(Baothanhhoa.vn) - Phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) đã và đang tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều người dân khu vực nông thôn, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Do đó, những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã phát huy tiềm năng, lợi thế về nguyên liệu, lao động để xây dựng, phát triển các cơ sở công nghiệp ở nông thôn với nhiều ngành nghề, sản phẩm đa dạng.

Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn

Phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) đã và đang tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều người dân khu vực nông thôn, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Do đó, những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã phát huy tiềm năng, lợi thế về nguyên liệu, lao động để xây dựng, phát triển các cơ sở công nghiệp ở nông thôn với nhiều ngành nghề, sản phẩm đa dạng.

Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thônNghề chế biến tre, luồng tại xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn.

Thọ Xuân là huyện hội tụ nhiều làng nghề. Sự đan xen giữa các làng nghề truyền thống với các nghề mới xuất hiện đã tạo nên nhiều sản phẩm CNNT nổi tiếng, như: nem, giò chả, xã Xuân Bái; nem nướng, thị trấn Thọ Xuân; bánh lá răng bừa, xã Xuân Lập; bánh gai Tứ Trụ, xã Thọ Diên... Để phát huy tiềm năng, giá trị, thúc đẩy CNNT phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ dân làm nghề, thời gian qua, huyện Thọ Xuân đã chú trọng khôi phục, phát triển các ngành, nghề truyền thống; hỗ trợ, duy trì các sản phẩm CNNT phát triển theo chiều sâu; đẩy mạnh các hoạt động thương mại nhằm quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, huyện còn quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu, thành lập các hiệp hội làng nghề và hỗ trợ các hộ trong làng nghề xây dựng thương hiệu. Điển hình như Hội Bánh lá răng bừa Xuân Lập, xã Xuân Lập. Được thành lập năm 2020, cùng với việc đẩy mạnh vận động các hộ làm nghề trong xã tham gia, kết nối, cùng chia sẻ kinh nghiệm, hội đã chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu bánh lá răng bừa Xuân Lập. Ông Đỗ Minh Sơn, Chủ tịch Hội Bánh lá răng bừa Xuân Lập, cho biết: Nhờ những hoạt động thiết thực, hiệu quả, nên hội đã thu hút được 76 hội viên tham gia. Ngoài ra, hội đã kết nối hội viên với hàng chục nhà hàng, khách sạn, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm bánh lá răng bừa Xuân Lập cũng đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Cũng nhờ thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nên với 11 làng nghề truyền thống, huyện Thọ Xuân đã phát triển được hơn 3.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, với thu nhập bình quân từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Là huyện miền núi, song ngành nghề và các sản phẩm CNNT ở huyện Cẩm Thủy phát triển khá đa dạng. Với hơn 2.700 cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực, vì thế, huyện có nhiều sản phẩm CNNT, như: thổ cẩm, mây tre đan, miến dong, đồ gỗ, dệt may, thêu ren... Tuy nhiên, hầu hết việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm CNNT trên địa bàn huyện đều có quy mô nhỏ lẻ, phát triển thiếu bền vững, khả năng tiếp cận với thị trường chưa cao. Vì vậy, huyện Cẩm Thủy đang tập trung thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm CNNT, như: Khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng tại các xã Cẩm Lương, Cẩm Thạch, Cẩm Thành; phát triển nghề làm miến dong truyền thống tại các xã Cẩm Bình, Cẩm Liên và phát triển các cơ sở chế biến nông, lâm sản tại một số xã trên địa bàn. Đồng thời, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Theo thống kê của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 118 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Phần lớn việc sản xuất các sản phẩm CNNT được tập trung tại các làng nghề này. Tuy nhiên, việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm CNNT chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ, lẻ, số sản phẩm có được thị trường tiêu thụ ổn định và mở rộng quy mô không nhiều. Điều này đã khiến sản phẩm CNNT của tỉnh chưa phát huy được hết tiềm năng vốn có. Do đó, để tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm CNNT, các địa phương cần chú trọng hơn trong việc xác định sản phẩm công nghiệp mũi nhọn, từ đó quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đào tạo đội ngũ lao động tay nghề cao để không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT cũng cần chủ động cập nhật thông tin, tìm kiếm thị trường, đổi mới công nghệ, học hỏi kỹ năng và kiến thức quản lý, mạnh dạn đầu tư, để phát triển ngày càng bền vững.

Bài và ảnh: Hương Thơm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]