(Baothanhhoa.vn) - Nước sạch về làng – đó là mong mỏi của nhiều hộ dân xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa) từ những năm trước. Cũng bởi ở vùng đất giáp chân đê biển này, nguồn nước sinh hoạt hằng ngày của các hộ gia đình chủ yếu từ nước giếng khoan. Nhưng do đặc tính thổ nhưỡng, đa số các giếng khoan ở đây đều bị nhiễm phèn, nước có màu vàng đục, mùi tanh, nổi váng mặt nước. Muốn sử dụng nguồn nước này, các gia đình phải xây dựng thêm hệ thống lọc truyền thống bằng cát, đá... nhưng cũng chỉ dùng để giặt giũ. Nguồn nước không hợp vệ sinh dẫn đến hỏng hóc các thiết bị, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Nước dùng để nấu nướng, ăn uống, nhiều hộ phải xây bể chứa nước mưa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi nước sạch về làng

Nước sạch về làng – đó là mong mỏi của nhiều hộ dân xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa) từ những năm trước. Cũng bởi ở vùng đất giáp chân đê biển này, nguồn nước sinh hoạt hằng ngày của các hộ gia đình chủ yếu từ nước giếng khoan. Nhưng do đặc tính thổ nhưỡng, đa số các giếng khoan ở đây đều bị nhiễm phèn, nước có màu vàng đục, mùi tanh, nổi váng mặt nước. Muốn sử dụng nguồn nước này, các gia đình phải xây dựng thêm hệ thống lọc truyền thống bằng cát, đá... nhưng cũng chỉ dùng để giặt giũ. Nguồn nước không hợp vệ sinh dẫn đến hỏng hóc các thiết bị, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Nước dùng để nấu nướng, ăn uống, nhiều hộ phải xây bể chứa nước mưa.

Khi nước sạch về làng

Cán bộ, công nhân Nhà máy nước Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) kiểm tra hệ thống vận hành xử lý nước tại nhà máy.

Nhu cầu bức thiết về nước sạch của người dân đã được giải quyết khi đầu năm 2021, nhà máy nước sạch đặt tại xã Hoằng Đồng bắt đầu lắp đặt đường ống, cấp nước đến các gia đình thuộc các xã khu vực phía Đông Nam của huyện Hoằng Hóa. Với chi phí đăng ký lắp đặt ban đầu gần 3 triệu đồng cộng với chi phí đường ống riêng của từng gia đình, các hộ được sử dụng miễn phí 2 tháng đầu lắp đặt, nhiều hộ phấn khởi đăng ký đưa đường ống nước sạch về nhà. “Từ ngày sử dụng nước sạch, không còn nỗi ám ảnh nước giếng khoan ô nhiễm, gia đình tôi yên tâm hơn nhiều”, bà Nguyễn Thị Hà chia sẻ.

Hoằng Hóa là huyện ven biển có dân số đông, chia làm các vùng khác nhau. Nếu như nhà máy nước sạch Hoằng Đồng đáp ứng nhu cầu các xã phía Đông Nam của huyện thì Nhà máy nước sạch Hoằng Xuân phục vụ nhu cầu nước sạch của 10 xã khu vực phía Bắc (Hoằng Kim, Hoằng Xuân, Hoằng Trung, Hoằng Trinh, Hoằng Phượng, Hoằng Quỳ, Hoằng Phú, Hoằng Quý, Hoằng Hợp, Hoằng Giang). Dự án nhà máy nước sạch ở xã Hoằng Xuân có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng chính thức đi vào vận hành từ năm 2018 với công suất thiết kế 6.500m3/ngày đêm. Đến nay, sau hơn 3 năm hoạt động, nhà máy đã thu hút hơn 5.500 khách hàng gia đình sử dụng nước sạch.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc điều hành Nhà máy nước sạch Hoằng Xuân cho biết: Nhà máy nước sạch Hoằng Xuân áp dụng dây chuyền công nghệ hiện đại xử lý nước sạch. Nguồn nước thô được lấy từ nguồn nước sông Mã qua hệ thống trạm bơm nước thô (bơm cấp 1). Tại đây nước được phân phối vào hệ thống cụm xử lý. Sau khi nước đi vào hệ thống xử lý được châm hóa chất keo tụ và kiềm hóa (phèn, PAC) trực tiếp vào đường ống. Tại đây các hóa chất được trộn đều trong nước sau đó được đưa qua bể phản ứng. Tại bể phản ứng, các hạt cặn phân tán trong nước va chạm với nhau, phản ứng kết dính, trở thành bông cặn lớn hơn, sau đó được đưa qua bể lắng Lamen. Nước sau khi qua bể lắng Lamen có thể loại bỏ 90 – 99% lượng chất bẩn chứa trong nước và được chuyển qua bể lọc. Tại bể lọc các cặn bẩn khi chảy qua lớp vật liệu lọc, bị dính bám và hấp thụ lên bề mặt lớp vật liệu lọc và bị loại ra khỏi nước.

Nước sau khi qua bể lọc đã đạt các tiêu chuẩn hóa lý và được đưa về bể chứa. Sau khi nước vào bể lắng và bể lọc phần lớn vi trùng ở trong nước đã bị giữ lại khoảng 90% và bị tiêu diệt. Tuy nhiên đảm bảo hoàn toàn vệ sinh trước khi về bể chứa, nước phải được khử trùng bằng Zaven. Trạm bơm cấp 2 làm nhiệm vụ hút nước từ bể chứa thành phẩm cung cấp vào mạng tiêu thụ. Cặn tại các bể phản ứng, bể lắng, bể lọc định kỳ vệ sinh sẽ được đưa ra hồ lắng bùn.

Với việc áp dụng nghiêm ngặt quy trình vận hành, nhà máy luôn mong muốn cung cấp nguồn nước sạch đến với các hộ dân nông thôn. Đến nay, công suất sử dụng thực tế tại nhà máy đạt 2.000m2/ngày, đêm, phục vụ nhu cầu nước sạch cho hơn 5.500 hộ dân trong vùng. Nhóm khách hàng hộ gia đình mới đạt khoảng 1/3 trong tổng số hộ dân trong vùng, vì vậy, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của việc sử dụng nước sạch; đồng thời áp dụng các chương trình giảm chi phí lắp đặt ban đầu (từ 4 triệu đồng/hộ giảm xuống còn 3,6 triệu đồng/hộ) để thu hút các hộ gia đình, cá nhân đăng ký sử dụng nước sạch. Đơn vị đang đấu mối, xây dựng lắp đặt đường ống để hướng đến nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh dịch vụ thương mại tại các khu, cụm công nghiệp trong vùng.

Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của các địa phương để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch ở khu vực nông thôn, các nhà máy nước sạch tập trung trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ hộ dân nông thôn huyện Hoằng Hóa được sử dụng nước sạch là 86,5%, trong đó có 46,8% hộ dân sử dụng nước sạch từ các công trình, nhà máy nước sạch tập trung.

Trên địa bàn huyện Hoằng Hóa hiện có 5 công trình nước sạch tập trung, phân bố đều ở các vùng trong huyện, gồm: Nhà máy nước sạch xã Hoằng Xuân, Nhà máy nước sạch xã Hoằng Đồng, Chi nhánh cấp nước Hoằng Hóa thuộc Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa; công trình cấp nước sạch phục vụ 8 xã ven biển thuộc chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn do Ngân hàng Thế giới tài trợ; nhà máy nước sạch của Công ty CP Đại Dương Xanh phục vụ khu chung cư, các nhà máy trong khu liên hợp sản xuất và phúc lợi Delta. Trong số 5 công trình này, có 4 công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, riêng khu nhà máy nước sạch của Công ty CP Đại Dương Xanh đang trong quá trình xây dựng.

Sự phân bố đều các nhà máy nước sạch trên địa bàn đã đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân khu vực nông thôn. Tuy nhiên, trên thực tế ở một số địa phương khi mạng lưới nước sạch đã hình thành nhưng tỷ lệ người dân sử dụng chưa cao. Tháo gỡ vấn đề này, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác dụng của sử dụng nước sạch đối với sức khỏe con người; kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước sạch của các nhà máy cung cấp đến với người dân, tạo niềm tin trong Nhân dân, qua đó, từng bước nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch.

Bài và ảnh: Việt Hương


Bài và ảnh: Việt Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]