(Baothanhhoa.vn) - Những ngày đầu tháng 7, khi cánh đồng phía trước làng tôi gần như đã được phủ bằng màu xanh của lúa thì lẽ ra, những người hàng xóm của tôi có thể tạm yên tâm mà nghỉ ngơi sau chuỗi ngày phơi mình trên đồng ruộng, dưới tiết trời nắng như đổ lửa. Nhưng không, những tiếng thở dài, những lo lắng về sự may – rủi, được mùa – mất mùa... đã khiến giấc ngủ của những người nông dân sớm hôm “một nắng hai sương” thêm thao thức, chập chờn giữa đêm dài.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thấp thỏm nỗi lo vụ mùa trên cánh đồng Nhâm

Những ngày đầu tháng 7, khi cánh đồng phía trước làng tôi gần như đã được phủ bằng màu xanh của lúa thì lẽ ra, những người hàng xóm của tôi có thể tạm yên tâm mà nghỉ ngơi sau chuỗi ngày phơi mình trên đồng ruộng, dưới tiết trời nắng như đổ lửa. Nhưng không, những tiếng thở dài, những lo lắng về sự may – rủi, được mùa – mất mùa... đã khiến giấc ngủ của những người nông dân sớm hôm “một nắng hai sương” thêm thao thức, chập chờn giữa đêm dài.

Thấp thỏm nỗi lo vụ mùa trên cánh đồng Nhâm

Những thửa ruộng bị bỏ hoang trên cánh đồng Nhâm ngày một nhiều thêm.

Trong tiềm thức của mình, tôi cùng những đứa trẻ đồng trang lứa trong làng đã trải qua tuổi thơ với những buổi chong đèn đi bắt cua đồng, những ngày đội nắng đi bắt cá... và những buổi ngồi trên lưng trâu, thong dong dưới gió trời nơi cánh đồng này. Cánh đồng Nhâm thuở đó đã dìu dắt những đứa trẻ ở vùng thuộc các xã Đông Thanh, Đông Anh (Đông Sơn) lớn lên từ những mùa khoai, mùa lúa..., từ những giọt mồ hôi của bà, của mẹ đổ xuống những vụ mùa, vụ chiêm.

Mẹ tôi kể, khoảng 15 năm trở về trước, niềm vui của những người dân quê tôi trên cánh đồng này được gắn với hình ảnh những bông lúa trổ đòng gặp thời tiết thuận lợi của vụ chiêm, là hình ảnh những gánh thóc vàng ươm trên đôi vai mỗi vụ mùa, là những rổ khoai tròn mẩy được đào lên từ những thớ đất... Những tiếng cười cũng từ đó mà nở trên môi những người con sớm hôm tảo tần.

Mẹ tôi kể, ngày xưa, trên những ô ruộng, sau khi rẽ bùn mà cắm xuống những cây mạ non, người ta vun vén, chăm sóc để đợi ngày thu hoạch. Những cây lúa được bàn tay cần cù chăm bẵm đã chẳng phụ lòng người. Mỗi năm, 2 vụ trồng lúa, một vụ trồng màu, chẳng khi nào cánh đồng ngơi nghỉ. Ấy vậy mà, mấy năm qua, đa số người dân chỉ còn ra đồng đặt xuống ruộng cây mạ non vào những ngày giáp tết, một số ít người vẫn cố gắng phủ xanh ô ruộng của mình bằng sự may rủi: Ừ thì cứ cấy. Nếu trời thương thì trời cho gặt. Bây giờ, sống với ruộng, không cấy hái thì biết làm nghề gì.

Tôi nhớ vụ mùa năm ngoái, khi nước lũ tràn về ngập trắng cả cánh đồng. Những cây lúa đang thì con gái chìm trong biển nước. Mẹ bảo, mười lăm năm qua, gần như mùa lũ năm nào lúa cũng bị ngập trắng như vậy. Những con kênh nằm phía dưới cánh đồng đã chẳng thể thực hiện chức năng tiêu úng cho đồng ruộng bởi cây dại, những bao tải rác, những mảng bèo tây phủ kín dòng kênh, nước lũ vì thế mà chẳng thoát kịp. Ngâm nước nửa tháng, những cây lúa dần chết rũ giữa bùn lầy. Nhìn 2 mẫu ruộng chìm trong biển nước, chú Dương, hàng xóm nhà tôi chỉ biết thở dài, tiếc cho bao công sức của cả gia đình dầm mình và trôi theo dòng nước.

Thấp thỏm nỗi lo vụ mùa trên cánh đồng Nhâm

Từ nhiều năm nay, dòng kênh thực hiện chức năng tiêu úng cho cánh đồng Nhâm phủ kín bằng những cây dại, cây bèo tây... gây cản trở dòng chảy khiến cánh đồng chìm trong biển nước mỗi mùa mưa lũ về.

Vụ mùa năm nay, những ô ruộng bị bỏ hoang đã nhiều thêm. Dường như, người ta đã biết trước điều gì sẽ xảy ra trong những ngày tới, khi mùa mưa, bão về. Gần một nửa cánh đồng Nhâm chỉ toàn những gốc rạ trơ trọi giữa cánh đồng cùng những bụi năn lác cao ngang đầu người. Xen lẫn trong sự hoang hóa ấy là những sào lúa đã kỳ đẻ nhánh, mà phía sau đó là những thấp thỏm, lo âu cùng sự mong cầu về một năm thời tiết đổi khác mà ủng hộ người, để bao công sức không còn bị đổ sông, đổ bể, để những hạt lúa vàng ươm lại về trong bồ thóc của người nông dân.

Mặc dù, để cải thiện tình trạng này, cũng là để nâng cao năng suất trên phần đất lúa kém hiệu quả, cán bộ địa phương đã có những giải pháp khuyến khích người dân chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây dựng trang trại chăn nuôi. Nhưng, đó hẳn chẳng phải là điều dễ dàng để thực hiện trong một sớm một chiều. Họ vẫn gắn bó với cây lúa, gắn với những thửa ruộng từ bao năm nay, mặc cho được mùa, mất mùa. Bởi họ đã quen với việc cắm cây mạ xuống cánh đồng lầy, quen với cái liềm, cái cuốc, quen đếm thời gian bằng mùa lúa xanh, lúa chín, mùa phơi rạ, chất rơm. Họ đã hòa mình vào cánh đồng, như bao nhiêu người quê đã sinh ra, lớn lên, làm việc, mến yêu nhau trên cánh đồng này, có những người suốt đời chỉ ở trên cánh đồng mà không quen với việc gì khác ngoài vòng quay cây lúa. Đó không chỉ là công việc mà còn là tình yêu của họ, cuộc sống của họ, nơi đã nuôi lớn những giấc mơ con.

Người ta bảo với tôi, biết đâu, năm nay rồi sẽ khác. Điều đó có nghĩa, họ vẫn hy vọng “còn chồi nảy cây”, hy vọng những thành quả có được sau những giọt mồ hôi rơi rớt trên từng thớ đất, đường cày nơi cánh đồng này.

Bài và ảnh: Lê Tình



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]