(Baothanhhoa.vn) - Với nhiều khó khăn phát sinh do đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong Khu Kinh tế (KKT) Nghi Sơn bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp đã kịp thời có những giải pháp khắc phục, tự “thích ứng” với tình hình thực tế để duy trì và khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế Nghi Sơn duy trì và khôi phục sản xuất, kinh doanh

Với nhiều khó khăn phát sinh do đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong Khu Kinh tế (KKT) Nghi Sơn bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp đã kịp thời có những giải pháp khắc phục, tự “thích ứng” với tình hình thực tế để duy trì và khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế Nghi Sơn duy trì và khôi phục sản xuất, kinh doanh

Dây chuyền sản xuất dầu ăn tại Công ty TNHH Dầu ăn thực vật khu vực miền Bắc Việt Nam.

Cũng như cả nước, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong KKT Nghi Sơn đều có ít nhiều ảnh hưởng. Nhiều doanh nghiệp may mặc bị thiếu hụt nguyên liệu sản xuất. Tình hình xuất khẩu hàng hóa của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ bởi yêu cầu hạn chế hoạt động giao thương quốc tế. Cánh chim đầu đàn của công nghiệp tại Nghi Sơn cũng như toàn tỉnh Thanh Hóa là Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến tồn kho nhiều. Tuy nhiên, trong khó khăn thử thách, nhiều doanh nghiệp ở đây đã nhanh chóng có những giải pháp ứng phó.

Công ty TNHH Dầu thực vật khu vực miền Bắc Việt Nam đóng tại KKT Nghi Sơn vẫn liên tục duy trì các dây chuyền sản xuất trong những tháng vừa qua. Theo lãnh đạo công ty có vốn đầu tư từ Singapore này, trong 4 tháng đầu năm 2020, sản lượng sản phẩm dầu ăn giảm hơn 25% so với kế hoạch, nhưng công ty vẫn duy trì sản xuất bình thường, thu nhập của người lao động không bị ảnh hưởng. Suốt thời gian cả nước được yêu cầu giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh, công ty bố trí công nhân sản xuất ngồi cách xa nhau, nhưng lại chia thành nhiều ca nên sản lượng sản phẩm không mấy ảnh hưởng. Về thị trường đầu ra cho sản phẩm, công ty đã tăng cường tiếp thị vào các hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ các tỉnh, thành phố của miền Bắc. Tính đến giữa tháng 5 này, công ty đã sản xuất được hơn 16.000 tấn dầu ăn các loại và hiện có thị trường đầu ra tương đối ổn định. Hơn 200 cán bộ, người lao động ở đây vẫn được tạo điều kiện làm việc ổn định, với thu nhập trung bình 10 triệu đồng/người/tháng.

Theo báo cáo từ Sở Công Thương, trong 4 tháng đầu năm, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại KKT Nghi Sơn vẫn được duy trì, thậm chí còn có sự tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh đạt 1.638 triệu kwh, tăng 6,5% so với 4 tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, các nhà máy sản xuất điện tại KKT Nghi Sơn vẫn duy trì hoạt động ổn định; lớn nhất là Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 thường xuyên chạy tối đa công suất 14 triệu kwh điện mỗi ngày. Tại các doanh nghiệp khai thác các cảng biển, như: Cảng Đại Dương, Cảng PTSC Thanh Hóa, Cảng quốc tế Nghi Sơn..., các hoạt động đã trở lại nhộn nhịp bình thường, nhiều hãng tàu quốc tế, trong nước vẫn cập cảng đưa hàng hóa xuất/nhập khẩu đến và rời bến với điều kiện tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Được biết, KKT Nghi Sơn sau khi mở rộng có tổng diện tích lên tới 106.000 ha, bao gồm: 66.497,57 ha đất liền và đảo, 39.502,43 ha mặt nước, bao phủ lên toàn bộ diện tích huyện Tĩnh Gia và 3 xã của huyện Nông Cống, 3 xã của huyện Như Thanh. Hiện tại, KKT động lực này đã thu hút được 226 dự án đầu tư trong nước và 19 dự án FDI; trong đó có hơn 100 dự án đã đi vào hoạt động toàn bộ hoặc một phần, giải quyết việc làm cho 32.516 lao động. Để các doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh ngay trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh đã có nhiều văn bản hướng dẫn, tổ chức các hội nghị để triển khai các giải pháp vừa bảo đảm phòng chống dịch an toàn, nhưng vẫn cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh. Với các doanh nghiệp có sử dụng lao động và chuyên gia nước ngoài, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và huyện Tĩnh Gia để yêu cầu cách ly đúng quy định với những chuyên gia mới nhập cảnh vào Việt Nam.

Ông Vũ Tuấn Minh, Chủ tịch Công đoàn KKT Nghi Sơn và các KCN, cho biết: “Tuy vẫn có những khó khăn nhất định, nhưng các doanh nghiệp tại KKT Nghi Sơn đã biết khắc phục để duy trì và phát triển sản xuất. Hiện nay, không có doanh nghiệp nào phải tạm dừng hay đình trệ sản xuất”. Những ngày gần đây, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh đang đấu mối với các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước để xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào KKT Nghi Sơn. Nhiều giải pháp kích thích sản xuất đang được các ngành, đơn vị liên quan triển khai theo các chủ trương và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh các tháng gần đây về hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó do đại dịch COVID-19.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]