(Baothanhhoa.vn) - Thay vì được hưởng tuổi thơ vui vẻ, hồn nhiên trong vòng tay cha mẹ và bên những món đồ chơi yêu thích, thì những em bé thiếu may mắn tại Khoa Phục hồi chức năng - Đông y (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) lại phải ngày ngày làm bạn với những dụng cụ thăng bằng, những bài tập phục hồi đau đớn. Đó là câu chuyện xót xa về những bệnh nhi có cuộc sống gắn liền với bệnh viện, xem bệnh viện như ngôi nhà thứ 2.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hy vọng của những bệnh nhi kém may mắn

Thay vì được hưởng tuổi thơ vui vẻ, hồn nhiên trong vòng tay cha mẹ và bên những món đồ chơi yêu thích, thì những em bé thiếu may mắn tại Khoa Phục hồi chức năng - Đông y (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) lại phải ngày ngày làm bạn với những dụng cụ thăng bằng, những bài tập phục hồi đau đớn. Đó là câu chuyện xót xa về những bệnh nhi có cuộc sống gắn liền với bệnh viện, xem bệnh viện như ngôi nhà thứ 2.

Hy vọng của những bệnh nhi kém may mắn

Bệnh nhi luyện tập tại Khoa Phục hồi chức năng - Đông y (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa).

Đứng trước cửa Khoa Phục hồi chức năng - Đông y (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa), những tiếng khóc ngằn ngặt, những tiếng thét xé lòng của những bệnh nhi bại não đang luyện tập phục hồi chức năng, khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Bé gái Nguyễn Ngọc Anh (xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa) là 1 trong những bệnh nhân nhi nhỏ tuổi nhất tại phòng luyện tập phục hồi chức năng. Thân hình nhỏ bé cùng cái cổ yếu ớt và ngón tay, ngón chân co quắp của bé, đang cố gắng gồng để thoát khỏi sự đau đớn về thể xác từ những bài tập vận động. Nhìn con gái mới tròn 1 tuổi la khóc đến nấc nghẹn, người mẹ trẻ nghẹn ngào, luống cuống theo những bài tập của con trong xót xa và hy vọng. Chị Nguyễn Thị Hiền - mẹ của bé Ngọc Anh, cho biết: “Tôi đã có con trai đầu nên khi biết tin mang bầu bé gái, gia đình tôi ai cũng rất vui mừng. Tưởng chừng hạnh phúc sẽ đến với gia đình, nhưng 10 ngày sau khi chào đời, bé Ngọc Anh bắt đầu bỏ bú, khó ngủ, hay giật mình, thường xuyên la khóc. Đến khi bé hơn 6 tháng mà vẫn không biết lẫy gia đình mới đưa bé đi khám và được bác sĩ chẩn đoán bị bại não”. Người mẹ trẻ nghĩ lại ngày đau buồn ấy nói trong nghẹn ngào.

Bé gái Nguyễn Ngọc Anh được chẩn đoán bị bại não khi mới 7 tháng tuổi và phải thực hiện luyện tập phục hồi chức năng hàng ngày tại bệnh viện. Dù gia đình cũng không khá giả gì nhưng chị Hiền vẫn phải nghỉ làm đưa con đi điều trị để lại gánh nặng kinh tế trên đôi vai của người chồng. Từ tháng 11-2019 đến nay và sẽ rất nhiều tháng sau đó, hai mẹ con bé Ngọc Anh ngày ngày vượt chặng đường hơn 30km đến bệnh viện, với hy vọng Ngọc Anh sẽ cứng cáp và phát triển tốt hơn. Nghĩ lại ngày đầu tiên nhìn con tập luyện, chị Hiền chia sẻ: Một tay giữ con, một tay lau nước mắt vì nhìn con la hét trong đau đớn mà không thể dừng lại, vì tôi biết, luyện tập là điều tốt nhất cho con. Dù 1 năm hay 10 năm thì gia đình tôi vẫn mãi đồng hành cùng cháu. Với chị và bé Ngọc Anh, bệnh viện là nơi ở, nơi rèn luyện, nơi giúp cháu có thể hòa nhập cuộc sống.

Cũng là bệnh nhi được chẩn đoán bại não đang điều trị tại Khoa Phục hồi chức năng - Đông y (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) hơn 2 năm nay, bé trai Lê Công Nghĩa (sinh năm 2017, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương) đã không còn la khóc như những bạn mới tập. Bé đã mạnh mẽ, kiên cường trước những bài tập, những đau đớn bệnh tật. Bé được phát hiện bất thường sớm và được gia đình đưa vào viện khám khi mới 1 tháng tuổi. Được bác sĩ chuẩn đoán bị bại não, nhưng do sức khỏe quá yếu, bé không hợp tác với các bài tập. Đến khi 13 tháng tuổi bé mới đủ sức khỏe để thực hiện luyện tập. Để thuận tiện cho việc điều trị, gia đình đã thuê trọ ngay trước cổng bệnh viện. Cuộc sống ở bệnh viện đã trở nên quen thuộc, gắn bó và trở thành một phần không thể thiếu của bé. Chị Trần Thị Loan - mẹ bé Lê Công Nghĩa chia sẻ: Nếu nghỉ tập một thời gian hoặc đi tập không đều thì những gì luyện tập trước đó xem như không. Có lần bé ốm nghỉ 1 tuần, đến khi tập lại bé rất đau đớn và khó khăn với những bài tập, nên gia đình tôi đã thuê trọ ngay trước cổng viện để bé hạn chế đi lại, có đủ sức khỏe luyện tập thường xuyên.

Bé Nghĩa đến nay đã hơn 36 tháng tuổi. Sau hơn 2 năm điều trị, luyện tập phục hồi chức năng tại viện, cậu bé đã biết ngồi, biết đứng và biết hóng chuyện. Đó là thành quả của sự nỗ lực chiến đấu với bệnh tật của bé và gia đình, cũng như sự kiên trì của những bác sĩ, kỹ thuật viên điều trị cho em. Kỹ thuật viên Vương Thị Huyền, Khoa Phục hồi chức năng – Đông y (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) – người luyện tập cùng Nghĩa cho biết: Nghĩa vào viện điều trị lúc 13 tháng tuổi nhưng sức khỏe, các mức vận động của bé mới chỉ bằng đứa trẻ sơ sinh. Bé không biết ngồi, ngóc đầu dậy, lật, ăn kém, khó ngủ. Sau hơn 2 năm luyện tập với các bài tập điều hòa cơ, tập vận động, tập thăng bằng, tập đi, các chỉ số vận động của bé đã phát triển tốt hơn.

Được biết, tại Khoa Phục hồi chức năng - Đông y (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) đang điều trị cho hơn 60 bệnh nhân bại não. Bác sĩ Lương Văn Hưng, Khoa Phục hồi chức năng - Đông y cho biết: Bệnh nhân bại não để lại di chứng mãi mãi. Những tổn thương não không có khả năng phục hồi để lại di chứng về tâm thần và vận động. Các bé bị bại não thường chậm đứng, chậm nói, hay la khóc, chân tay co quắp, sức đề kháng kém, hay ốm đau, bé phải phụ thuộc vào người thân. Các bé phát hiện bất thường sớm và được điều trị sớm sẽ giúp hạn chế di chứng, tổn thương, tránh teo cơ và có thể vận động được. Những bệnh nhân bại não phải luyện tập hằng ngày tại bệnh viện và thời gian luyện tập kéo dài nhiều năm, nhiều bé đã gắn bó với Khoa Phục hồi chức năng - Đông y hơn 5 năm.

Những đứa trẻ bị bại não - số phận đã an bài cho chúng cả đời thiệt thòi. Do đó, những bác sĩ, kỹ thuật viên tại khoa xác định luôn nhẹ nhàng, kiên nhẫn và thấu hiểu, để trở thành những người bạn, người mẹ thứ hai hiểu tâm tư, tình cảm, tính cách và sự phát triển của các em. Bởi, những bé ấy phải chiến đấu hàng ngày với cơn đau, thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà. Các em cũng như gia đình cần có tinh thần, ý chí và kinh tế để chiến đấu với bệnh tật. Bởi thời gian dài điều trị khiến gia đình không tránh khỏi mệt mỏi tinh thần và hao hụt kinh tế. Cùng với đó, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ cho các em và gia đình những món quà nhỏ. Đồng thời, tổ chức những sân chơi, đêm hội nhân các dịp lễ, tết để những bệnh nhi gắn bó với bệnh viện thấy gần gũi, thân thiết, yên tâm điều trị bệnh.

Bài và ảnh: Thùy Linh


Bài Và Ảnh: Thùy Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]