ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) tham gia góp ý về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)
Chiều 27/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Tham gia góp ý về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá) đã góp ý như sau:
Về bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam, có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất 10%.
Trước hết đại biểu thống nhất với việc bổ sung sản phẩm này vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng, mở rộng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất đồ uống và người tiêu dùng chuyển sang sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khác không có đường, góp phần hạn chế bệnh thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên tại Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường” của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương có nêu: Ngành nước giải khát chiếm 38% số lượng doanh nghiệp của ngành đồ uống, tương đương hơn 2.500 doanh nghiệp, với hơn 400 doanh nghiệp sản xuất nước giải khát và gần 2.100 doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ.
Đối với tác động đến nguồn thu ngân sách: Kết quả tính toán cho thấy, khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% thì quy mô sản xuất của các doanh nghiệp bị co hẹp sau khi tăng thuế; giá trị tăng thêm và giá trị sản xuất của nhóm ngành nước giải khát đều giảm. Trong đó, ước tính giá trị tăng thêm giảm 0,772%, tương đương giảm 5.650 tỷ đồng. Đồng thời, việc áp thuế không chỉ tác động tới ngành nước giải khát mà còn tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành. Hệ quả tác động tới toàn nền kinh tế như tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm 0,601%; tương đương là 55.077 tỷ đồng. Điều này kéo theo sự sụt giảm về GDP ở mức 0,448% tương đương giảm 42.570 tỷ đồng, lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm 0,561% tương đương 8.773 tỷ đồng và vì thế nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp bị sụt giảm 2.152 tỷ đồng.
Đây là những con số, tính toán rất đáng suy ngẫm mà các nhà nghiên cứu đã cung cấp. Do đó, ĐBQH Cầm Thị Mẫn cho rằng, cần phải cân đối giữa mục tiêu định hướng hành vi của người tiêu dùng để góp phần hạn chế bệnh thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Cùng với đó, đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn về khả năng đạt được mục tiêu của chính sách này, thực chất là bảo vệ sức khỏe người dân hay chỉ là tăng thu ngân sách? Do vậy, việc bổ sung chính sách cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng để việc triển khai thực hiện được thông suốt, các doanh nghiệp có đủ thời gian xây dựng chiến lược kinh doanh nhằm bảo đảm kịp thời thích ứng với các chính sách mới; nâng cao tính tuân thủ, cũng như tạo đà cho người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm khác thay thế hoặc là sẵn sàng trả mức giá cao hơn khi tiêu thụ sản phẩm này mà vẫn bảo đảm đạt được mục tiêu bảo vệ sức khỏe như đã nêu tại Tờ trình.
Vì vậy, ĐBQH Cầm Thị Mẫn đề nghị quy định về lộ trình thực hiện và mức thuế suất tại dự thảo Luật như sau: Từ ngày Luật có hiệu lực và kéo dài trong vòng 1 năm: Mức thuế suất là 5%. Sau ngày Luật có hiệu lực 1 năm: Mức thuế suất 7,5%. Sau ngày Luật có hiệu lực 2 năm: Mức thuế suất 10% (đây là mức thuế suất mà Chính phủ đề nghị áp dụng ngay tại thời điểm Luật có hiệu lực).
Việc quy định lộ trình và thuế suất như vậy sẽ bảo đảm quá trình triển khai không có tác động quá lớn đến người tiêu dùng và doanh nghiệp; đồng thời, các doanh nghiệp cũng có thời gian để điều chỉnh chiến lược sản xuất sản phẩm, hướng sang các sản phẩm tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng hơn.
Về thẩm quyền bổ sung đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế tại khoản 3, Điều 2 và khoản 5, Điều 3, ĐBQH Cầm Thị Mẫn đề nghị xem xét lại nội dung tại 2 khoản này vì các lý do sau đây: Điều 47 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định”. Khoản 4 Điều 70 của Hiến pháp quy định Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn trong việc “...; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế”. Như vậy, thẩm quyền mà dự thảo Luật đang dự kiến giao Chính phủ là của Quốc hội và là quyền Hiến định của Quốc hội.
Bên cạnh đó, chỉ đạo về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội có nêu “Xây dựng, ban hành luật, nghị quyết ngắn gọn, quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội...; loại ra khỏi dự thảo luật những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các Bộ và các cơ quan khác...”
Vì các lý do trên, đề nghị Chính phủ nghiên cứu rà soát kỹ lưỡng để chỉnh lý các quy định nêu trên đảm bảo sự phù hợp về thẩm quyền, phù hợp với Hiến pháp và các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật như đã phân tích ở trên.
Quốc Hương
{name} - {time}
-
2024-12-31 10:07:00
Kỳ họp thứ 25 HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 thông qua nhiều nội dung quan trọng làm cơ sở pháp lý thúc đẩy sự phát triển đi lên của tỉnh
-
2024-12-25 09:51:00
Giám sát chuyên đề lựa chọn đúng và trúng vấn đề
-
2024-11-27 12:14:00
ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) tham gia góp ý về dự án Luật Việc làm (sửa đổi)
Đóng góp của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
ĐBQH Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa): Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo phải thực sự công tâm, khách quan
ĐBQH Trần Văn Thức (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) tham gia góp ý về dự án Luật Nhà giáo
Tổ đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Vĩnh Lộc
Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thị xã Bỉm Sơn
Nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện
Tổ đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Thọ Xuân
Tổ đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Như Thanh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng tiếp xúc cử tri huyện Yên Định