(Baothanhhoa.vn) - Đổi mới cơ chế tài chính được xác định là điều kiện then chốt để các đơn vị sự nghiệp công lập phấn đấu tự chủ ở mức độ cao hơn, từ đó giảm gánh nặng chi ngân sách Nhà nước, đồng thời nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực hiện cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp

Đổi mới cơ chế tài chính được xác định là điều kiện then chốt để các đơn vị sự nghiệp công lập phấn đấu tự chủ ở mức độ cao hơn, từ đó giảm gánh nặng chi ngân sách Nhà nước, đồng thời nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ.

Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thanh Hóa đang thực hiện các thủ tục cổ phần hóa.

Quan điểm về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã được cụ thể hóa tại Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22-6-2015 của Thủ tướng Chính phủ. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập. Các văn bản ra đời đã tạo hành lang pháp lý, góp phần đẩy mạnh việc xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, huy động các nguồn lực xã hội, cung cấp dịch vụ có chất lượng cao hơn. Bên cạnh đó, các đơn vị sự nghiệp công lập khi chuyển sang công ty cổ phần được tự chủ về tài chính, phát huy được vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, công khai minh bạch, hạch toán theo nguyên tắc thị trường; có điều kiện huy động vốn đầu tư trong và ngoài nước để nâng cao năng lực, đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Đối với Thanh Hóa, cùng với quá trình thực hiện cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước, công tác CPH các đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần được chú trọng thực hiện theo định hướng của Chính phủ. Từ năm 2015, Ban chỉ đạo CPH tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng phương án thực hiện CPH thí điểm đối với một số đơn vị, như: Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thanh Hóa, Xí nghiệp Giao thông Xây dựng Cẩm Thủy. Hiện nay, Xí nghiệp Giao thông Xây dựng Cẩm Thủy đã hoàn thành công tác CPH, thực hiện bán đấu giá công khai cổ phần Nhà nước thành công ngày 5-3-2018. Được biết, Xí nghiệp Giao thông xây dựng Cẩm Thủy được thành lập năm 1989, là đơn vị trực thuộc của UBND huyện Cẩm Thủy. Chức năng chủ yếu của đơn vị là bảo trì, quản lý đường bộ; quản lý, khai thác cầu treo và bãi trông giữ xe Khu du lịch suối cá Cẩm Lương, dịch vụ thu gom rác thải, tư vấn giám sát kỹ thuật các công trình xây dựng cơ bản, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, với các nhiệm vụ được giao như trên, do không được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn trong giao dịch, ký kết các hợp đồng kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động. Hiện nay doanh nghiệp đã thực hiện đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất để kiện toàn bộ máy tổ chức và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh mới. Đối với Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thanh Hóa, hiện nay, Ban Chỉ đạo CPH Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thanh Hóa đang chỉ đạo đơn vị lập báo cáo tài chính; đồng thời, lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá trị thực tế tài sản và giá khởi điểm chào bán cổ phần theo quy định; lựa chọn đơn vị bán đấu giá cổ phần Nhà nước theo quy định; lập phương án CPH theo kế hoạch.

Để tiếp tục thúc đẩy quá trình CPH các đơn vị sự nghiệp công lập, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 6540/UBND-KTTC ngày 12-3-2017, Công văn số 8904/UBND-KTTC ngày 31-7-2017 về danh mục đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần. Theo đó, Thanh Hóa sẽ thực hiện CPH các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc 20 lĩnh vực. Một số lĩnh vực điển hình, như: Khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; vệ sinh môi trường; chiếu sáng; sản xuất và lưu giữ giống cây trồng, vật nuôi; dịch vụ tư vấn trong các lĩnh vực lập quy hoạch, kế toán, kiểm toán, thuế, thẩm định giá tài sản; dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa; kiểm định kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới và phương tiện thủy; thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm...

Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2018-2020, Thanh Hóa sẽ thực hiện CPH đối với 3 đơn vị: Đội Quản lý Giao thông đường bộ huyện Hà Trung, Hạt Giao thông huyện Tĩnh Gia, Đội Đảm bảo giao thông huyện Triệu Sơn. Hiện nay, Sở Tài chính đang chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị sự nghiệp chuẩn bị hồ sơ pháp lý về tài sản, nguồn vốn, công nợ của các đơn vị; lập báo cáo tài chính đến thời điểm xác định giá trị đơn vị sự nghiệp... để xây dựng kế hoạch CPH cụ thể tại các đơn vị. Bên cạnh đó, Sở Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, các ngành, đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát, báo cáo hiện trạng tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc 20 ngành, nghề quy định để xác định tổng thể các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng CPH, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt trong tháng 6-2018...

Đại diện Ban Chỉ đạo CPH tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu, tuy nhiên việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do những đơn vị tự chủ được về tài chính thuộc danh mục 20 lĩnh vực được phê duyệt CPH trên địa bàn tỉnh còn ít. Bên cạnh đó, tư tưởng cán bộ, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp (nhất là đối với lãnh đạo, công chức, viên chức) không muốn thực hiện CPH hoặc mong muốn CPH nhưng Nhà nước phải nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.

Để tiến trình CPH các đơn vị sự nghiệp công lập đi theo đúng lộ trình, các đơn vị thực hiện CPH cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng về chủ trương của Nhà nước thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, các ngành tham gia Ban chỉ đạo CPH của tỉnh phải thực sự vào cuộc trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, khoa học, xác định từng mốc thời gian cho các công việc một cách công khai, minh bạch. Kiểm soát chặt chẽ quá trình CPH nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi tiêu cực, sai trái trong định giá, đấu giá tài sản. Các đơn vị sau CPH cần chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, nâng cao nghiệp vụ quản trị, đào tạo và đào tạo lại lao động để trụ vững trong môi trường cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu trong nền kinh tế.


Bài và ảnh: Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]