(Baothanhhoa.vn) - Nửa cuối tháng Chạp, người dân các huyện miền núi xứ Thanh lại bắt đầu “chiến dịch” đi cắt lá dong rừng. Họ băng rừng, lội suối giữa đại ngàn xanh biếc để tìm lá dong rừng về phục vụ người dân gói bánh chưng ngày Tết.

Băng rừng, lội suối “săn” lá dong miền biên viễn

Nửa cuối tháng Chạp, người dân các huyện miền núi xứ Thanh lại bắt đầu “chiến dịch” đi cắt lá dong rừng. Họ băng rừng, lội suối giữa đại ngàn xanh biếc để tìm lá dong rừng về phục vụ người dân gói bánh chưng ngày Tết.

Băng rừng, lội suối “săn” lá dong miền biên viễn

Để có được những bó lá dong rừng như thế này, những người đi rừng như cụ Tương phải băng rừng, lội suối suốt nhiều giờ.

Sớm tinh mơ, cụ bà Vi Thị Tương (66 tuổi, bản Ngàm, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn) đeo chiếc gùi mây cùng con dao cấu lội dòng sông Luồng để vào rừng tìm lá dong về bán. Năm nào cũng vậy, vào dịp cuối tháng Chạp, bà lại cùng những người dân nơi đây bắt đầu chiến dịch săn lá dong.

Trước kia, công việc này đối với người dân nơi đây là một món nghề được xem như “lộc rừng” vào những ngày cận Tết, ai ai cũng nô nức vào rừng tìm lá dong. Những năm trở lại đây, cuộc sống dần phát triển, thanh niên trai tráng rủ nhau đi làm kinh tế khiến món nghề này chỉ còn sót lại ở những cụ già tuổi ngoài lục tuần như cụ Tương.

Băng rừng, lội suối “săn” lá dong miền biên viễn

Con đường đi kiếm lá dong gian nan, vất vả.

Để có được những lá dong rừng xanh biếc, đẹp, ưng ý thì những người đi rừng nơi đây phải đi tìm khắp nơi rừng sâu heo hút. Từ đầu giờ sáng, họ đem theo cơm cùng nước uống để vào rừng rồi khi ánh chiều tà buông xuống họ bắt đầu trở ra với chiếc gùi mây đầy ắp những lá dong xanh mơn mởn.

“Lá dong rừng không tập trung tại chỗ, phải đi bộ suốt nhiều giờ trong rừng mới có. May mắn hôm nào đi đúng điểm thì chỉ cần nửa ngày là đầy chiếc gùi mây, không cả ngày cũng chỉ được vài trăm lá”. Cụ Tương chia sẻ.

Băng rừng, lội suối “săn” lá dong miền biên viễn

Trời tối mịt, họ trở ra với lá dong chất đầy gùi mây.

Tuy nhiên, đây chỉ là món nghề thời vụ chừng 5 – 10 ngày cuối năm vì để quá lâu lá dong sẽ hỏng. Theo kinh nghiệm của những người đi rừng nơi đây, hái lá dong thường căn theo thời tiết của từng năm, nếu thời tiết lạnh kéo dài đến Tết thì việc hái lá dong sẽ được triển khai sớm từ mùng 7 – 10 của tháng Chạp, ngược lại nếu thời tiết nắng nóng thì ngoài rằm họ mới bắt đầu đi rừng hái lá dong.

Theo cụ Tương, nghề hái lá dong rừng tương đối vất vả, lá dong sau khi cắt tại rừng sẽ được bó lại từng bó nhỏ khoảng 25 lá. Mỗi ngày trung bình một người đi rừng sẽ hái được khoảng 700 – 800 lá dong. Lá dong lấy ra đến đâu sẽ được các lái buôn thu gom mua tại địa phương với giá khoảng 250 đồng 1 lá, trung bình mỗi ngày kiếm thu nhập từ 200 – 300 nghìn đồng.

Băng rừng, lội suối “săn” lá dong miền biên viễn

Lá dong được thu mua tại chỗ, các chủ thu gom rồi nhập đi bán khắp nơi.

Là người đã có thâm niên 20 năm thu mua lá dong rừng ở xã Sơn Điện, chị Lâm Thị Hiệp, chia sẻ: “Năm nay lá dong được giá hơn mọi năm. Thế nhưng vì hái lá dong rất vất vả nên còn rất ít người đi rừng tìm lá dong về bán, chủ yếu bây giờ những người đi hái lá dong toàn là các cụ già tuổi cao, sống với đất rừng lâu năm nên đến mùa lại vào rừng như một thú vui, lại kiếm thêm thu nhập nên các cụ thường rủ nhau đi cắt lá. Gia đình tôi sau khi thu mua lá dong rừng về chủ yếu xuất đi thị trường Hà Nội, năm nay tính đến giờ đã xuất đi khoảng 10 vạn lá dong, thị trường chủ yếu là các tiệm bánh chưng cổ truyền ở thủ đô”.

Băng rừng, lội suối “săn” lá dong miền biên viễn

Theo khảo sát, nghề hái lá dong rừng này chủ yếu ở các huyện vùng cao như Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh. Đây là những nơi có diện tích rừng rộng lớn, lá dong xuất hiện nhiều.

Tuy không đem lại nguồn kinh tế cao nhưng sau vài ngày đi rừng cũng giúp những người đi rừng như cụ Tương kiếm thêm vài triệu để chuẩn bị cho một cái Tết ấm no, đầy đủ. 5h chiều, dưới chân núi cạnh dòng sông Luồng đang chảy siết, hai dáng người gầy guộc đang lững thững bước ra từ cánh rừng dậm, cụ Tương và người bạn trở ra với hai chiếc gùi đầy ắp lá dong. Hôm nay, ngày cuối cùng cụ Tương kết thúc việc cắt lá dong bằng “mẻ” lớn, gần 1000 lá, cụ cười tươi nhai trầu bỏm bẻm quên đi nỗi vất vả của một ngày đi rừng.

Tuấn Kiệt


Tuấn Kiệt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]