Tin liên quan
Đọc nhiều
Kiếm tiền triệu từ khai thác rau câu
Không mất công nuôi trồng, nhiều hộ dân vùng ven biển xã Nga Tiến, huyện Nga Sơn có diện tích đầm nuôi thủy sản khu vực ngoài đê đã tận dụng mùa rau câu phát triển, khai thác để kiếm thêm thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi mùa thu hoạch.
Bà Mai Thị Hoa, xã Nga Tiến, huyện Nga Sơn đang phơi khô rau câu để bán cho thương lái.
Chúng tôi về vùng biển Nga Tiến vào những ngày mùa khai thác rau câu. Các hộ dân nơi đây đang tranh thủ những ngày “được nắng” để vớt rau câu lên bờ phơi khô rồi bán. Rau câu là một loại tảo giàu chất dinh dưỡng, được sử dụng trong chế biến thực phẩm, thức uống giải khát. Mỗi năm, những gia đình có đầm nuôi thủy sản ở đây đều kiếm thêm 20-50 triệu đồng từ nguồn “lộc biển” này.
Là một trong những hộ có diện tích nuôi thủy sản lớn, những năm gần đây, ngoài nguồn thu chính từ hải sản, anh Hoàng Ngọc Cường, ở xã Nga Liên, huyện Nga Sơn, còn kiếm thêm hàng chục triệu nhờ thu vớt rau câu tự nhiên trong đầm.
Anh Cường cho biết: Gia đình tôi có gần 1,8 ha diện tích đầm nước mặn ngoài đê thuộc xã Nga Tiến để nuôi thủy sản. Ngoài thu nhập chính từ nuôi tôm, thì rau câu mang lại nguồn thu đáng kể. Từ tháng 9 âm lịch, sau khi khai thác hết thủy sản, tôi tháo nước vào đầm, rau câu theo con nước vào rồi phát triển tự nhiên. Đến khoảng tháng 2, 3 âm lịch là tôi khai thác hết rau câu, làm sạch đầm để chuẩn bị nuôi vụ tôm mới. Năm nay, gia đình tôi khai thác được 4 lần với khoảng 15-16 tấn rau câu. Giá rau câu dao động từ 4.500 đồng - 6.500 đồng/kg. Tổng thu nhập từ khai thác rau câu năm nay của gia đình tôi được khoảng 50 triệu đồng.
Việc khai thác rau câu cũng khá vất vả, phải lội xuống đầm, ngâm mình trong nước mới vớt được rau câu lên. Vì vậy, đòi hỏi người có sức khỏe tốt mới làm được. Rau câu sau khi vớt lên, rửa sạch rồi phơi nắng (nếu nắng to thì mất khoảng 2 nắng là thu gom được), sau đó, được đóng gói rồi chờ thương lái đến tận nơi thu mua, người dân không phải đưa đi xa để bán. Dù công đoạn khai thác vất vả nhưng rau câu phát triển tự nhiên, không phải mất công nuôi trồng, không mất tiền vốn bỏ ra, nên mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Gia đình bà Mai Thị Hoa, ở thôn 3, xã Nga Tiến cũng có gần 0,75 ha diện tích nuôi trồng thủy sản ngoài đê. Cũng như nhiều hộ dân nơi đây, hàng năm, gia đình bà Hoa thu tiền triệu từ việc khai thác rau câu.
Vừa vớt rau câu dưới đầm đưa lên bờ để phơi cho kịp nắng, bà Hoa chia sẻ: Rau câu mọc tự nhiên ở các đầm nuôi trồng thủy sản. Tới mùa nó mọc thành từng mảng, rất nhiều. Có thời điểm sản lượng rau câu quá nhiều, chủ các đầm tôm, cua phải huy động người xuống vớt. Gia đình tôi có diện tích đầm nuôi trồng thủy sản ít nên thường tranh thủ những hôm trời nắng to, hai vợ chồng ra đầm vớt lên phơi rồi đóng bì cho thương lái đến lấy. Rau câu được người tiêu dùng ưa chuộng nên rất dễ bán, có bao nhiêu là thương lái thu mua hết bấy nhiêu. Đặc biệt là trong những ngày nắng nóng, nhu cầu thu mua rau câu càng lớn, giá bán cũng cao hơn.
Theo bà Hoa, trước đây, rau câu cũng phát triển ở đầm nhưng không ai khai thác do không có thị trường thu mua. Khoảng 10 năm nay, các nhà máy sản xuất thạch rau câu phát triển, nhu cầu thu mua rau câu lớn nên người dân mới khai thác để bán. Rau câu phát triển tự nhiên, theo mùa, nếu không thu hoạch, hết mùa rau câu cũng tự chết. Vì vậy, những hộ dân có đầm nuôi thủy sản ngoài đê tận dụng lúc mùa vụ không nuôi thả thủy sản để khai thác rau câu, tăng thêm thu nhập. Mùa khai thác rau câu nhiều nhất là tháng 2 âm lịch, gia đình nào khai thác muộn thì đến khoảng tháng 3, 4 âm lịch là hết. Sau khi khai thác hết rau câu, các hộ nuôi thủy sản sẽ làm sạch đầm để nuôi thả vụ tôm mới.
Trong khi khai thác rau câu, các hộ dân vẫn nuôi cua và tôm tự nhiên phát triển trong đầm. Vì vậy, ngoài việc thu nhập thêm từ khai thác rau câu, các chủ đầm nuôi thủy sản còn khai thác được cua và tôm cá tự nhiên...
Cũng theo những người dân nơi đây, số lượng rau câu nhiều hay ít phụ thuộc vào thời tiết mỗi năm. Bên cạnh đó, rau câu ảnh hưởng lớn đến nuôi trồng thủy sản, nó làm hạn chế lượng ô-xy trong nước của đầm nuôi, dẫn tới giảm năng suất của các loại thủy sản khác. Vì vậy, khi thấy rau câu trong đầm quá nhiều cần phải vớt ngay, nhằm tránh ảnh hưởng tới sự phát triển của tôm, cua, cá.
Ông Mai Sỹ Tuấn, Chánh văn phòng UBND xã Nga Tiến, cho biết thêm: Xã Nga Tiến có 20 hộ có diện tích đầm nuôi trồng thủy sản phía ngoài đê với khoảng 22 ha. Các hộ dân chủ yếu là nuôi trồng thủy sản nước mặn, như tôm, cua, cá... Việc khai thác rau câu được người dân tận dụng sau khi khai thác hết thủy sản, chứ không phải sản xuất chính của người dân. Tuy nhiên, mỗi vụ khai thác rau câu, các hộ dân cũng thu nhập thêm hàng chục triệu đồng tùy vào diện tích đầm. Đây cũng là hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng thêm thu nhập cho người dân có diện tích đầm nuôi thủy sản ở khu vực cửa biển.
Bài và ảnh: Hoàng Giang
{name} - {time}
- 2023-03-21 17:58:00
Bí mật cá nhân!
- 2023-03-21 16:01:00
Khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” năm 2021-2022
- 2019-05-17 17:05:00
Thêm vững tin về chất lượng sữa học đường Vinamilk
Ra mắt mô hình “Xứ đạo bình yên – Gia đình hạnh phúc”
Ra mắt Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản
Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã
Lại thêm một “Ông đỡ mát tay” là tài xế Mai Linh
Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ: Cần sự phối hợp đồng bộ của gia đình và xã hội
Tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em
[Infographic] 10 việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm từ 1/7/2019
Xã Lương Sơn (Thường Xuân): Công ty dịch vụ điện áp đặt người dân sử dụng mạng viễn thông?
Ký kết chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân TP Thanh Hóa và Hội N ông dân huyện Thạch Thành