(Baothanhhoa.vn) - Khoa học và công nghệ (KH&CN) phát triển, đã và đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ, nhất là góp phần thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Song, so với tiềm năng và vị thế, thì “hàm lượng khoa học” vẫn còn... khiêm tốn!

“Đổi mới nhận thức và hành động để khoa học và công nghệ thực sự là khâu đột phá” (Bài 2): “Hàm lượng khoa học” vẫn còn... khiêm tốn!

Khoa học và công nghệ (KH&CN) phát triển, đã và đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ, nhất là góp phần thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Song, so với tiềm năng và vị thế, thì “hàm lượng khoa học” vẫn còn... khiêm tốn!

“Đổi mới nhận thức và hành động để khoa học và công nghệ thực sự là khâu đột phá” (Bài 2): “Hàm lượng khoa học” vẫn còn... khiêm tốn!Phòng thí nghiệm nuôi cấy mô tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp CNC Lam Sơn. Ảnh: Trường Giang

“Quả ngọt” từ ứng dụng KH&CN

Là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào phát triển sản xuất, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp CNC Lam Sơn (Công ty CP Mía đường Lam Sơn) được đầu tư và đi vào hoạt động từ năm 2013 với tổng kinh phí đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Hàng năm, trung tâm đã sản xuất từ 3 - 5 triệu cây giống mía; tiến hành đánh giá, tuyển chọn, thu thập được 28 giống mía; trong đó, tuyển chọn được 10 giống ưu việt, có hàm lượng đường cao, năng suất từ 100 - 150 tấn/ha và có thể đạt tới 250 tấn/ha. Cùng với tạo giống mía, công ty đã quy hoạch vùng sản xuất mía CNC, áp dụng mô hình quy mô công nghiệp cánh đồng mẫu lớn 500 ha tại Công ty TNHH Lam Sơn - Sao Vàng và các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Ngọc Lặc, Triệu Sơn, Thường Xuân, Như Xuân. Đặc biệt, áp dụng có hiệu quả hệ thống GIS trong sản xuất (toàn bộ thông tin được tích hợp trên màn hình máy tính, người quản lý sản xuất tại trung tâm điều phối toàn bộ thông tin thực tế và đưa ra dự báo...), giúp trung tâm giải quyết được các khó khăn trong quá trình sản xuất; cũng như dự báo sản lượng năm sau để lên kế hoạch phù hợp và quan trọng nhất là giảm chi phí sản xuất.

Với lợi thế và tiềm năng sẵn có, cùng với nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh, các địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp như Nga Sơn, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Yên Định, Quảng Xương... đã nhanh chóng triển khai, hướng dẫn, khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC, tạo ra chuyển biến lớn trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) và con nuôi đặc sản (vịt Cổ Lũng, vịt bầu cổ xanh, lợn mán, gà đồi...), từng bước hình thành và phát triển trang trại chăn nuôi tập trung an toàn sinh học, ứng dụng CNC, thân thiện với môi trường gắn với cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Như Thanh... đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn sinh học, ứng dụng CNC, thân thiện với môi trường gắn với cơ sở, nhà máy giết mổ, chế biến, chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ môi trường.

Cùng với nông nghiệp, trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm nghiên cứu và đầu tư các dự án sản xuất vật liệu mới thân thiện môi trường như: cát nhân tạo, vôi công nghiệp, bột nhẹ..; áp dụng công nghệ tận thu nhiệt thừa để phát điện trong sản xuất xi măng. Trong thương mại - dịch vụ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đã và đang ứng dụng tiện ích của sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh trong hoạt động thương mại và quảng bá thương hiệu. Trong du lịch, nhiều cơ sở lưu trú đã thực hiện đăng ký khách du lịch qua mạng Internet và ứng dụng nền tảng web để hỗ trợ các hoạt động du lịch. Trong giáo dục, các cơ sở giáo dục và đào tạo trong tỉnh đã được kết nối internet bằng cáp quang phục vụ hoạt động chuyên môn; sử dụng giải pháp họp trực tuyến trên các nền tảng, phần mềm ứng dụng. Trong y tế, đã tiếp nhận và ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xét nghiệm, chẩn đoán, phẫu thuật và điều trị; xây dựng mô hình y tế thông minh tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện...

Có thể nói, việc xác định các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN đúng và trúng, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, sát với nhu cầu và phù hợp với điều kiện thực tế, đã tạo ra “tiền đề” để gặt hái được nhiều “quả ngọt” tăng trưởng trên các lĩnh vực.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao CNC trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các địa phương; sự gắn kết giữa KH&CN với hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều vướng mắc.

“Đổi mới nhận thức và hành động để khoa học và công nghệ thực sự là khâu đột phá” (Bài 2): “Hàm lượng khoa học” vẫn còn... khiêm tốn!Nông sản thực phẩm an toàn của huyện Quan Hóa tại hội nghị kết nối cung cầu và giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa.

Điển hình là trong ngành chế biến nông, lâm, thủy sản. Theo đó, tại Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND ngày 17-7-2021 của HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành Chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, với 5 chính sách; trong đó có chính sách “hỗ trợ đầu tư mới hoặc đổi mới CNC trong bảo quản, chế biến, nông, lâm, thủy sản". Mức hỗ trợ là 30% tổng giá trị đầu tư, bao gồm: chi phí mua sắm máy móc, thiết bị; chi phí chuyển giao kỹ thuật (nếu có), chi phí thuê chuyên gia (nếu có), chi phí đào tạo, tập huấn..., tối đa không quá 3 tỷ đồng/tổ chức, cá nhân...

Ngay sau khi Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND được ban hành, Sở KH&CN đã triển khai tới các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các đối tượng có khả năng thụ hưởng chính sách (Công văn số 1403/SKHCN-QLCS ngày 13-8-2021; Hướng dẫn số 125/HD-SKHCN ngày 9-2-2022). Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai, hiện vẫn chưa có tổ chức, cá nhân đăng ký thụ hưởng chính sách.

Các nhóm chính sách còn lại như: hỗ trợ ứng dụng CNC trong nuôi tôm thẻ chân trắng; hỗ trợ ứng dụng CNC trong sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn; hỗ trợ ứng dụng kỹ thuật trong khám, chữa bệnh; hỗ trợ đầu tư hoặc đổi mới công nghệ - thiết bị sản xuất cát nhân tạo (cát nghiền), hiện các đơn vị, doanh nghiệp đăng ký hỗ trợ để đầu tư còn khá khiêm tốn. Tìm hiểu được biết, các sở, ngành liên quan vẫn chưa thật sự quyết liệt trong lãnh đạo triển khai chính sách. Các doanh nghiệp của tỉnh phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực tài chính yếu nên không dám mạnh dạn đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo. Cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp KH&CN chưa thực sự hấp dẫn...

Theo số liệu báo cáo sơ kết tình hình thực hiện khâu đột phá, ngoài các chỉ tiêu vượt và đạt kế hoạch đề ra còn không ít chỉ tiêu khó đạt được mục tiêu đến năm 2025. Trong đó, diện tích ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới để sản xuất rau, cây ăn quả, hoa (đạt 170 ha so với chỉ tiêu là khoảng 450 ha); diện tích sản xuất lúa hữu cơ (đạt 520 ha so với chỉ tiêu là 1.000 ha); tỷ lệ diện tích nuôi tập trung ở vùng bãi triều được áp dụng tiêu chuẩn VietGAP đối với tôm (đạt 0,75% so với chỉ tiêu là khoảng 50%); tỷ lệ diện tích nuôi tôm thâm canh CNC trong nhà bạt, nhà màng, nhà kính (đạt 3,65% so với chỉ tiêu là trên 30%); tỷ lệ diện tích rừng và đất lâm nghiệp được ứng dụng công nghệ viễn thám trong điều tra, theo dõi, quản lý rừng (đạt 32% so với chỉ tiêu là 100%). Ngoài ra, mới có 1 bệnh viện được xây dựng theo hướng bệnh viện thông minh (chỉ tiêu là 8 bệnh viện); 12,5% khu công nghiệp ứng dụng hệ thống quan trắc ô nhiễm môi trường tự động (kế hoạch 70%); 7% số trường áp dụng mô hình trường học thông minh, lớp học thông minh (kế hoạch 20%)...

Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN, chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Một số mục tiêu đạt được còn thấp so với kế hoạch đề ra (số doanh nghiệp KH&CN thành lập mới; thành lập các nhóm nghiên cứu khoa học,...). Nhân lực KH&CN còn thấp so với nhu cầu; thiếu các chuyên gia đầu ngành và nhân lực trình độ cao trong một số lĩnh vực KH&CN. Thị trường KH&CN chưa có nhiều khởi sắc, chưa xây dựng được sàn giao dịch công nghệ - thiết bị của tỉnh để kết nối cung cầu về KH&CN. Chưa có phòng thí nghiệm trọng điểm đạt chuẩn để phục vụ cho việc nâng cao năng lực nghiên cứu lĩnh vực có hướng mũi nhọn và chiến lược. Quy định và công tác xác định nhiệm vụ, tuyển chọn, xét giao trực tiếp, thẩm định, phê duyệt kinh phí nhiệm vụ KH&CN hàng năm chậm được sửa đổi, chậm được phê duyệt, gây khó khăn trong việc lập kế hoạch, dự toán kinh phí nhiệm vụ KH&CN theo yêu cầu của Bộ KH&CN.

Tỷ lệ nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư cho KH&CN trên tổng chi ngân sách Nhà nước cho KH&CN còn thấp; công tác đấu mối, tìm kiếm, kêu gọi các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ còn hạn chế, ít chuyển biến và chưa tạo được đột phá, nhất là các chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN còn hạn chế... Đặc biệt, KH&CN chưa phát huy hết vai trò; ứng dụng CNC vào sản xuất, chế biến, bảo quản còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa xem KH&CN là khâu then chốt đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, tạo ra sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, song nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Trong đó, một số cấp ủy đảng, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa thực sự chủ động, sáng tạo nâng cao vị thế, vai trò KH&CN và đổi mới sáng tạo. Các chính sách quản lý KH&CN chưa thu hút được người tài. Nguồn nhân lực dồi dào, nhưng lại thiếu lực lượng lao động có tay nghề cao, lành nghề ở nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là những ngành công nghiệp CNC... Với tiềm lực, trình độ KH&CN như vậy, việc phát triển những ngành, lĩnh vực, những sản phẩm công nghiệp mới, CNC sẽ rất khó khăn. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng cản trở cơ cấu lại công nghiệp, phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp CNC, có giá trị gia tăng cao ở tỉnh ta trong những năm qua.

Khách quan nhìn nhận, thời gian qua, việc đầu tư cho KH&CN để lĩnh vực này xứng tầm là “quốc sách hàng đầu” tại tỉnh ta vẫn còn khá “khiêm tốn”. Do đó, KH&CN chưa được đặt vào đúng vị thế của nó, hay chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chính vì vậy, để KH&CN thực sự là động lực cho phát triển, cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong xây dựng và thực thi các chính sách phát triển KH&CN. Đặc biệt, cần bám sát kế hoạch hành động của tỉnh, của Trung ương trong thực hiện khâu đột phá về KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu KH&CN, xây dựng nền tảng cho hành trình CNH, HĐH thời kỳ hội nhập và phát triển.

Bài và ảnh: Trường Giang

Bài cuối: Đầu tư cho khoa học, công nghệ là đầu tư cho phát triển!

Tin liên quan:


 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]