(Baothanhhoa.vn) - Đội ngũ nhân viên y tế cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng vẫn đang từng ngày, từng giờ căng mình đối diện với khó khăn, thử thách, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng của mình để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (COVID-19) gây ra.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những nỗ lực đáng ghi nhận trên “mặt trận” chống dịch COVID-19

Đội ngũ nhân viên y tế cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng vẫn đang từng ngày, từng giờ căng mình đối diện với khó khăn, thử thách, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng của mình để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (COVID-19) gây ra.

Những nỗ lực đáng ghi nhận trên “mặt trận” chống dịch COVID-19

Những nỗ lực của các y, bác sĩ mang lại hy vọng và niềm tin cho người dân trong cuộc chiến chống COVID-19. Trong ảnh: Bệnh nhân nhiễm COVID-19 điều trị thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh được xuất viện trong niềm vui của các thầy thuốc.

Ngay từ ca bệnh đầu tiên (có yếu tố dịch tễ liên quan - đi công tác tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) trở về quê ăn tết vào khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định lúc 13 giờ 45 ngày 24-1-2020 (tức 30 tết) với biểu hiện ho, sốt, đau ngực đã được giám sát, cách ly, theo dõi và điều trị tích cực ngay từ những giờ đầu. Sở Y tế đã lập tức báo cáo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền và chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định cách ly và chuyển bệnh nhân đến Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để cách ly, theo dõi và điều trị đúng quy trình của Bộ Y tế. Sở Y tế đã kịp thời ban hành công văn về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona gây ra, để kích hoạt công tác đáp ứng dịch cho toàn hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời chỉ đạo thiết lập các bộ phận thường trực công tác phòng chống dịch của ngành y tế đặt tại cơ quan Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nắm chắc diễn biến tình hình dịch, thường xuyên tổ chức giao ban thường kỳ, kịp thời đưa ra các giải pháp cụ thể, hiệu quả lãnh, chỉ đạo các đơn vị y tế triển khai các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ phòng chống dịch, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo công tác phòng chống dịch hiệu quả, phù hợp.

Và trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, phải kể đến những “chiến binh” không quản ngày đêm đối mặt với đại dịch chưa biết khi nào kết thúc. Họ đã làm việc, đã cống hiến bằng tất cả tâm nghề và trách nhiệm lương y, thậm chí là hiểm nguy để giành giật sự sống cho người bệnh, mang lại hy vọng và niềm tin cho người dân giữa “cơn bão” COVID-19 đang hoành hành. Đó là tập thể Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, trong đó đầu tàu là bác sĩ Trưởng khoa Đỗ Xuân Tiến – người đã thường xuyên theo dõi, chỉ đạo nhân viên trong khoa và trực tiếp khám, sàng lọc, điều trị kịp thời, hợp lý các bệnh nhân viêm đường hô hấp, đặc biệt là các bệnh nhân từ Trung Quốc về, bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Bác sĩ Đỗ Xuân Tiến chia sẻ: Ý thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh, “chống dịch như chống giặc”, tôi xác định đây là nhiệm vụ của người bác sĩ nên là người tiếp xúc nhiều và gần nhất với bệnh nhân, hiểu được sự hoang mang, lo sợ của họ khi phải điều trị cách ly. Vì thế, cùng với các phác đồ điều trị bằng thuốc, tập thể cán bộ, y, bác sĩ trong khoa còn tạo tâm lý thoải mái cho bệnh nhân, coi người bệnh như người nhà, thăm hỏi, động viên hàng ngày, hướng dẫn bệnh nhân chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng cũng như sức đề kháng. Nhờ đó, sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân đã có những chuyển biến tốt, các xét nghiệm lần 2 đã khẳng định bệnh nhân hoàn toàn âm tính với COVID-19.

Trong quá trình điều trị căn bệnh chưa có tiền lệ này, bài học kinh nghiệm được đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa rút ra đó là phải theo dõi và áp dụng tất cả kinh nghiệm điều trị lâm sàng để phát hiện, điều trị sớm. Trong đó cách ly sớm là vấn đề rất quan trọng và áp dụng phương pháp chăm sóc điều trị tích cực. Trao đổi thêm về vấn đề này, bác sĩ Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, khẳng định: Từ khi tiếp nhận ca bệnh đầu tiên cho đến nay, dù chưa có kết luận bệnh nhân có mắc phải COVID-19 hay không, nhưng vì các bệnh nhân đều có yếu tố liên quan về mặt dịch tễ, nên bệnh viện đã tập trung điều trị, áp dụng các biện pháp cách ly, phòng hộ cho nhân viên y tế và giám sát đối với những người có tiếp xúc với bệnh nhân. Đồng thời, bệnh viện cũng chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, máy móc, dụng cụ y tế, thuốc, dịch truyền, hóa chất... để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng lây lan và tử vong do COVID-19. Tất cả đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện đã, đang và luôn trong tâm thế, tinh thần trách nhiệm cao nhất, sẵn sàng chống dịch.

Ngoài những y, bác sĩ trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân, thì những y, bác sĩ làm công tác dự phòng cũng vất vả không kém, khi họ cũng đi vào vùng dịch và tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Vượt lên trên những khó khăn đặc thù, nguy cơ cao bị lây nhiễm nhiều mầm bệnh từ ổ dịch, những cán bộ y tế dự phòng không kể giờ giấc, ngày đêm, nhiều người đã phải gác lại việc gia đình, con cái để tập trung cho chống dịch COVID-19, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Kể từ khi thông tin dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, có nguy cơ xâm nhập qua biên giới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trung tâm đã thành lập 4 đội cơ động phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tổ chức các đoàn công tác tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các địa phương có ca bệnh xác định, ca bệnh nghi ngờ, khu vực có đông công dân Trung Quốc lao động và học tập. Bố trí cán bộ thường trực phòng chống dịch tại các vị trí 24/24h... sẵn sàng lên đường mỗi khi địa phương, đơn vị báo có ca bệnh nghi ngờ. Cùng với đó, công tác truyền thông cũng được chú trọng đặc biệt. Trung tâm thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan cung cấp thông tin, theo dõi tình hình diễn biến mới nhất về dịch bệnh tại tỉnh, đưa ra những thông tin xác thực nhất, tránh làm dư luận hoang mang. Đồng thời chỉ đạo tuyến cơ sở triển khai các hoạt động truyền thông tại cộng đồng, giúp người dân có những kiến thức cơ bản về bệnh và thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Tại huyện Yên Định, ngay từ ngày đầu tiên xuất hiện bệnh nhân có biểu hiện nghi ngờ với các triệu chứng COVID-19 do đi từ vùng dịch về, trung tâm y tế huyện đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch chủ động, tiến hành giám sát, lấy thông tin bệnh nhân, cử các thành viên trong đội cơ động bảo đảm phòng chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, điều tra ca bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định. Đồng thời, giám sát ca bệnh, giám sát các đối tượng tiếp xúc với bệnh nhân nghi ngờ nhiễm COVID-19; tiến hành giám sát và đo thân nhiệt hàng ngày với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân; tiến hành phun hóa chất tiêu độc, khử trùng tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định, xe cứu thương của bệnh viện, khu vực 200m quanh nhà bệnh nhân nhằm tiêu độc, khử trùng không để bùng phát lây lan; tham mưu cho UBND huyện thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch. Chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành vệ sinh môi trường khu vực công sở, trường học, chợ, công ty, doanh nghiệp..., giám sát, theo dõi, báo cáo các trường hợp đi từ vùng dịch về. Phối hợp với UBND xã Định Hòa tiến hành phun hóa chất tiêu độc, khử trùng tại 3 trường học, trạm y tế, chợ, khu vực chùa Thiên Phúc và khu vực thôn Nội Hà, xã Định Hòa. Cấp phát khẩu trang và hướng dẫn người dân cách sử dụng khẩu trang cùng với các biện pháp phòng ngừa dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế cho những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, nhân dân thôn Nội Hà, xã Định Hòa. Chỉ đạo 2 đội cơ động phòng chống dịch nắm bắt tình hình bệnh tại 26 xã, thị trấn được phân công, giao trạm y tế tiến hành giám sát ca bệnh, người dân đi từ vùng dịch về, báo cáo kịp thời về trung tâm y tế. Triển khai các hoạt động truyền thông tới người dân về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa. Kịp thời cung ứng vật tư, hóa chất, trang phục bảo hộ phòng, chống dịch để cấp phát cho 26 trạm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. Theo dõi tình hình sức khỏe bệnh nhân dương tính với COVID-19 sau khi ra viện, vẫn tiếp tục cách ly, hướng dẫn cách phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng.

Trao đổi với Tiến sĩ Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, được biết: Từ trước tết đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh duy trì trực 24/7. Khi cần thiết có thể huy động đội đáp ứng nhanh để khẩn trương triển khai nhiệm vụ. Không chỉ làm việc xuyên tết, hầu hết thành viên của đội đáp ứng nhanh không có ngày nghỉ cuối tuần. Là đơn vị trực tiếp tham gia khám phân loại và lấy mẫu xét nghiệm những ca nghi ngờ cao, đội ngũ y, bác sĩ làm công tác dự phòng đã không quản ngày đêm. Vượt qua những nỗi lo lắng, nguy cơ lây nhiễm, những y, bác sĩ làm dự phòng vẫn lăn xả vào công việc, ngày đêm cùng các thầy thuốc chăm lo cho sức khỏe người bệnh, cũng như tìm mọi biện pháp để phòng, chống dịch được hiệu quả nhất.

Có theo sát các y, bác sĩ không kể đêm ngày và sự nguy hiểm đến sức khỏe của bản thân trong những ngày chống dịch COVID-19 mới thấy hết được giá trị từ những gì mà họ mang đến cho cộng đồng. Tuy vất vả như vậy, nhưng đội ngũ những người làm công tác y tế trên địa bàn tỉnh luôn tận tụy, hết mình vì công việc, họ là những “chiến binh” quả cảm, nhiệt huyết - tất cả vì sức khỏe của nhân dân!

Bài và ảnh: Hà Bắc


Bài Và Ảnh: Hà Bắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]