(Baothanhhoa.vn) - Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng lớn đến công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ). Theo đó, nhiều địa phương trong tỉnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ không đạt chỉ tiêu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xuất khẩu lao động gặp khó vì dịch COVID-19

Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng lớn đến công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ). Theo đó, nhiều địa phương trong tỉnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ không đạt chỉ tiêu.

Xuất khẩu lao động gặp khó vì dịch COVID-19

Lao động Việt Nam xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc. (Ảnh minh họa).

Rất khó để đạt chỉ tiêu

Năm 2019 huyện Hậu Lộc đưa được 712 người đi XKLĐ, đạt tỷ lệ 142,4% chỉ tiêu giao. Phát huy kết quả đã đạt được, ngay từ những ngày đầu năm 2020 huyện tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác XKLĐ, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đông Âu... Kết quả, quý I-2020 huyện đưa được 163 người xuất cảnh. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quốc Hà, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác XKLĐ do các thị trường đóng cửa; các công ty, doanh nghiệp dịch vụ đưa người đi XKLĐ tạm dừng đào tạo. Toàn huyện hiện còn khoảng 70 - 80 lao động có hợp đồng của đối tác đang chờ bay nhưng cũng chưa biết đến khi nào xuất cảnh được. Huyện vẫn phối hợp với các doanh nghiệp để tuyển lao động, đợi khi tình hình ổn định sẽ có nguồn nhưng qua nắm tình hình từ các xã thì người dân đang rất dè dặt, không dám đăng ký cho con em tham gia XKLĐ. Nhiều người trước đây có ý định đi XKLĐ cũng đã chuyển hướng tìm công việc làm ăn khác.

Quan Sơn là huyện miền núi có nhiều năm không đạt chỉ tiêu giao về XKLĐ. Năm 2019, đưa được 130/135 người đi XKLĐ. Ông Lữ Thanh Hiệng, Trưởng Phòng LĐTB&XH, cho biết: Trước đây công tác XKLĐ gặp khó do nhận thức của người lao động còn hạn chế, do nét văn hóa đặc thù của người dân tộc không muốn xa nhà. Hơn nữa, đối với những thị trường có thu nhập thấp thì người dân không muốn đi, những thị trường cho thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt lại có yêu cầu khắt khe, chi phí cao, trong khi trình độ ngoại ngữ của người lao động hạn chế, không quen tác phong lao động công nghiệp. Năm nay huyện chưa có lao động xuất cảnh, dịch bệnh thì chưa biết lúc nào mới hết nên công tác triển khai tuyên truyền về XKLĐ gặp không ít khó khăn, thách thức.

Tại huyện Thọ Xuân có gần 50 lao động đã qua sát hạch năm 2019 và thi đỗ tiếng Hàn, đợi bay trong tháng 1 và 2 nhưng đến nay vẫn chưa xuất cảnh được. Một số thị trường khác vẫn tiếp nhận lao động Việt Nam nhưng tâm lý người dân chưa muốn tham gia do dịch bệnh. Vì vậy trong quý I-2020 huyện chỉ có 10 lao động xuất cảnh từ trước Tết Nguyên đán. Trong tháng 2 và 3 không có lao động xuất cảnh.

Dừng hàng loạt đơn hàng XKLĐ vì dịch

Dịch bệnh COVID-19 đã và đang có nhiều ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng, đào tạo và đưa lao động ra nước ngoài làm việc của các doanh nghiệp. Bà Lê Thúy Hằng, Giám đốc tuyển dụng Công ty CP Hợp tác phát triển Bảo Tín – chi nhánh Thanh Hóa, chia sẻ: Bình quân mỗi năm công ty đưa được gần 600 người đi thực tập sinh và du học khoảng 130 người. Năm nay, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, từ tháng 3 công ty đã cho học viên nghỉ học tiếng theo chủ trương của ngành chủ quản. Từ ngày 1-4 đến nay cho nhân viên làm việc online tại nhà. Trước đó, trong tháng 1, 2 công ty đã đào tạo và đưa được 50 du học sinh sang Nhật. Trong tháng 3, 4 có khoảng 150 lao động, du học sinh đã được cấp visa nhưng chưa đi được.

Mọi hoạt động của công ty đang chững lại thì ngày 5-4, Bộ LĐTB XH có công điện chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp tạm dừng tổ chức xuất cảnh cho người lao động đến hết ngày 30-4. Để tạo nguồn, công ty cũng đã chuyển phương án tuyển dụng online và có cơ chế hỗ trợ để người lao động học online, thi tuyển trực tuyến.

Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2004 đến nay Công ty XKLĐ Thiên Ân Thanh Hóa đã cung ứng hàng chục nghìn lao động cho các thị trường Ả-rập Xê-út, Ma-lai-xi-a, Ru-ma-ni, Hàn Quốc... qua đó giúp hàng nghìn lao động không những thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu chính đáng. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến các đơn hàng tuyển dụng, xuất cảnh của công ty phải tạm dừng và chậm tiến độ. Theo đó, gần 200 lao động đã được cấp visa nhưng không xuất cảnh được, trong đó có khoảng 100 lao động thị trường Ru-ma-ni, 50 lao động thị trường Ả-rập Xê-út và gần 50 lao động là những kỹ sư, chuyên gia đi làm việc tại Hàn Quốc theo diện visa F7. Ông Nguyễn Trung Kiên, giám đốc công ty cho biết: Để chuẩn bị nguồn mà vẫn bảo đảm an toàn cho người lao động, công ty tạm dừng tuyển trực tiếp, chuyển sang hình thức tuyển online, sau đó gửi hồ sơ cho chủ sử dụng lao động và chuẩn bị hồ sơ cho người trúng tuyển, để ngay sau khi hết dịch người lao động có thể xuất cảnh ngay. Đối với những lao động đã trúng tuyển, được cấp visa, công ty cũng thường xuyên liên lạc trao đổi về tình hình dịch bệnh, kế hoạch của công ty, của cơ quan quản lý Nhà nước, thông tin từ phía chủ sử dụng lao động để người lao động yên tâm.

Vì dịch bệnh COVID-19, không riêng gì các công ty trên mà tất cả các doanh nghiệp dịch vụ đưa người đi XKLĐ đều gặp khó do các đơn hàng bị ngừng, nhiều lao động của doanh nghiệp phải nghỉ không lương vì không có việc làm. Các huyện, thị xã, thành phố cũng khó để đạt chỉ tiêu giao. Dù ảnh hưởng không nhỏ đến công tác XKLĐ nhưng vì sự an toàn cho người lao động, các địa phương, doanh nghiệp cũng đang mong dịch bệnh sớm qua đi, thị trường hồi phục để tiếp tục xuất cảnh lao động đi làm việc, học tập ở nước ngoài.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]