(Baothanhhoa.vn) - Là món ăn đặc sản của nhiều vùng miền núi trong tỉnh, nhưng ốc đá được người dân ở xã Thành Yên (Thạch Thành) bắt ở dãy núi đá thuộc vành đai rừng Cúc Phương được đánh giá là có dư vị rất riêng. Vào mùa mưa, nhiều hộ gia đình có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày từ việc đi bắt, bán ốc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trắng đêm đi kiếm “lộc rừng”

Là món ăn đặc sản của nhiều vùng miền núi trong tỉnh, nhưng ốc đá được người dân ở xã Thành Yên (Thạch Thành) bắt ở dãy núi đá thuộc vành đai rừng Cúc Phương được đánh giá là có dư vị rất riêng. Vào mùa mưa, nhiều hộ gia đình có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày từ việc đi bắt, bán ốc.

Bà Trương Thị Bộ, thôn Đồng Thành 2, xã Thành Yên đã có 40 năm kinh nghiệm đi bắt ốc đá.

Kiếm tiền triệu từ ốc đá

Theo kinh nghiệm của những người đi bắt ốc đá, việc đi bắt ốc phụ thuộc vào thời tiết. Tại đây mùa ốc đá bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch. Đặc điểm của những con ốc đá là sau một vài ngày nắng nóng, mưa xuống, ốc mới bò ra từ những khe đá. Còn những ngày nắng dài hay mưa dài cũng khó mà thấy con ốc nào. Ốc ở đây mỏng vỏ, dày ruột, có vị thơm do ăn các loại lá cây, quả và thảo dược trong rừng. Có lẽ vì vậy mà người dân nơi đây còn gọi ốc đá với tên khác là ốc thuốc vì chúng có nhiều công dụng trị một số chứng lạnh bụng, đau bụng và có giá trị dinh dưỡng cao. Phần đuôi ốc có giá trị nhất, vì chính là “túi thuốc” của con ốc.

Theo chân cán bộ văn hóa xã Thành Yên, chúng tôi đến nhà ông Đinh Quang Thuận, trưởng thôn kiêm bí thư chi bộ thôn Đồng Thành 2. Đây là thôn có đông người đi bắt ốc đá nhất trong xã. Đón chúng tôi từ ngoài cổng với nụ cười niềm nở, ông Thuận sôi nổi cho biết: Không biết từ bao giờ người Mường, xã Thành Yên đã xem ốc đá như một món ăn quý. Vào mùa ốc đá, người dân thường đi bắt ốc đá về ăn. Đặc biệt, vào dịp Tết Đoan Ngọ (5-5 âm lịch) món ốc đá còn được người dân chế biến thành các món ăn để dâng lên cúng tổ tiên. Việc đi bắt ốc về cúng trong ngày Tết 5-5 đã trở thành tục lệ của người Mường, xã Thành Yên cho đến ngày nay. Vài năm lại đây, ốc đá lại trở thành món ăn đặc sản được người dân khắp nơi yêu thích và tìm mua. Cũng từ nhu cầu của thị trường, bà con nơi đây từ việc đi bắt ốc đá về chỉ để ăn trong gia đình, đã tìm mối bán ra thị trường. Giá ốc đá thường dao động từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng/kg.

“Không biết ốc đá có từ đâu, nhiều người có kinh nghiệm đi bắt ốc hàng vài chục năm cũng chưa bao giờ nhìn thấy trứng của ốc đá hay những con ốc nhỏ. Chỉ biết cứ đến mùa là ốc đá lại xuất hiện và chỉ thấy những con ốc đã lớn. Ốc đá có nhiều nét đặc biệt, là chỉ sống tự nhiên trong núi rừng, không thể nuôi được như “lộc trời” ban tặng cho vùng đất còn nhiều khó khăn này. Người dân chúng tôi đã từng bắt về nuôi thử nhưng không thể nuôi được, ốc chỉ sống được thời gian ngắn rồi chết” - Ông Thuận cho biết thêm.

Để giúp chúng tôi hiểu hơn về món ăn đặc sản của vùng đất quê hương, chị Bùi Thị Ngân, thôn Đồng Thành 2, người đã có kinh nghiệm nhiều năm đi bắt ốc đá, cho biết: Gia đình chị Ngân chủ yếu làm nông nghiệp, điều kiện kinh tế khó khăn. Vào mùa ốc đá, chị lại cùng chị em phụ nữ trong thôn đi bắt ốc đá trong núi để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Do ốc đá chỉ xuất hiện vào buổi tối và sáng sớm. Nên muốn bắt được ốc đá, bà con phải đi từ chiều ngày hôm trước và đến nửa đêm về sáng hoặc sáng sớm hôm sau mới về. Gia đình chị Ngân chỉ có mình chị đi bắt ốc đá. Mỗi đêm cũng bắt được từ 5kg đến 10kg. Còn trong thôn, có gia đình có 2 – 3 người đi bắt ốc đá, mỗi đêm cũng có thu nhập tiền triệu.

Tiềm ẩn nhiều hiểm nguy

Mỗi vụ ốc đá, những người đi bắt ốc có thể bắt được từ 2 đến 3 tạ ốc đá với thu nhập hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, việc đi bắt ốc đá cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm khi phải băng rừng, lội suối, leo núi giữa đêm tối. Nhiều người do sơ suất đã bị trượt chân ngã bị thương, có người bỏ mạng nơi núi rừng.

Vừa trò chuyện với chúng tôi, chị Ngân vừa đưa mắt liếc vội lên chiếc đồng hồ treo tường. Đã 16 giờ, đến lúc chuẩn bị cho chuyến đi bắt ốc đá, chị xin phép dừng câu chuyện rồi vội vã gọi những người phụ nữ trong thôn cùng lên đường. Vừa tất bật chuẩn bị dụng cụ mang theo, chị Ngân vừa nói: Ở đây, việc đi bắt ốc đá chủ yếu là phụ nữ. Đi “săn ốc” phải đi xa, đường đi nhiều nguy hiểm nên bao giờ cũng đi theo tốp để cùng hỗ trợ nhau về việc tìm kiếm những khu vực có nhiều ốc hoặc những lúc không may gặp nạn. Dụng cụ đi bắt ốc đá chỉ với chiếc túi đựng ốc được đeo sau lưng, đôi ủng cao để phòng rắn rết, chiếc liềm để phát cây dọn đường đi, chiếc đèn pin...

Chúng tôi xin chị Ngân được đi cùng nhóm của chị. Chị Ngân vui vẻ nhận lời nhưng cũng không quên cảnh báo chúng tôi về những vất vả khi đi rừng, leo núi về đêm. Để đến được khu vực có ốc đá, phải đi bộ từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ. Con đường đồi cứ lên dốc rồi lại xuống dốc nhưng đôi chân của các bà, các chị vẫn bước đi thoăn thoắt... Trước mắt chúng tôi đã thấy dãy núi đá hiện ra. Chị Ngân chỉ tay về phía trước và nói: Chỉ ở những nơi núi đá có độ ẩm cao và khu vực rừng nguyên sinh mới có nhiều ốc đá. Ốc không tập trung một chỗ mà sống rải rác khắp nơi, chủ yếu là trong các khe đá. Vì vậy, để bắt được ốc, có những hôm chúng tôi phải đi hàng chục km, qua hết ngọn núi này đến ngọn núi khác.

Trời tối, những chiếc đèn pin đeo trên đầu của những người “thợ săn” ốc bắt đầu bật sáng. Đêm tối giữa rừng núi âm u, những ánh đèn pin cũng chỉ chiếu sáng được khoảng đất nhỏ đủ cho người đi “săn” nhìn thấy vị trí của những con ốc đá đang bò đi ăn đêm. Hai tay vạt bụi cây dại, chị Ngân chỉ tôi thấy những con ốc đá tròn vo đang bám trên những hòn đá rêu xanh ẩm ướt. Chỉ cần chạm tay vào là những con ốc đã lăn tròn xuống đất. Tay nhặt ốc bỏ vào chiếc túi đeo sau lưng, chị Ngân vừa chia sẻ: Sau cơn mưa, có chỗ đường núi trơn trượt, có chỗ đất lại bám dính lấy ủng, khó khăn lắm mới nhấc chân đi được. Rồi những viên đá cũng trở nên trơn như đổ mỡ do mưa và sương đêm, chỉ cần sơ xẩy là ngã xuống núi như thường. Vì vậy, người đi bắt ốc phải thật cẩn thận và có kinh nghiệm trong việc đi rừng, leo núi mới vượt qua những vách núi hiểm trở.

Hành trình đi bắt ốc đá của chúng tôi cũng đã quá nửa đêm, mọi người gọi nhau tìm chỗ để nghỉ chân và chợp mắt để sáng sớm mai lại tiếp tục tìm kiếm “lộc rừng” của bà con.

Cùng trong số những người đi bắt ốc đá, bà Trương Thị Bộ, thôn Đồng Thành 2, đã có 40 năm lên rừng, leo núi đi bắt ốc đá. Vừa ngồi nghỉ chân, bà Bộ vừa chia sẻ: Bà đã đi theo mẹ bắt ốc đá từ khi mới 13 tuổi, đến nay bà Bộ vẫn háo hức cùng chị em đi bắt ốc đá mỗi khi đến mùa. Bao nhiêu năm đi bắt ốc đá, bà đã quen với từng con đường, cửa hang ở khu vực rừng Cúc Phương. Nơi nào có ốc, nơi nào ít, nơi nào nhiều, bà chỉ nhìn đất và đá là có thể biết được. Đi nhiều thành quen, trượt ngã một lần cũng có kinh nghiệm để nhận biết mõm đá nào dễ bị sạt lở. Nhớ lại lần bị ngã, bà Bộ vẫn còn chưa hết sợ hãi, bà kể: Lần đó, bà theo mẹ của mình đi bắt ốc đá cũng ở khu vực rừng Cúc Phương bây giờ. Do chưa có kinh nghiệm, bà bước chân vào một mõm đá có độ bám nông vào đất núi. Cả tảng đá bị sạt xuống khiến bà bị ngã. May mắn bà được một gốc cây đỡ lại nên chỉ bị thương nhẹ. Từ đó bà cẩn trọng hơn, đi cũng quan sát nhiều hơn và có kinh nghiệm hơn trong việc đi rừng, leo núi.

Việc đi rừng đã nhiều rủi ro. Đi rừng, leo núi vào ban đêm lại càng nguy hiểm. May mắn như chị Ngân, bà Bộ là chỉ bị ngã và bị thương nhẹ. Nhiều người còn bị ngã gãy tay, chân, rồi bị rắn độc cắn..., cũng có người không thể trở về như một trường hợp ở xã Thạch Lâm - khi đi bắt ốc đá, do không cẩn thận người này đã bước vào miệng hang bị cây cỏ che kín và rơi xuống hang sâu, tử vong.

Ngồi giữa núi rừng thăm thẳm, mọi người kể cho nhau nghe hết câu chuyện này đến câu chuyện khác, rồi đã thấy trời sáng. Chúng tôi lại tiếp tục hành trình đi “săn” ốc. Khoảng 6 giờ sáng, chúng tôi lên đường về nhà. Trên vai mỗi người đã địu thêm một túi ốc nặng. Về đến trung tâm xã, mọi người nhập ốc luôn cho các quán ở trong xã, không cần phải mang ra chợ bán. Một đêm trắng với nhiều vất vả, nhọc nhằn, thế nhưng trên gương mặt của mỗi người đều nở một nụ cười rạng rỡ. Bởi hôm nay, gia đình họ có thêm khoản thu nhập để cải thiện cuộc sống.


H.G

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]