(Baothanhhoa.vn) - Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp (CCN). Qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch mà tỉnh đã đề ra.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp

Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp (CCN). Qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch mà tỉnh đã đề ra.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệpCCN Vạn Hà (Thiệu Hóa) đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và được Công ty Alivia đầu tư Dự án nhà máy sản xuất, gia công giày dép xuất khẩu.

Hoàn thiện hạ tầng và kêu gọi nhà đầu tư

CCN Thượng Ninh, huyện Như Xuân có diện tích 20ha, do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Nguyên làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Cuối quý II/2022, sau khi hoàn thành hồ sơ, thủ tục thuê đất, công ty đã tập trung triển khai thi công trên công trường. Đến nay, đơn vị đã hoàn thành 100% việc giải phóng, san lấp mặt bằng; tiến hành đầu tư hệ thống đường nội bộ, hệ thống xử lý nước sạch, xử lý nước thải công nghiệp, hệ thống lưới điện. Đồng thời cùng với các cơ quan liên quan của huyện chủ động kết nối, kêu gọi các nhà đầu tư vào CCN.

CCN thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa có diện tích 17,64ha, đến nay đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. CCN đã cho một nhà đầu tư thứ cấp thuê lại 12,16ha để thực hiện dự án Nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu.

Ông Bruce Chen, quản lý cấp cao nhà máy Alivia (thuộc Tập đoàn Hoa Lợi) cho biết: “Tập đoàn đầu tư vào CCN Vạn Hà rất thuận lợi do được sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh và chính quyền địa phương. Hiện tại nhà máy có công suất 6 triệu sản phẩm giày dép/năm, giải quyết việc làm cho 1.200 lao động, tương lai mở rộng sản xuất sẽ cần tới 10.200 lao động”.

Ngày 4/11/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 3799/QĐ-UBND về thành lập CCN số 2 Vạn Hà (Thiệu Hóa) với diện tích khoảng 23,36ha. Tổng mức đầu tư dự kiến 189 tỷ đồng. Đến năm 2025 hoàn thành, đưa vào sử dụng công trình. Phấn đấu hết năm 2026 thu hút nhà đầu tư lấp đầy 100% CCN.

Ông Chu Văn Toàn, Phó giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng và Phát triển Lam Kinh, chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN số 2 Vạn Hà cho biết: “Đối với CCN số 2 Vạn Hà, được sự đồng thuận của bà con Nhân dân và chính quyền nên công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã đúng tiến độ. Chúng tôi cam kết trước 31/3/2025 sẽ hoàn thành hạ tầng kỹ thuật cho nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Chúng tôi đề xuất các cấp, các ngành cắt giảm một số thủ tục như: thẩm định hồ sơ, định giá đất để quá trình thực hiện diễn ra nhanh hơn”.

Nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc

Theo Sở Công Thương, đến hết tháng 10/2024, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 44 CCN đang thực hiện đầu tư, với tổng diện tích 1.557,62ha, tổng vốn đầu tư đăng ký là 10.916,9 tỷ đồng. Có 2 CCN đã hoàn thành đầu tư hạ tầng, đã thu hút được dự án thứ cấp; 3 CCN đã cơ bản hoàn thành hạ tầng CCN theo giai đoạn, đã thu hút dự án thứ cấp đầu tư; 22 CCN đã hoàn thành GPMB toàn bộ dự án hoặc theo giai đoạn, được UBND tỉnh cho thuê đất giao đất, đang đầu tư hạ tầng; 5 CCN đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đang tiến hành đền bù GPMB; 12 CCN đang hoàn thiện thủ tục đầu tư; chưa thực hiện GPMB.

Nhìn chung, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư CCN có nhiều chuyển biến tích cực nhưng còn chậm. Nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trong đó có địa phương chọn vị trí xây dựng khu công nghiệp chưa phù hợp, chưa gắn kết với không gian, quy hoạch ngoài khu công nghiệp, phối hợp cập nhật các quy hoạch, trong đó có chỉ tiêu chuyển đổi đất lúa sang đất công nghiệp. Một số chủ đầu tư không đủ năng lực, gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư khi triển khai thực hiện, khả năng thu hút nhà đầu tư thứ cấp yếu, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án, phải xem xét thu hồi nhiều dự án...

Để giải quyết tình trạng khó khăn trên, ông Trương Văn Tuyên, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương cho biết: “Các sở, ngành, UBND các huyện đang thực hiện điều chỉnh các quy hoạch xây dựng cho phù hợp với quy hoạch của tỉnh và quy hoạch sử dụng đất để đảm bảo cơ sở pháp lý trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư của các CCN đã thành lập; tập trung chỉ đạo, thực hiện công tác đền bù GPMB, tái định cư. UBND tỉnh kiên quyết thu hồi, chấm dứt hiệu lực dự án đối với các CCN đã được chấp thuận dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhưng triển khai chậm tiến độ theo yêu cầu mà trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư hoặc vi phạm cam kết giữa chủ đầu tư và UBND cấp huyện về tiến độ bố trí vốn đầu tư và GPMB”.

Đặc biệt, theo ông Tuyên, các đơn vị phải quan tâm tới sự phù hợp giữa các quy hoạch, tính khả thi trong đấu nối giao thông, điện, cấp nước, địa điểm xả thải nước thải đã xử lý; quy định cụ thể về mốc thời gian hoàn thành các thủ tục đầu tư, xây dựng hạ tầng và thu hút dự án thứ cấp đầu tư vào CCN. Đối với Sở Công Thương, hàng năm sớm lập kế hoạch sử dụng đất trình UBND tỉnh phê duyệt; sớm phê duyệt quyết toán chi phí GPMB để làm cơ sở cho chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ các chủ đầu tư trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư và đầu tư xây dựng hạ tầng CCN; tăng cường hỗ trợ chủ đầu tư thu hút dự án thứ cấp đầu tư vào CCN.

Bài và ảnh: Anh Tuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]