(Baothanhhoa.vn) - Trong khi nhiều đứa trẻ được cha mẹ chăm lo đủ đầy từ miếng ăn, giấc ngủ, được học hành hay thỏa thích vui chơi, thì nhiều đứa trẻ miền biển lại mò mẫm cùng bố mẹ đi bắt ngao. Dù cuộc sống khó khăn, việc mưu sinh theo con nước chỉ lặng thầm đắp đổi, song ở các em vẫn luôn toát lên những khát vọng đẹp. Bởi, đối với những đứa trẻ ấy, công việc này không chỉ kiếm thêm miếng cơm, manh áo, mà còn để viết tiếp giấc mơ dang dở đến trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những đứa trẻ nhặt “mầm sống” trên cát

Trong khi nhiều đứa trẻ được cha mẹ chăm lo đủ đầy từ miếng ăn, giấc ngủ, được học hành hay thỏa thích vui chơi, thì nhiều đứa trẻ miền biển lại mò mẫm cùng bố mẹ đi bắt ngao. Dù cuộc sống khó khăn, việc mưu sinh theo con nước chỉ lặng thầm đắp đổi, song ở các em vẫn luôn toát lên những khát vọng đẹp. Bởi, đối với những đứa trẻ ấy, công việc này không chỉ kiếm thêm miếng cơm, manh áo, mà còn để viết tiếp giấc mơ dang dở đến trường.

Những đứa trẻ nhặt ngao trên cát.

Bới cát tìm ngao

Một buổi sớm đầu thu, chúng tôi từ xã Hải Lộc (Hậu Lộc) đi đò qua sông Lạch Trường đến với bãi bồi khu vực Hòn Bò thuộc cửa Lạch Trường của xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa). Đứng trên triền đê phóng tầm mắt ra xa, thấp thoáng những chòi canh ngao dựng lô nhô giữa bốn bề sông nước. Còn ngay dưới chân đê là hình bóng của các chị, các mẹ đang cần mẫn mưu sinh.

Không gian thoáng đãng, sóng biển rì rào, bước những bước chân trần trên bãi biển giữa làn sương sớm chưa tan, tôi lại gần những tốp người đang nhấp nhô đi tới đi lui. Cúi xuống nhặt những con ngao vừa được ngư dân nạo từ dưới cát lên, tôi thắc mắc về tên gọi “nghề đi thụt lùi” thì được một phụ nữ giải thích: Muốn tìm được những con ngao biển, chúng tôi dùng dụng cụ chuyên dụng cắm sâu xuống cát, sau đó vừa đi thụt lùi vừa nhặt ngao lên. Cứ thế ngược xuôi hết cồn bãi này, sang triền cát khác cho đến khi thủy triều dâng lên, mọi người mới chịu trở về nhà.

Đang say sưa nghe người phụ nữ nói và tận hưởng vị mặn mòi của gió biển, vẳng đâu đó, tiếng bọn trẻ í ới gọi nhau, từ những lối nhỏ trong thôn. Thoáng cái đã thấy dăm, bảy đứa trẻ đen sạm, nhỏ thó, nhanh nhẹn “dàn trận” đều tăm tắp dưới bãi biển. Chúng không phải ra để chơi đùa mà để “thực thi” công việc kiếm tiền phụ giúp gia đình. Không tranh giành, cãi vã, chúng tự tìm cho mình một khoảng cát “màu mỡ” để bắt đầu công việc tìm ngao.

Lân la trò chuyện cùng em Nguyễn Đức Khánh ở thôn 1, em cho biết: Gia đình em có 4 chị em, bố mẹ cũng kiếm cơm bằng nghề biển. Là anh trai lớn trong nhà nên dù mới 14 tuổi Khánh đã được bố mẹ giao trọng trách đưa hai người em nhỏ là Nguyễn Đức Thuận (10 tuổi), Nguyễn Đức An (8 tuổi) ra biển dạy và học cách cào cát để bắt ngao. Để nạo ngao, Khánh sử dụng loại công cụ tự chế đơn giản là một đoạn tre dài khoảng 2,5m, phần gốc chẻ đôi dài khoảng 30cm, dang ra 2 bên để gắn cố định 1 vòng sắt khoảng 30-40cm. Khánh buộc sợi dây vải ở giữa thân nạo vào bụng để có sức kéo rồi kéo lê trên mặt cát, tạo thành những đường dài ngoằn ngoèo. Cậu bé vừa làm vừa tỉ mỉ chỉ dẫn cách sử dụng công cụ cho cậu em trai út. Khi chạm ngao, nạo mắc lại, thằng bé lấy ngón chân sục sâu vào cát rồi nhón tay nhặt bỏ những con ngao vào một chiếc xô nhựa nhỏ. Khánh nhấn mạnh: “Phải cầm làm sao cho cán nạo cân đối, không bị vênh. Kéo không được lệch tay thì nạo mới ăn đất và được nhiều ngao”. Thấy anh chỉ dẫn, cậu em út 8 tuổi ngắc ngư làm theo lời anh trai dặn.

Cách đó không xa, em Nguyễn Văn Ngọc, năm nay 13 tuổi, gầy gò, đen nhẻm, thoăn thoắt, tiến tiến, lùi lùi, rồi lại cúi xuống nhặt ngao. Em nhanh nhảu cho biết: “Bố mẹ em đi làm ăn xa, nhà chỉ có hai anh em, từ khi học lớp 1 em đã biết nạo ngao và bắt đầu theo người lớn đi nạo ngao ở bãi bồi này”. Nơi Ngọc nạo ngao là bãi cát dài sát biển, có độ sâu khoảng 1m, một lượt nạo kéo dài khoảng 10 - 20m. Nếu làm việc chăm chỉ thì sẽ đi hàng chục km mỗi ngày.

Người dân cho biết, nạo trên cát khô đã mệt, nhưng nạo dưới nước còn nặng và khó hơn rất nhiều. Loài ngao thường nằm vùi trong lớp cát hoặc lẫn trong đám vỏ bị sóng đánh dạt vào bờ. Để ý kỹ mới thấy, sau mỗi lần vục miệng cào xuống, các em luôn mong trong mảng cát nhỏ ấy bới lên sẽ có vài con ngao to. Đó cũng như một niềm vui “nghề nghiệp”, mong ước giản đơn của người lao động nói chung và các em nhỏ nơi xã biển nói riêng. Tuần đầu tiên chưa quen, Ngọc phải liên tục cúi xuống dùng tay bới cát, nhặt ngao. Thân nạo tì vào vai hằn thành vết thâm tím. Tối về, lưng và vai em đau ê ẩm. “Đi nhiều thành quen, giờ em dùng chân khều, đôi khi đạp vào miếng hàu, vỏ ốc, đứt chân lại phải nghỉ ở nhà vài ngày, chờ cho vết đứt lành miệng mới dám đi tiếp. Vất vả nhưng em vẫn thấy vui lắm, vì mẹ bảo tuổi nhỏ làm việc nhỏ, sau này em sẽ cố gắng học lên đại học, để có thể đổi nghề, chứ nghề biển này thấy bố mẹ em làm rất vất vả”.

Theo người lớn đi nạo ngao từ rất sớm, Ngọc nhận mình vẫn là thợ nạo ít kinh nghiệm. Các anh chị lớn, nhiều kinh nghiệm hơn thường đi đò, sang bãi biển huyện Hậu Lộc để “tác nghiệp”. Dân hai huyện cùng nhau mưu sinh, mấy đứa trẻ có khi vai chạm vai nhưng chưa bao giờ xảy ra chuyện tranh chấp hay cãi vã. “Cửa biển rộng mênh mang, ai làm nhiều thì hưởng nhiều. Lộc biển cùng chia nhau, ăn một mình làm sao hết”, Ngọc cười, nói.

Gần đó cũng có nhiều bãi nuôi ngao nhưng mấy đứa trẻ đi nạo không bao giờ bén mảng đến. Mỗi ngày, trung bình một đứa trẻ nạo được 1-2kg ngao. Thương lái trả với giá 15-25 nghìn đồng/kg, tùy theo từng loại. Ngày nào nhiều nhất cũng kiếm được 40-50 nghìn đồng. Còn bình thường, chỉ được 20-30 nghìn đồng/ngày. Tuy những đồng tiền ít ỏi các em kiếm được không đáng bao nhiêu, nhưng chừng đó cũng giúp các em mua sắm sách vở, dụng cụ học tập, tiếp tục tới trường.

Viết tiếp những ước mơ

Những đứa trẻ không có ngày hè, dù trong vất vả của cuộc mưu sinh, dù các em không được hưởng cuộc sống đầy đủ nhưng điều đó không quan trọng, mà quan trọng hơn cả là các em có thành quả học tập xuất sắc, biết yêu lao động. Dù còn thiệt thòi về điều kiện sống so với trẻ em thành phố, nhưng ý chí và nghị lực vươn lên của các em mới là đáng quý.

Cô Xuân, giáo viên Trường Tiểu học Hoằng Trường, tâm sự: “Bọn trẻ ở đây ngoài thời gian đi học, còn phải giúp cha mẹ kiếm tiền. Nhiều hôm, có đứa đến muộn, tay vẫn còn cầm cây sào lí nhí xin cô giáo cho vào lớp. Lại có lần, con nước rút sớm, chúng tạt qua trường chờ đến giờ học, nhìn các em tím tái vì lạnh, tôi thương lắm”.

Đã có một thời gian dài, cũng vì cuộc sống khó khăn mà hàng chục đứa trẻ bỏ học để ở nhà mưu sinh. Các thầy, cô giáo trong trường phải đến từng nhà vận động để các em tiếp tục đến trường. Thậm chí, để động viên các em tới lớp, các thầy, cô giáo phải góp tiền, mua bút, sách tặng các em nhỏ, dạy kèm thêm những em còn học yếu... Nhưng đó là chuyện của những ngày xưa, sự học đang đổi thay trên vùng đất khó. “Các em dù vất vả đến mấy cũng cố gắng đến trường học đầy đủ, em nào cũng học rất khá. Đó chính là động lực để những người giáo viên như chúng tôi dạy tốt hơn nữa”, cô Xuân cho hay.

Không còn cảnh những gia đình vì nghèo mà ép con phải bỏ học, dân vùng bãi bồi đã nhìn xa hơn biển cả, việc học hành của những đứa trẻ được đặt lên hàng đầu. “Em chỉ đi cào ngao mùa hè thôi, vào năm học mới mẹ bắt em ở nhà nghỉ để sáng hôm sau còn tới lớp. Nghe lời mẹ, lời cô giáo, em sẽ chăm chỉ học thật giỏi, để sau này có công việc ổn định, sẽ đỡ vất vả hơn”, em Phạm Minh Anh, 12 tuổi, thôn 1, xã Hoằng Trường, liến láu nói. Thành tích học tập nhiều năm liền là học sinh giỏi của em đã chứng minh điều đó. Dù mưu sinh nhọc nhằn, nhưng cha mẹ em vẫn quyết tâm cho các con ăn học thành tài.

Còn cậu bé Nguyễn Đức Khánh lại hớn hở khoe với tôi: “Hai tháng hè mỗi ngày em kiếm được 30 nghìn đồng đấy. Số tiền đó, em đem bỏ lợn tiết kiệm, đến đầu năm học, em đập lợn đưa tiền cho mẹ sắm sách vở vào năm học mới. Chị gái em đã bỏ học từ sớm để 3 em trai được tới trường, thương bố mẹ, thương chị, thương các em nên em phải học thật giỏi để không phụ công mong mỏi của cả nhà”. Nói rồi cậu bé cười tươi.

Đối với những bậc làm cha, làm mẹ nơi đây, điều vui mừng nhất hiện nay là tất cả các thôn, xóm đều có con em theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Nhiều em sau khi tốt nghiệp ra trường đã tình nguyện trở về quê hương dạy học hoặc tham gia các công việc khác ở địa phương. Vào những ngày nghỉ, các em lại cùng bố mẹ ra bãi cát cào ngao, bắt ốc như là một hành động để đền đáp công lao bố mẹ đã cực nhọc nuôi nấng mình lớn lên. Các em vốn sinh ra từ chân sóng, thấu hiểu hơn ai hết nỗi khó khăn, vất vả của các bậc sinh thành nên việc nỗ lực học tập, tìm kiếm cho mình một tương lai tươi sáng hơn, âu đó cũng là tâm nguyện muôn đời nay của nhiều thế hệ người dân làng biển.


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]