(Baothanhhoa.vn) - Trong thời đại toàn cầu hóa và cạnh tranh cao, việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế là một chiến lược thông minh và hiệu quả. Nhận thức được tầm quan trọng của KH&CN, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trên tất cả lĩnh vực sản xuất và đời sống, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào ngành, lĩnh vực có tiềm năng lợi thế

Trong thời đại toàn cầu hóa và cạnh tranh cao, việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế là một chiến lược thông minh và hiệu quả. Nhận thức được tầm quan trọng của KH&CN, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trên tất cả lĩnh vực sản xuất và đời sống, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào ngành, lĩnh vực có tiềm năng lợi thếỨng dụng KH&CN trong trồng và chăm sóc cây mắc ca tại huyện Thạch Thành.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 khẳng định: "Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN, chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”, và xem đây là một trong 3 khâu đột phá. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành cụ thể hóa thành nhiều chương trình, kế hoạch; trong đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất trên các lĩnh vực nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đưa chỉ tiêu về ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường thành tiêu chí đánh giá hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các cấp, các ngành hàng năm. Nhờ đó, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực, nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, công nghệ thông tin, môi trường, y - dược, khoa học xã hội và nhân văn...

Một trong những ngành có tiềm năng, lợi thế là nông nghiệp, tại các địa phương trong tỉnh, hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao ngày càng được đầu tư chuyên sâu hơn. Đã có nhiều mô hình ứng dụng nông nghiệp 4.0, như: trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và ứng dụng điện toán đám mây; điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên lúa và vườn cây ăn quả; cảm biến điều khiển môi trường chuồng trại chăn nuôi; cảm biến môi trường nuôi thủy sản;... giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Nhiều nghiên cứu để bảo tồn và phát triển các cây dược liệu quý hiếm như: bảo tồn và phát triển loài cây sâm cau tại Vườn Quốc gia Bến En; cát sâm, thiên niên kiện tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên; giảo cổ lam, bảy lá một hoa, ngải đen tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông; dược liệu mã tiền, hà thủ ô, thổ phục linh tại huyện Quan Sơn. Đặc biệt là dự án phát triển dược liệu sâm Báo theo chuỗi giá trị đang được triển khai tại huyện Vĩnh Lộc đã mở ra hướng đi mới, phát triển bền vững nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao được đưa vào sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng dưa taki Nhật Bản trong nhà màng, nhà lưới; mô hình trồng dưa vàng, rau hữu cơ; mô hình quản lý nước và dinh dưỡng của Israel trong sản xuất các loại rau quả (ớt, khoai tây, ngô ngọt); từ đó, tận dụng, phát huy tốt lợi thế, tạo ra nông sản chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng KH&CN một số lĩnh vực của sản xuất, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, tận dụng phế phẩm, góp phần bảo vệ môi trường, như: nghiên cứu sử dụng vật liệu thay thế cát, sỏi tự nhiên cho xây dựng trên địa bàn tỉnh; xây dựng các mô hình ứng dụng các công nghệ phù hợp phục vụ tưới tiêu và nước sinh hoạt, góp phần cải thiện đời sống cho đồng bào miền núi; ứng dụng KH&CN sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi; ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất gạch không nung Terrazzo; hoàn thiện công nghệ để chế tạo máy sấy áp suất thấp, tự động đối lưu luồng khí; công nghệ thiết bị tự động sản xuất đèn led phục vụ quảng cáo, truyền thông và trang trí đô thị tại Thanh Hóa; ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất như ép thủy lực đa năng và in kỹ thuật số để nâng cao công suất, chất lượng gạch ốp lát cao cấp tại Thanh Hóa; ứng dụng công nghệ - thiết bị chưng cất chân không để sản xuất rượu gạo truyền thống xứ Thanh; ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời và hệ thống náo đảo tự động trong sản xuất nước mắm truyền thống.

Lĩnh vực khoa học y - dược cũng có nhiều thành tựu được ứng dụng vào phục vụ công tác khám, điều trị bệnh, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh thuộc top đầu cả nước về lĩnh vực y tế như: ứng dụng kỹ thuật SPECT, MRI, PET/CT; ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm Cyfra 21-1, CEA, SCC, ProGRP trong chẩn đoán và theo dõi điều trị ung thư phổi; chẩn đoán mô bệnh học bằng phương pháp nhuộm Hematoxyline Eosin, Giemsa;... ứng dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch điều trị nhồi máu não sớm; ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt thận; kỹ thuật ghép giác mạc, ghép thận; kỹ thuật chuyển phôi ngày 5 trong thụ tinh trong ống nghiệm; triển khai hóa trị liệu, xạ trị điều trị ung thư...

Kế thừa những kết quả đã đạt được, giai đoạn 2023 - 2025, ngành KH&CN tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Mục tiêu đến năm 2025: tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 20% trở lên; có 30% trở lên cơ sở sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng chuyển đổi số, phát triển 3 loại vật liệu xây dựng mới, thân thiện với môi trường; 80% trở lên trang website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến, 50% trở lên doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch; chuyển đổi thư viện tỉnh thành thư viện thông minh, xây dựng cổng thông tin điện tử và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động...

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, thời gian tới cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, doanh nghiệp và cộng đồng khoa học trong việc xác định chiến lược phát triển KH&CN phù hợp với từng ngành, lĩnh vực; đầu tư nguồn lực cho việc nghiên cứu và ứng dụng KH&CN; tạo môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo và đổi mới; và nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về vai trò của KH&CN trong phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Trường Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]