(Baothanhhoa.vn) - Đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất, chế biến chính là một trong những biện pháp hữu hiệu đã, đang được các chủ thể sản xuất, doanh nghiệp, HTX sử dụng góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế cho sản phẩm OCOP.

Ứng dụng khoa học công nghệ - chìa khóa để nâng tầm sản phẩm OCOP

Đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất, chế biến chính là một trong những biện pháp hữu hiệu đã, đang được các chủ thể sản xuất, doanh nghiệp, HTX sử dụng góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế cho sản phẩm OCOP.

Ứng dụng khoa học công nghệ - chìa khóa để nâng tầm sản phẩm OCOPDây chuyền hấp cách thủy tiệt trùng sản phẩm dứa đóng hộp tại Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành.

Tính đến tháng 1-2022, huyện Nông Cống có 6 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng OCOP. Trong đó, có 2 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao là dứa đóng hộp Trường Tùng, chậu cói Tân Thọ và 4 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao, gồm: Gạo sạch Hương Quê, miến gạo Thăng Long, gạo tím Quê Nông thôn, dưa Aiko. Anh Đỗ Quang Trung, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Nông Cống, cho biết: Để định hướng cho các sản phẩm tiềm năng phát triển theo chu trình OCOP, huyện đã tập huấn, khuyến khích các chủ thể đầu tư KHCN để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng của chương trình và nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Do đó, các sản phẩm OCOP của huyện đều được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hóa, mẫu mã bao bì sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch...

Ông Lê Trường Tùng, Giám đốc Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành, cho biết: Đơn vị có sản phẩm dứa đóng hộp Trường Tùng được công nhận 4 sao năm 2021. Để bảo đảm chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào, công ty đã liên kết với một số hộ dân ở thị trấn Thống Nhất (Yên Định) xây dựng vùng nguyên liệu dứa, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất theo quy trình chuẩn được cơ quan chuyên môn quy định; trong khâu chế biến, công ty đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, hệ thống hấp cách thủy, đóng hộp tiệt trùng... để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng tốt. Bên cạnh tiêu thụ trong nước, sản phẩm dứa đóng hộp Trường Tùng còn được xuất khẩu tại một số quốc gia như: Nga, Séc... Ngoài sản phẩm dứa đóng hộp, công ty hiện đang hoàn thiện chu trình sản xuất cho sản phẩm ngô đóng hộp để tham gia vào Chương trình OCOP năm 2022.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhiều sản phẩm OCOP của huyện Nga Sơn đã được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước và xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới. Điển hình là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói của Công ty CP Sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh, xã Nga An đã được xuất khẩu trực tiếp và bán tại 40 siêu thị ở Mỹ; các sản phẩm dưa vàng, dưa lưới Vạn Hoa của Công ty CP Nông nghiệp Vạn Hoa được tiêu thụ ở hệ thống siêu thị. Anh Nguyễn Văn Nam, giám đốc công ty cho biết: Năm 2018, công ty đấu thầu 5 ha đất để xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ theo hướng hiện đại, quy mô lớn. Trong 5 ha ấy, công ty đã cho xây lắp 4 ha nhà lưới và đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ của Israel, nhà lưới được thiết kế tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời, có hệ thống làm mát, điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, giảm thiểu tác động của thời tiết. Quy trình trồng, chăm sóc đều tuân thủ nghiêm ngặt sản xuất sạch, phân bón sử dụng cho cây hoàn toàn là phân vi sinh hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học...

Nhờ đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại, diện tích dưa của công ty cho sản lượng khoảng 3 - 4 tấn/1.000m2, cung cấp cho thị trường khoảng 200 tấn/năm, tạo việc làm cho khoảng 7 - 12 lao động, với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện sản phẩm đã được tiêu thụ tại các siêu thị mi ni, cửa hàng thực phẩm an toàn tại Hà Nội, TP Thanh Hóa và nhiều tỉnh, thành trên cả nước, doanh thu đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm.

Qua khảo sát của tổ quản lý Chương trình OCOP, thuộc Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, hầu hết các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh đều chủ động thực hiện các giải pháp về KHCN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong đó, kể cả những sản phẩm thủ công truyền thống, như: bánh gai, bánh lá răng bừa, bánh nhãn... cũng sử dụng công nghệ hấp, sấy tiên tiến, hiện đại. Cùng với đó, các địa phương cũng tích cực hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hóa, mẫu mã bao bì sản phẩm, đăng ký mã sô, mã vạch... góp phần khẳng định tên tuổi, nhãn hiệu của sản phẩm trên thị trường. Ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, cho biết: Việc ứng dụng KHCN là một trong những yếu tố then chốt giúp các sản phẩm OCOP của tỉnh nâng cao về chất lượng sản lượng và sức cạnh tranh trên thị trường. Để nâng tầm sản phẩm OCOP, văn phòng đã tham mưu cho tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ thể sản xuất đầu tư ứng dụng KHCN. Ngày 10-12-2021, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND về ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025. Theo đó, các chủ thể sẽ được hỗ trợ một lần, với mức 75 triệu đồng/sản phẩm để quảng bá, tuyên truyền, thiết kế mẫu mã, mua bao bì, nhãn mác hàng hóa, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương tiếp tục hỗ trợ các chủ thể ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, ứng dụng KHCN vào sản xuất các sản phẩm nông, lâm, sản, nhất là những sản phẩm có thế mạnh... để có thêm những sản phẩm “tiền OCOP” có chất lượng, giá trị kinh tế cao.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]