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo khẩn trương chuyển hàng vạn đồng bào và con em các gia đình cách mạng đi cùng với bộ đội, cán bộ tập kết ra Bắc để đào tạo, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, đặc biệt là việc xây dựng lại miền Nam khi nước nhà thống nhất. Trong đó, đợt tập kết đầu tiên tháng 9, tháng 10 năm 1954, Thanh Hóa là một trong những địa phương đón cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam đông nhất.

Với truyền thống yêu nước, cách mạng, người dân Thanh Hóa luôn cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng, quật cường trong chiến đấu, lập nên nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử hào hùng dựng nước và chống ngoại xâm của dân tộc ta. Trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quân và dân tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, chiến đấu kiên cường, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang cùng với quân và dân cả nước. Thanh Hóa cũng là hậu phương đón đồng bào, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc nhiều nhất cả nước, góp công lớn trong việc nuôi dưỡng, đào tạo rất nhiều cán bộ, chiến sĩ quay trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu và xây dựng quê hương. Có được điều đó là nhờ Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể bấy giờ đã đoàn kết, phát huy sức mạnh của Nhân dân, vượt qua mọi khó khăn, sẵn sàng tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, tất cả vì miền Nam ruột thịt.

Cách đây 70 năm, thi hành Hiệp định Giơnevơ, hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào từ miền Nam đã tập kết ra miền Bắc. Đây là quyết sách đúng đắn, kịp thời, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ đối với việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ phục vụ công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, đặc biệt là việc xây dựng lại miền Nam khi nước nhà thống nhất. Ngày 25/9/1954, chuyến tàu đầu tiên chở đồng bào, đồng chí miền Nam tập kết ra Bắc đã được chào đón trong niềm hân hoan, thắm đượm tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Trong những ngày ấy, mặc dù sau 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, đời sống người dân trong tỉnh còn hết sức khó khăn, thiếu thốn nhưng với trách nhiệm lớn lao và tinh đoàn kết “Nam Bắc một nhà”, đồng bào miền Bắc nói chung, đồng bào Thanh Hóa nói riêng đã nhường cơm, sẻ áo, dành tất cả những điều kiện tốt nhất để đón tiếp, chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ, học sinh cùng nhiều gia đình cách mạng miền Nam như những người thân yêu, ruột thịt của chính mình.

Trong những năm tháng sống tại Thanh Hóa, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam đã sát cánh cùng quân dân Thanh Hóa, góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ và tiến vào miền Nam giải phóng quê hương; hàng trăm trẻ em gốc người miền Nam được sinh ra, nuôi dưỡng và lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc của đồng bào người xứ Thanh và luôn hướng về quê nhà.

Thị xã Sầm Sơn (nay là TP Sầm Sơn) vinh dự là địa điểm đầu tiên được đón đồng bào, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết. Từ ngày 15/10/1954 đến 1/5/1955, Nhân dân Sầm Sơn đã đón tiếp an toàn trên 80.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, thương bệnh binh và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Người dân Sầm Sơn đã thành lập 12 trạm, xây dựng trên 1.000 ngôi nhà, trạm xá... để đón tiếp đồng bào miền Nam.

Đặc biệt, địa điểm đầu tiên tổ chức tập kết là cảng Lạch Hới, xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn) vào ngày 25/9/1954. Khi được chọn là một trong những địa phương đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, người dân địa phương đã đóng góp hàng nghìn ngày công lao động xây dựng cơ sở để đón tiếp. Cả xã trở thành đại công trường, người người san lấp mặt bằng, dựng cột kèo, lán trại làm nơi cho cán bộ, đồng bào nghỉ ngơi, sinh hoạt, người thì làm đường, mở rộng đường ra Cảng Hới, làm tuyến cầu phao luồng dài hàng kilomet để đón cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam. Học sinh và người lớn tuổi được Nhân dân đón nhận đưa về nhà ở, thậm chí, có gia đình còn đi vay mượn gạo về nấu cơm cho người già, trẻ em ăn.

Có những chiếc tàu biển lớn của Liên Xô, Ba Lan không cập được cảng mà phải đậu ngoài biển, Đảng bộ, chính quyền thị xã Sầm Sơn đã huy động Nhân dân dùng các tàu, thuyền đánh cá áp mạn, trung chuyển đưa cán bộ, đồng bào vào bờ. Trên bờ, rất đông Nhân dân mang theo băng rôn, khẩu hiệu đứng đón cán bộ, đồng bào miền Nam hai bên cầu cảng. Người dìu, người cõng những người say sóng, trẻ em vào khu lán trên bờ sông chăm sóc. Đoàn cán bộ, học sinh tập kết lưu lại Quảng Tiến vài ngày để phục hồi sức khỏe, học nội dung, quy chế sinh hoạt và các hoạt động, tối xem phim, biểu diễn văn nghệ, giao lưu với Nhân dân sở tại, rồi chuyển về các địa phương khác nhận nhiệm vụ mới.

Bên cạnh đó, người dân các huyện Quảng Xương, Nga Sơn, Đông Sơn, Hoằng Hóa, Nông Cống, Thiệu Hóa, Yên Định, Thọ Xuân... cũng đã cung cấp hàng ngàn con trâu, bò, lợn; hàng vạn con gà, vịt, hàng chục ngàn bộ quần áo, hàng ngàn màn, chăn, áo ấm. Các huyện miền núi Như Xuân, Cẩm Thủy cung cấp hàng vạn cây luồng, nứa, bương, gỗ để xây dựng nhà cửa, lán trại. Ngành y tế đã xây dựng một trạm cấp cứu tại Sầm Sơn, 2 trạm y tế đặt ở 2 xã Hoằng Quang và Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), xây bệnh xá ở xã Thiệu Đô (Thiệu Hoá) để kiểm tra sức khỏe cho cán bộ, đồng bào và học sinh miền Nam.

Sau các đợt tập kết, cán bộ, đồng bào, học sinh miền Nam được bố trí người tiếp tục theo học tại các cơ sở đào tạo, người biên chế vào lực lượng vũ trang, tập trung học tập, rèn luyện để góp phần xây dựng kinh tế miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam. Không ít cán bộ, đồng bào miền Nam đã tham gia xây dựng, phát triển mô hình kinh tế tập thể ở các khu vực như Vân Du, Thạch Quảng (Thạch Thành), Phúc Do (Cẩm Thủy), Lam Sơn, Sông Âm, Sao Vàng (Ngọc Lặc), Bãi Trành (Như Xuân)... của tỉnh Thanh Hóa, góp phần xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Những cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ngày ấy, 70 năm qua, đã tham gia và có những cống hiến to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người đã trở thành những cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; các tướng lĩnh, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nhà báo nổi tiếng, nhiều doanh nhân tài ba, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động... góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước. Sự thành công đó có đóng một phần không nhỏ của Nhân dân Thanh Hóa, vượt qua khó khăn, sẵn sàng tinh thần “nhường cơm sẻ áo” với những người con miền Nam ra Bắc tập kết, điều này đã đọng mãi trong tình cảm, là sự xúc động mạnh mẽ trong lòng đồng bào, cán bộ và học sinh miền Nam. Những năm tháng ấy khẳng định chân lý mãi mãi không bao giờ thay đổi về nghĩa tình ruột thịt, Nam - Bắc một nhà.

Có được những kết quả trên trước hết là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và hệ thống chính trị xã hội trong tỉnh lúc bấy giờ đã tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh nhận thức đúng đắn chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu, tạo được niềm tin tưởng trong các tầng lớp Nhân dân từ đó khơi dậy phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân nói chung và Nhân dân Thanh Hóa nói riêng trong việc đón tiếp, giúp đỡ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Phát huy truyền thống đoàn kết đó; ngày nay trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên có vai trò ngày càng quan trọng với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, góp phần tích cực củng cố, mở rộng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự đồng thuận trong xãhội, chăm lo đời sống Nhân dân; động viên Nhân dân phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, mở rộng quan hệ đối ngoại giữa Nhân dân trong tỉnh, trong nước và quốc tế, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

Bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, chương trình phối hợp thống nhất hành động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước với những cách làm mới, hiệu quả hơn, thiết thực hơn, nhằm huy động các nguồn lực to lớn trong xã hội, sức phấn đấu của mỗi người dân, cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Phát huy vai trò cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân, hạt nhân tập hợp quần chúng, huy động sức mạnh của toàn dân trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tăng cường tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, hiểu biết về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước, của tỉnh; phát huy vai trò của Nhân dân trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; khuyến khích mọi người, mọi tổ chức, cá nhân phát huy cao độ ý chí, tài năng, sức sáng tạo để đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết, quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, như: Kết luận 610-KL/TU ngày 20/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 30/12/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVIII) về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Thanh Hóa; Nghị quyết số 10-NQ/TU về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 1737-QĐ/TU quy định trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong việc tiếp thu ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân; Quyết định số 2543-QĐ/TU về Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân.

Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tham gia góp ý kiến, thực hiện giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; về đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, về thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; về thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí... góp phần xây dựng Đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh. Thực hiện tốt việc tiếp nhận các kiến nghị của Nhân dân để phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; giám sát chặt chẽ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Nhân dân, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động, gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tham gia thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - Đô thị văn minh”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, gắn với chủ trương “Người Thanh Hóa ưu tiên dùng hàng do các doanh nghiệp Thanh Hóa sản xuất”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 30/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh và các hoạt động an sinh xã hội khác.

Thứ năm, chú trọng xây dựng tổ chức Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể vững mạnh; thống nhất vai trò của các tổ chức thành viên thành khối liên minh chính trị vững chắc, tạo nên sức mạnh tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận từ tỉnh tới cơ sở bảo đảm về năng lực, trình độ, am hiểu thực tiễn để thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ công tác Mặt trận. Đồng thời, phát huy vai trò, trí tuệ, kinh nghiệm của các vị ủy viên Ủy ban Mặt trận, thành viên Hội đồng tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học, những người có uy tín, cốt cán trong Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.Chúng ta đang trong những ngày hội hân hoan, hướng tới kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc là một sự kiện lớn của tỉnh.

Khắc sâu lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Toàn Đảng và toàn dân ta đoàn kết chặt chẽ thành một khối khổng lồ. Chúng ta sáng tạo. Chúng ta xây dựng. Chúng ta tiến lên. Quyết không có lực lượng nào ngăn được chúng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, tiếp nối và phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh sẽ phát huy vai trò cầu nối thắt chặt mối quan hệ giữa Nhân dân với cấp ủy, chính quyền, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng Thanh Hóa đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, và trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng căn dặn.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]