(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Hậu Lộc đã có những chuyển biến tích cực, nhờ triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả gắn với phát triển bền vững.   

Hậu Lộc tăng cường quản lý môi trường gắn với phát triển bền vững

Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Hậu Lộc đã có những chuyển biến tích cực, nhờ triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả gắn với phát triển bền vững.

Hậu Lộc tăng cường quản lý môi trường gắn với phát triển bền vữngHoạt động chợ tạm trên hành lang đê đoạn qua xã Minh Lộc (Hậu Lộc) đã được giải tỏa, bảo đảm mỹ quan, môi trường và an toàn giao thông.

Hiện nay, lượng chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện ước tính khoảng 90 tấn/ngày. Dự báo lượng chất thải ngày càng tăng trong những năm tới, chi phí vận chuyển rác thải mang đi xử lý rất tốn kém và không có tính bền vững. Mặt khác, vẫn còn tồn tại các bãi chôn lấp, tập kết rác không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh khu dân cư. Tình trạng vứt rác thải bừa bãi gây mất mỹ quan đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương, như tại khu vực thôn Cầu Tài và khu vực núi Eo Miễu (xã Cầu Lộc); khu vực kênh 2/9 đoạn từ khu Minh Hòa đi Thành Tuy (thị trấn Hậu Lộc); đặc biệt là rác vẫn còn tồn đọng nhiều tại khu vực dọc tuyến đê các xã ven biển...

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, huyện Hậu Lộc đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về bảo vệ môi trường; khuyến khích, kêu gọi phong trào xã hội hóa trong thu gom, xử lý rác thải; hướng dẫn và hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư dự án chăn nuôi an toàn sinh học như: sử dụng đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học, công nghệ khí sinh học biogas, công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi tiên tiến đạt tiêu chuẩn xả thải...

Về Minh Lộc, chúng tôi nhận thấy công tác bảo vệ môi trường của xã đã có những chuyển biến đáng mừng. Ông Vũ Huy Bổ, Chủ tịch UBND xã Minh Lộc, cho biết: Xã có 47 trang trại gia cầm quy mô lớn và 2 cụm chăn nuôi lợn công nghiệp quy mô 500 - 1.000 con. Để bảo vệ môi trường, các trang trại trên địa bàn xã đã được đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý xả thải. Riêng cụm chăn nuôi lợn gồm 7 trang trại giáp cầu De, xã đã yêu cầu chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi khác để giảm thiểu phát thải ra môi trường. Đối với tình trạng xâm lấn hành lang đê để họp chợ, gây ách tắc giao thông, mất mỹ quan, ảnh hưởng tới môi trường và gây mất an toàn hành lang đê, cuối tháng 6-2021, xã đã quyết liệt ra quân tháo dỡ toàn bộ các lều lán họp chợ tạm bợ trên đê. Trong khu dân cư, xã hợp đồng với Công ty Hải Châu vận chuyển rác ra tỉnh ngoài để xử lý. Đồng thời phát động các thôn vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào mỗi chủ nhật hàng tuần. Nhờ vậy, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn xã đã đạt được kết quả tích cực, được Nhân dân chung sức, đồng lòng và trở thành ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân.

Huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức triển khai phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại nguồn và khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn quản lý, tận dụng lượng rác thải hữu cơ để làm phân bón vi sinh. Hạn chế sử dụng vỏ chai nhựa, núi ni lông, khuyến khích dùng làn nhựa đi chợ thay thế sử dụng túi ni lông. Vận động người dân vứt rác thải đúng nơi quy định. Xây dựng biển báo cấm vứt rác thải bừa bãi và có chế tài xử phạt, đưa tin trên hệ thống truyền thanh của thôn, xã đối với các hành vi vi phạm. Tăng cường tuần tra, xử lý các đối tượng có hành vi vứt rác thải bừa bãi.

Thực hiện Công văn số 162/UBND-TNMT ngày 5-1-2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 1-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn, huyện Hậu Lộc đã yêu cầu các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể để tổ chức thực hiện. Tuyên truyền, vận động người dân sống gần vị trí quy hoạch các dự án, cơ sở xử lý rác thải đồng thuận trong việc xây dựng, vận hành cơ sở xử lý chất thải. Không đốt phụ phẩm nông nghiệp, đặc biệt là rơm rạ sau thu hoạch gần khu vực dân cư, nơi tập trung đông người và các tuyến giao thông chính. Không vứt bỏ bao bì đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón sau khi sử dụng ra môi trường. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện các phương án, cơ chế, chính sách về thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Xây dựng lộ trình đóng cửa các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh trên địa bàn. Xử lý triệt để các bãi chôn lấp rác thải tự phát không theo quy định và ngăn chặn việc hình thành các bãi chôn lấp tự phát mới. Giao phòng tài nguyên và môi trường hướng dẫn các xã Đại Lộc, Phú Lộc, Hòa Lộc xây dựng phương án, lộ trình dừng hoạt động từ năm 2025 đối với các lò xử lý rác thải trên địa bàn, theo Quyết định số 1592/QĐ-UBND ngày 8-5-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án xử lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, việc thực hiện quyết định trên đến nay vẫn còn một số vướng mắc.

Trước đây, để thực hiện xử lý môi trường trong xây dựng nông thôn mới, huyện Hậu Lộc đã xây dựng Phương án 08/PA-UBND ngày 30-6-2016 quy hoạch cụm lò đốt rác tại 10 đơn vị. Trong quá trình triển khai đã thực hiện xây dựng được 3 cụm lò đốt rác hoạt động với công suất 18 tấn/ngày/đêm tại các xã Đại Lộc, Hòa Lộc và Phú Lộc. Nhưng đến năm 2020, UBND tỉnh quyết định không thực hiện việc xây dựng các lò đốt rác nhỏ lẻ, thay vào đó là quy hoạch tại huyện Hậu Lộc (xã Minh Lộc) một lò đốt rác tập trung với công suất 150 tấn/ngày/đêm. Sau 2 năm quy hoạch lò đốt rác được UBND tỉnh phê duyệt, UBND huyện Hậu Lộc đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng khu đất và đã có nhà đầu tư cam kết thực hiện dự án. Tuy nhiên, sau khi nhà đầu tư là Công ty CP Phát triển môi trường Thanh Xuân lập dự án trình UBND tỉnh chấp thuận đầu tư thì các ngành chức năng trả lời: Nghị định 25/2020/NĐ-CP ngày 28-2-2020 của Chính phủ và Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT ngày 18-9-2020 hướng dẫn thực hiện Nghị định 25/2020/NĐ-CP ngày 28-2-2020 không hướng dẫn các quy trình, trình tự đấu thầu dự án lựa chọn nhà đầu tư về các dự án xã hội hóa có hưởng hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, trong đó có loại dự án xây dựng lò đốt rác. Do đó, dự án xây dựng lò đốt rác thải tập trung trên địa bàn huyện chưa thể triển khai.

Ông Vũ Huy Cần, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hậu Lộc, cho biết: Hiện tại, khối lượng rác thải trên địa bàn huyện lớn, việc xử lý rác thải vô cùng khó khăn, với lý do đơn giá của UBND tỉnh quá thấp (quy định trên địa bàn huyện Hậu Lộc 6.000 đồng/người/tháng) so với chi phí thực tế, nên việc thu gom và vận chuyển rất khó khăn, đặc biệt là đối với 5 xã ven biển. Vì vậy, để xử lý vấn đề môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, huyện đề nghị với UBND tỉnh nghiên cứu điều chỉnh tăng mức thu phí xử lý môi trường tại Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND ngày 9-7-2019 theo hướng phân vùng các huyện ven biển, đồng bằng, trung du và miền núi. Ví dụ, trên địa bàn huyện Hậu Lộc, UBND tỉnh quy định mức thu 6.000 đồng/người/tháng, nhưng thực tế để xử lý được cần mức thu 11.000 – 12.000 đồng/người/tháng. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng có hướng dẫn cụ thể về quy trình, trình tự thủ tục chấp thuận đầu tư các dự án xã hội hóa có hưởng hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để dự án xử lý rác thải tại xã Minh Lộc sớm được triển khai thực hiện.

Ông Vũ Huy Cần cũng cho biết thêm, trước mắt khi chưa thực hiện dự án trên, huyện sẽ khảo sát, đánh giá lại công suất hoạt động của 3 lò đốt rác tại các xã Đại Lộc, Hòa Lộc và Phú Lộc. Sau đó lập phương án cụ thể như: lò đốt rác tại xã Đại Lộc sẽ đốt rác cho xã Đại Lộc, xã Đồng Lộc và một phần xã Cầu Lộc; lò đốt rác tại xã Hòa Lộc sẽ đốt rác cho xã Hòa Lộc, cụm công nghiệp Hòa Lộc và xã Xuân Lộc; lò đốt rác tại xã Phú Lộc sẽ đốt rác cho xã Phú Lộc, xã Hoa Lộc và một phần xã Liên Lộc. Đối với các địa phương chưa có hệ thống xử lý rác thải, huyện sẽ quy hoạch điểm trung chuyển tập trung và yêu cầu các xã, thị trấn hoàn thiện phương án thu phí theo hướng dẫn của UBND huyện. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đóng góp tự nguyện để xử lý rác ở những nơi đặc biệt khó khăn.

Bài và ảnh: Ngọc Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]