(Baothanhhoa.vn) - Dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát khiến nhiều lao động là người Thanh Hóa đang làm việc tại các tỉnh, thành “ồ ạt” trở về quê. Trong số hàng trăm nghìn lao động hồi hương có không ít người chọn ở lại quê nhà lập nghiệp. Để giải bài toán việc làm cho người lao động, tỉnh đã ban hành phương án đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế cho lao động hồi hương.

Giải “bài toán” việc làm cho lao động hồi hương

Dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát khiến nhiều lao động là người Thanh Hóa đang làm việc tại các tỉnh, thành “ồ ạt” trở về quê. Trong số hàng trăm nghìn lao động hồi hương có không ít người chọn ở lại quê nhà lập nghiệp. Để giải bài toán việc làm cho người lao động, tỉnh đã ban hành phương án đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế cho lao động hồi hương.

Giải “bài toán” việc làm cho lao động hồi hươngCông ty may Hoàng Tùng (huyện Nông Cống) sẵn sàng tiếp nhận lao động hồi hương. Ảnh: Mai Phương

Thực trạng từ những con số

Với số lượng lao động làm việc ở tỉnh ngoài trên 330.000 người, độ tuổi chủ yếu từ 15 - 35 chiếm 65%, lao động nữ chiếm trên 50%. Phần lớn họ làm nghề tự do hoặc làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế tại các tỉnh, thành phố lớn, như: Hà Nội 77.500 người, Bình Dương 48.000 người, TP Hồ Chí Minh 43.200 người, Bắc Ninh 25.000 người, Đồng Nai 12.500 người... Theo số liệu báo cáo, cập nhật của các huyện, thị xã, thành phố, số người Thanh Hóa trở về từ vùng dịch từ ngày 27-4-2021 đến nay là trên 200.000 người. Trong đó, lao động có nhu cầu giải quyết việc làm, đào tạo nghề là 42.566 người (1.101 người có nhu cầu đào tạo nghề, chủ yếu là nghề lái xe ô tô, may công nghiệp, xây dựng, điện dân dụng, điện lạnh, cơ khí, hàn, điện tử, điện nước...; 2.119 người có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm, với tổng số vốn đề nghị vay là trên 169 tỷ đồng). Nhiều địa phương có số lao động trở về từ vùng dịch lớn, như: huyện Triệu Sơn gần 9.200 người trong đó có 378 người có nhu cầu học nghề, 2.125 người có nhu cầu việc làm và 221 người có nhu cầu vay vốn tự tạo việc làm; huyện Thiệu Hóa có 7.365 người, trong đó có 4.582 người có nhu cầu việc làm và 221 người có nhu cầu vay vốn tự tạo việc làm; huyện Quảng Xương có 14.133 lao động, trong đó có 19 người có nhu cầu học nghề, 374 người có nhu cầu việc làm và 77 người có nhu cầu vay vốn tự tạo việc làm; thị xã Nghi Sơn có 10.310 lao động, trong đó có 24 người có nhu cầu học nghề, 251 người có nhu cầu việc làm, 96 người có nhu cầu vay vốn...

Nhằm hỗ trợ cho đối tượng lao động nay, UBND tỉnh đã ban hành Phương án số 198/PA-UBND về đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly. Điều đáng nói, Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành được phương án trên, cho nên đã tạo được sự đồng tình, phấn khởi của Nhân dân, cộng đồng các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Để người lao động “an cư lạc nghiệp” tại quê hương

Ngay sau khi Phương án số 198 được ban hành, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã nhanh chóng triển khai, chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, khảo sát nắm bắt nhu cầu và tập trung giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người lao động. Song song với thực hiện Phương án số 198, các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh có liên quan tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường lao động. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động; tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động bảo đảm phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và bảo đảm đời sống cho người lao động.

Phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với người lao động, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đã tổ chức 34 phiên giao dịch việc làm, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tiến hành phỏng vấn, tuyển dụng lao động. Tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động và các chế độ, chính sách liên quan đến lao động - việc làm cho gần 125.000 lượt người; hỗ trợ giới thiệu 30 doanh nghiệp xuất khẩu lao động về các huyện, thị xã, thành phố để tuyển chọn lao động đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng tạo mọi điều kiện để người lao động trở về từ vùng dịch có cơ hội tìm được việc làm phù hợp với trình độ tay nghề, sức khỏe, độ tuổi, giới tính. Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điệu kiện hỗ trợ người lao động trở về từ vùng dịch vay vốn ưu đãi với mức 100 triệu đồng/người để tự tạo việc làm.

Với những giải pháp thiết thực, cách làm linh hoạt của các địa phương và các ngành chức năng trong tỉnh, đến nay đã có 23.000 lao động được tạo việc làm; số lao động đi làm việc tại các tỉnh phía Bắc là 4.700 người; số lao động được vay vốn giải quyết việc làm là 73 người, với tổng số tiền đã giải ngân là 5,515 tỷ đồng. Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Do tập trung thực hiện các giải pháp ổn định, phát triển thị trường lao động, cùng với việc triển khai có hiệu quả Phương án số 198/PA-UBND ngày 2-9-2021 của UBND tỉnh về đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong cách ly, nên đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 56.230 lao động, đạt 95,3% mục tiêu kế hoạch năm và bằng 111,3% so với cùng kỳ năm 2020. Ước năm 2021, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho trên 67.000 lao động, vượt 13,6% mục tiêu kế hoạch đề ra.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp căn cơ

Theo khảo sát, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay là khoảng trên 35.000 người. Do yêu cầu về trình độ chuyên môn kỹ thuật không cao, chủ yếu là lao động phổ thông nên khả năng đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp là khoảng 90% - 95%. Tới đây, dự kiến tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức khoảng 40 lớp đào tạo nghề cho những lao động có nhu cầu.

Với những thuận lợi cùng khó khăn và thách thức đan xen, các sở, ngành, địa phương, đơn vị chức năng cần tiếp tục tăng cường kết nối cung - cầu lao động; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động để khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ và Phương án số 198 của UBND tỉnh. Phối hợp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động hồi hương tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi giúp tăng cường khả năng và cơ hội tiếp cận với việc làm. Tập trung phát triển mạng thông tin việc làm, dự báo thị trường lao động theo vùng miền, theo từng lĩnh vực, ngành nghề để nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động. Tăng tần suất và đa dạng hóa hình thức tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, lưu động và trực tuyến bảo đảm phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch bệnh COVID-19. Phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có đơn hàng việc làm ổn định, thu nhập tốt về các địa phương trong tỉnh tuyển chọn lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài...

Tin rằng, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường thì phương án đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cùng các giải pháp căn cơ, lâu dài sẽ giúp người lao động có nguyện vọng làm việc tại địa phương sẽ yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống ngay tại quê hương.

Phạm Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống: Bảo đảm sinh kế và ổn định cuộc sống cho người lao động

Thời gian qua, công dân huyện Nông Cống làm ăn ở các tỉnh, thành trên cả nước trở về địa phương khá lớn. Theo thống kê, toàn huyện có trên 13.000 người trong độ tuổi lao động trở về, chủ yếu là làm nghề tự do, làm việc trong nhà máy, khu công nghiệp với các lĩnh vực như may mặc, giày da, xây dựng... Với mục tiêu sớm ổn định cuộc sống cho người lao động, huyện Nông Cống đã tập trung hỗ trợ, giải quyết việc làm cho số lao động trên.

Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, nắm bắt nhu cầu học nghề, việc làm, vay vốn của người lao động. Những lao động có nhu cầu đi làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện sẽ được ưu tiên tuyển dụng, hỗ trợ test nhanh, tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Đồng thời, qua rà soát cho thấy, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện có nhu cầu tuyển dụng khoảng 5.000 lao động vào làm việc.

Tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trên địa bàn đã tuyển được khoảng 2.500 lao động; giải quyết cho 18 lao động vay vốn hỗ trợ việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với số tiền 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích, tạo điều kiện để công dân làm việc tại các làng nghề trên địa bàn để sớm giúp họ ổn định sinh kế.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, làng nghề, nghề phụ, hỗ trợ vốn ưu đãi, kỹ thuật, cây, con giống giúp người lao động tiếp cận, phát triển sản xuất, tạo việc làm tại chỗ, sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giúp người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng, nguyện vọng; tư vấn tìm việc làm trong nước và ngoài nước...

Ngô Thế Anh, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa: Ưu tiên tạo việc làm cho lao động hồi hương

Qua các đợt dịch, tỉnh Thanh Hóa có khoảng gần 200.000 người trở về từ các tỉnh phía Nam, nguyện vọng và nhu cầu tìm việc làm của người lao động tại quê nhà là rất lớn. Trước thực trạng này, Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp nắm bắt thông tin nhu cầu việc làm, từ đó xây dựng kế hoạch tuyển dụng lao động hồi hương phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Chúng tôi đánh giá cao lực lượng lao động hồi hương bởi đa số lao động đều có thâm niên công tác, có tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp cũng đã được rèn luyện... Do đó, nếu được tuyển dụng, những lao động hồi hương sẽ sớm thích nghi với công việc, phát huy năng lực và đóng góp tích cực cho năng suất lao động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để làm tốt việc tuyển dụng lao động hồi hương, theo tôi các cơ quan chức năng cần phối hợp, nắm bắt, khảo sát nhu cầu tuyển dụng, cũng như cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu về nguồn cung - cầu lao động. Đẩy mạnh công tác tư vấn việc làm cho người lao động hồi hương tại các huyện, thị xã, thành phố, nhằm tạo thuận lợi cho cả đơn vị tuyển dụng lao động và người lao động đang có nhu cầu việc làm. Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp cần phải công khai thủ tục tuyển dụng, chế độ ưu đãi đối với lao động hồi hương. Thực hiện tốt cơ chế 3 bên: Doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước và người lao động. Nếu làm được như vậy, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động nói chung, lao động hồi hương nói riêng, sẽ mang lại những kết quả tích cực.

Lê Văn Trường, Trưởng Phòng Dự báo - Thông tin thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa: Nỗ lực kết nối cung - cầu lao động

Nhằm tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho người lao động Thanh Hóa hồi hương, thời gian qua công tác thu thập để kết nối cung - cầu lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã được triển khai đồng bộ, với nhiều hình thức như: Tổ chức các sàn giao dịch việc làm cố định và lưu động; hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm trực tiếp tại các địa phương, kết hợp với việc bố trí cán bộ tư vấn trực tiếp và qua điện thoại khi người lao động đề nghị. Đặc biệt, để bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối người lao động có nhu cầu tìm việc với nhiều doanh nghiệp đang tuyển dụng trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố. Đây là phương thức phù hợp, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh việc kết nối trực tiếp, trung tâm đã tiến hành cung cấp thông tin thị trường lao động trên nhiều nền tảng mạng xã hội; tăng cường thu thập thông tin về vị trí việc làm cần tuyển, thông tin nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để cung cấp trên các trang thông tin điện tử. Từ đầu quý II năm 2021 đến nay, số lượng việc làm cần tuyển trong và ngoài tỉnh được thu thập là gần 50.000 vị trí việc làm, tất cả đều được cung cấp rộng rãi đến cộng đồng, người lao động.

Trong thời gian tới, cùng với các cấp, các ngành, các địa phương, trung tâm sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong việc thu thập và cung cấp thông tin cung - cầu lao động, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động hiệu quả nhất.

Bùi Thị Thủy, (thôn Khằm, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân): Cần sự hỗ trợ của địa phương và doanh nghiệp

Tôi là lao động có 2 năm làm việc tại Công ty TNHH Điện tử FOSTER ở Khu Công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh. Do dịch COVID-19, nhân dịp nghỉ lễ 30-4, tôi xin nghỉ làm luôn và trở về quê tránh dịch.

Từ tháng 5 đến tháng 10 không có việc làm, chồng đi làm ăn trong Nam cũng ít việc, thu nhập giảm sút, bản thân nuôi con nhỏ nên tôi phải chi tiêu rất tằn tiện. Do vậy tôi mong muốn có được công việc, thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống.

Thời gian chờ việc, ở xã có nhà nào thu hoạch keo cần thuê người là tôi nhận làm, mỗi ngày cũng được từ 170.000 đồng đến 200.000 đồng, nhưng thi thoảng mới có người thuê. Vì vậy, tôi rất mong cấp ủy, chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ để những lao động hồi hương như tôi sớm có được công việc để bảo đảm cuộc sống, nhất là khi chỉ còn vài tháng nữa là đến tết dương lịch, âm lịch nhu cầu chi tiêu lớn. Tôi thiết tha mong muốn các doanh nghiệp sắp xếp vị trí việc làm, mức lương phù hợp và các chế độ phúc lợi để giúp những người lao động như tôi ổn định cuộc sống, không phải tha phương mưu sinh.

Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]