(Baothanhhoa.vn) - Kỹ năng sống (KNS) có vai trò quan trọng đối với sinh viên (SV) khi bước chân vào trường đại học. Nếu thiếu những KNS cần thiết tân SV dễ rơi vào tình trạng mất cân bằng cuộc sống, ảnh hưởng đến việc học tập, rèn luyện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kỹ năng sống cho tân sinh viên: Hành trang không thể thiếu

Kỹ năng sống (KNS) có vai trò quan trọng đối với sinh viên (SV) khi bước chân vào trường đại học. Nếu thiếu những KNS cần thiết tân SV dễ rơi vào tình trạng mất cân bằng cuộc sống, ảnh hưởng đến việc học tập, rèn luyện.

Kỹ năng sống cho tân sinh viên: Hành trang không thể thiếu

Sinh viên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia các hoạt động nâng cao kỹ năng sống.

Bước vào đại học, một cuộc sống mới mở ra, nơi SV phải tự lập, tự quyết định việc ăn ở, chi tiêu, học tập của mình, do đó ít nhiều sẽ gây xáo trộn đến đời sống tâm lý, sinh hoạt của SV. Đặc biệt là những SV đến từ các vùng quê nghèo, miền núi khó khăn thường lúng túng hơn khi thích nghi với môi trường mới. Em Nguyễn Thị T., SV năm thứ nhất, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: Tháng đầu tiên nhập học, em được bố mẹ mua sắm các đồ dùng cần thiết, trả tiền thuê trọ và cho 2 triệu đồng. Lần đầu được cầm một số tiền khá lớn, nên cứ thiếu gì là em lại mua, không tính toán nhiều. Do đó, mới được 3 tuần thì tiền gần hết, em phải mua mì tôm để ăn. Sau vài lần chi tiêu không hợp lý em đã dần tập được cách chi tiêu, quản lý tài chính... Đây dường như là câu chuyện chung của nhiều SV năm thứ nhất. Đa phần các em đều mới tự lập, tự quản lý tài chính. Việc thiếu KNS, kỹ năng quản lý tài chính sẽ dẫn đến những khoản chi tiêu không hợp lý, mua sắm không bảo đảm sẽ dẫn tới những bữa ăn tạm bợ, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của SV.

Quản lý tài chính chỉ là một trong nhiều thách thức mới mà SV phải đối mặt. Cuộc sống tự lập còn muôn vàn khó khăn như, tự chăm sóc bản thân, sắp xếp thời gian học tập, vui chơi, tham gia các hoạt động công tác xã hội, lựa chọn các mối quan hệ xã hội... Có rất nhiều thử thách mà nếu thiếu KNS thì các em sẽ không biết cách ứng xử, bảo vệ mình trước những cạm bẫy. Đặc biệt, với tâm lý xả hơi sau 12 năm miệt mài đèn sách trên ghế trường phổ thông và xa tầm giám sát của gia đình tân SV dễ hình thành lối sống, thói quen không lành mạnh, sa đà vào các cuộc vui, trò chơi, ảnh hưởng đến chất lượng học tập và sức khỏe. Ví như Lê Anh M., SV Trường Đại học Hồng Đức đã nhanh chóng bị cuốn vào những buổi chơi game thâu đêm suốt sáng ngay sau 3 tháng nhập học. Anh M. tâm sự: Do tâm lý “xả hơi” sau khi đã đậu đại học, tối nào em cũng chơi game, có những hôm thức đến 2-3h sáng và hôm sau không thể dậy sớm đi học. Chỉ một thời gian ngắn mà cơ thể sụt cân, người mệt mỏi. Rất may được các anh chị đồng hương khóa trên khuyên nhủ nên em đã nhận ra và kịp thời điều chỉnh thời gian học và chơi của mình. Hiện nay, em đã sắp xếp lại thời gian biểu hợp lý cho việc học cũng như giải trí, tham gia các hoạt động thể thao để xây dựng lối sống lành mạnh.

KNS là một hành trang quan trọng, giúp SV nhận biết, thích nghi tốt với môi trường sống và có thái độ tích cực đối với nhiều tình huống, sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Nhận thức được tầm quan trọng của KNS, các trường đại học, cao đẳng đã tăng cường các hoạt động, sinh hoạt chuyên đề, các buổi tập huấn KNS cho SV, đặc biệt là các tân SV; vận động các SV tích cực tham gia công tác đoàn, các hoạt động tình nguyện; thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt các câu lạc bộ, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao để SV có điều kiện giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau.

Trường Đại học Văn hóa, Thể Thao và Du lịch trung bình mỗi năm có khoảng 1.500-1.700 SV các hệ nhập học. Để SV nhanh chóng làm quen với môi trường mới, ngay từ đầu các năm học nhà trường tổ chức buổi sinh hoạt chính trị công dân đầu khóa cho các tân SV. Từ đó, giáo dục SV về tư tưởng chính trị, cách ứng xử, thái độ tích cực, rèn luyện... giúp SV định hướng đúng đắn về lối sống ngay từ những năm đầu; hướng dẫn phương pháp học tập, xây dựng thời gian biểu, sinh hoạt khoa học, hợp lý. Phân công giảng viên phụ trách từng lớp để kịp thời nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư tình cảm của SV trong lớp. Đoàn trường và hội SV thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, các hoạt động nâng cao kỹ năng thuyết trình, kỹ năng nói, kỹ năng thảo luận nhóm cho SV. Đồng thời, phối hợp cùng các chuyên gia tư vấn, tổ chức khóa tập huấn về KNS cho SV.

Anh Đoàn Văn Trường, Chủ tịch Hội SV, phó bí thư đoàn Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trong những năm gần đây, nhờ sự phát triển của công nghệ, tân SV dễ dàng tìm hiểu về nơi mà mình sẽ trọ và học 4 năm nên các em SV cũng nhanh chóng tiếp cận và hòa nhập với cuộc sống mới. Đồng thời, nhà trường đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp SV hiểu, đậu đại học chỉ là bước khởi đầu cho việc học và rèn luyện nghề nghiệp và chuyên môn trong tương lai. Cần phải tiếp tục tự rèn luyện và phấn đấu cả về đạo đức, chuyên môn lẫn kỹ năng mềm. Cùng với đó, nhà trường đã lấy thông tin của bố mẹ SV để thường xuyên thông báo tình hình của SV, quan tâm, động viên kịp thời những trường hợp có biểu hiện bất thường.

Những năm trên giảng đường đại học được xem là giai đoạn để SV rèn luyện, chuẩn bị hành trang bước vào cuộc sống. Để tránh bỡ ngỡ trước những thay đổi, ngay từ khi chuẩn bị bước chân vào giảng đường đại học, các tân SV cần chuẩn bị cho mình một tâm lý, lập trường vững vàng và những KNS cần thiết. Tăng cường giáo dục KNS cho SV là việc làm cần thiết, không chỉ các trường đại học, cao đẳng, mà các trường THPT cũng cần triển khai các hoạt động giáo dục, tập huấn KNS cho học sinh. Đồng thời, cha mẹ cần quan tâm, đồng hành cùng các em và tạo điều kiện cho các em học tập, rèn luyện phát triển KNS để các em có đủ hành trang tự lập, tự rèn luyện để trưởng thành.

Bài và ảnh: Thùy Linh


Bài Và Ảnh: Thùy Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]