Để sâm báo vươn tầm
Làng cổ Biện Thượng (nay là xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc) không chỉ được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt gắn với các di tích lịch sử, như: phủ Trịnh, đền thờ Hoàng Đình Ái, di tích nghè Vẹt, chùa Báo Ân... mà nơi đây còn nức tiếng gần xa với sản vật sâm báo từng được mệnh danh là “Đại Việt đệ nhất danh sâm”.
Người dân thôn Việt Yên, xã Vĩnh Hùng trồng cây sâm báo.
Làng Biện Thượng nằm ở tả ngạn sông Mã, những ngày đầu xuân rôm rả tiếng trống họ, trống đình từ lễ hội. Trong mỗi gia đình, bên mâm cỗ, bàn trà, không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh chai rượu sâm báo, hay hộp trà sâm báo... mời đãi khách. Sâm báo, một loại sâm được dùng như dược liệu quý hiếm, làm nước uống, thuốc chữa bệnh, thức ăn bổ dưỡng, thanh mát giải nhiệt và là sản vật dùng để cung tiến vua, chúa thời xưa.
Các bậc cao niên ở làng Biện Thượng cho biết, tương truyền năm 1397, việc xây Thành Nhà Hồ hao tổn công sức của quan quân. Hồ Quý Ly đã cho người đi săn tìm loài sâm quý nhằm tăng cường sức khỏe, đẩy nhanh tiến độ xây thành. Về sau, sâm báo là thực phẩm bổ dưỡng chuyên dùng trong cung nhà Hồ và được coi là sản vật quốc gia thời vua Lê, chúa Trịnh.
Ngày nay, nhận thấy giá trị kinh tế cao từ cây sâm báo đem lại, một số hộ dân xã Vĩnh Hùng cũng như các xã lân cận của huyện Vĩnh Lộc đã tìm giống khôi phục. Bà Trịnh Thị Hường, ở thôn Việt Yên, cho biết: Sâm báo được gia đình bà trồng trên dãy núi sau nhà. Đây là dãy núi gần kề với núi Báo, nơi được cho là gốc gác sản sinh ra loại sâm quý này. Theo bà Hường, diện tích đất đồi của gia đình lâu nay trồng mía, trồng sắn hiệu quả kinh tế thấp, kể từ khi chuyển sang trồng sâm báo, giá trị kinh tế thu về cao gấp nhiều lần. Giá sâm báo hiện bán trên thị trường dao động từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng/kg.
Tại thôn Đoài, xã Vĩnh Hùng, hộ bà Đặng Thị Nga được xem là một trong những hộ trồng thành công và đem lại nguồn thu nhập cao từ cây sâm báo. Theo bà Nga thì những năm đầu, gia đình chủ yếu bán củ tươi tại ruộng nên hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Gần đây, gia đình bà đã liên kết với một số hộ khác thành lập HTX nông nghiệp Tây Đô, mua máy móc về sản xuất sản phẩm trà thảo dược sâm báo. Sản phẩm của HTX được thị trường ưa chuộng và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Là sản phẩm được thị trường đánh giá cao, tuy nhiên đến nay việc phát triển sản phẩm này theo hướng hàng hóa có quy mô lớn và vươn tầm ra thị trường trong nước, quốc tế còn nhiều hạn chế. Đã có nhiều hộ dân trồng loại sâm này, nhưng chỉ mang tính chất nhỏ lẻ do đầu ra sản phẩm chưa ổn định, chưa có tính liên kết trong bao tiêu. Để người dân yên tâm gắn bó và mở rộng diện tích trồng sâm báo, cấp ngành chức năng cần có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ bà con về giống, kỹ thuật, cũng như đảm bảo bao tiêu sản phẩm.
Ông Trịnh Việt Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc, cho biết: Sâm báo có hai loại gồm giống hoa đỏ và hoa vàng. Loại hoa vàng được cho có dược tính tốt hơn nên thường có giá trị cao hơn, dao động 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng/kg. Để phục hồi sâm báo trở thành cây hàng hóa, những năm qua, UBND huyện Vĩnh Lộc đã thực hiện nhiều giải pháp như ban hành Đề án “Bảo tồn và mở rộng quy mô phát triển cây sâm báo trên địa bàn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022-2025 xây dựng thành công 2ha vườn cây đầu dòng sâm báo hoa vàng (tại xã Vĩnh Hùng) để bảo tồn nguồn gen bản địa, đồng thời đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận nguồn gốc cây sâm báo hoa vàng để gieo trồng và nhân giống, cung cấp giống nhân rộng diện tích trồng sâm báo của huyện. Đến năm 2030, duy trì nguồn gen bản địa tại núi Báo xã Vĩnh Hùng và phát triển diện tích trồng sâm báo toàn huyện đạt khoảng 250ha. Đồng thời, đưa sản phẩm sâm báo ra thị trường nước ngoài.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có Quyết định số 4125/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 phê duyệt kế hoạch các nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2019. Trong đó, có Dự án ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất cây sâm báo theo GACP-WHO gắn với chuỗi giá trị tại huyện Vĩnh Lộc và giao trực tiếp cho Công ty CP Dược liệu Triệu Sơn (trực thuộc Triso Group) triển khai thực hiện.
Để có những đánh giá tổng thể hơn về phát triển cây sâm báo, tháng 4/2021, UBND huyện Vĩnh Lộc phối hợp với Công ty CP Dược liệu Triệu Sơn tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Bảo tồn và phát triển cây sâm báo thành nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, phục vụ phát triển du lịch huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa”. Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu khoa học đã đưa ra các tham luận, ý kiến về việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để trồng, chăm sóc, sản xuất, chế biến cây sâm báo thành các sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển du lịch, tạo việc làm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Sau nhiều nỗ lực, đến nay, diện tích trồng sâm báo trên toàn huyện đã đạt khoảng 25ha (trong đó xã Vĩnh Hùng có khoảng 10ha, với 60 hộ tham gia trồng). Trong đó, đã có 2 sản phẩm chế biến từ sâm báo được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao gồm rượu sâm báo An Tâm (cơ sở kinh doanh rượu An Tâm) và trà sâm báo Thảo Nga (HTX nông nghiệp Tây Đô).
Bài và ảnh: Đình Giang
{name} - {time}
-
2024-11-22 10:11:00
Prudential tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với “mắt thần” OCR thế hệ mới
-
2024-11-22 08:25:00
Cát tự nhiên thiếu nhưng cát nhân tạo thay thế vẫn “ế”
-
2024-02-22 09:30:00
Bản tin tài chính 22/2/2024: Chịu áp lực sau 4 phiên tăng, trong nước giảm nhanh
Tổ chức thí điểm các “Phiên chợ thực phẩm an toàn” trên địa bàn tỉnh năm 2024
Chủ động nguồn vốn phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh
Bản tin tài chính 21/2/2024: Giá vàng vùn vụt tăng
Quảng Xương tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai
Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia
Sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước tại Bộ Y tế và 2 tỉnh, thành phố
Ban hành bảng giá đất hằng năm từ ngày 1/1/2026
Như Thanh đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Kênh dẫn vốn hiệu quả cho người nghèo, thu nhập thấp