Đất làng Hội Triều
Làng Hội Triều (xã Hoằng Phong) là một trong những cái “rốn” khoa bảng của đất Cổ Đằng xưa, Hoằng Hóa ngày nay. Nơi đây sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất cho quê hương, đất nước, trong đó có Bảng nhãn Lương Đắc Bằng và con trai ông là Thượng thư Lương Hữu Khánh - hai danh nhân nổi tiếng, lưu danh sử sách. Không những thế, Hội Triều còn là mảnh đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử với nét đẹp lễ hội vẫn còn lưu truyền đến nay.
Đền thờ Bảng nhãn Lương Đắc Bằng tại làng Hội Triều. Ảnh: Vân Anh
Ông Trương Thế Duyên, Trưởng thôn Nam Hội Triều, Phó Trưởng làng Hội Triều dẫn chúng tôi đi một vòng thăm làng và kể nhiều câu chuyện về vùng đất này.
Sách “Địa chí văn hóa Hoằng Hóa” có ghi: “Cuối thiên kỷ thứ nhất, toàn địa bàn Hoằng Hóa đã có làng mạc dân cư. Có thể kể đến một số làng mà đến thời Lý cư dân đã sinh cơ lập nghiệp, như: Hội Triều, Nhuệ Hoàng, Đại An, Đặc Đạt, Đạt Tài, Hạ Vũ... Đến thời Trần, làng xã không mở rộng thêm. Về sau cư dân từ nơi khác đến hoặc là từ các làng xã cũ san ra chỉ là xen kẽ vào vùng dân cư còn thưa thớt mà thôi”. Cũng như những ngôi làng có tuổi đời hàng trăm tuổi tại Thanh Hóa như Đạt Tài, Hạ Vũ... làng Hội Triều từ lâu đã theo trí nhớ của những người con xã Hoằng Phong lớn lên và tự hào với những đặc trưng văn hóa tiêu biểu.
Dạo quanh làng, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận là sự “thay da đổi thịt” của vùng thôn quê với hệ thống cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, những ngôi nhà cao tầng san sát... Đến nay, làng Hội Triều gồm hai thôn Bắc Hội Triều và Nam Hội Triều, cũng là hai thôn đầu tiên trong xã về đích NTM kiểu mẫu. Ông Duyên khẳng định: Truyền thống là nguồn sức mạnh nội sinh để người dân trong làng viết tiếp câu chuyện tự hào trong xây dựng và phát triển quê hương thời kỳ mới. Như thôn Nam Hội Triều đến nay đã xây dựng rãnh thoát nước có nắp đậy khu dân cư 1,5km; nâng cấp rải thảm nhựa 4 tuyến đường giao thông chiều dài 1,2km; hệ thống điện sáng cao áp công cộng 2,7km; chỉnh trang khuôn viên sân, khu vui chơi thể thao nhà văn hóa; xây dựng mới 1 cổng chào thôn và 7 cổng chào cụm dân cư; bổ sung bồn hoa với tổng chiều dài 0,9km, quét vôi ve tường rào, cổng ngõ... Đây là những công trình ghi đậm dấu ấn của Nhân dân và những người con xa quê làng Hội Triều.
Nông thôn mới kiểu mẫu chính là thành quả của làng Hội Triều ngày nay. Để hiểu rõ hơn về đất và người làng Hội Triều, hiểu được sức mạnh nội sinh gắn kết tinh thần Nhân dân trong làng, câu chuyện được ông Duyên tiếp tục kể khi đến thăm các di tích trên địa bàn.
Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đền thờ Bảng nhãn Lương Đắc Bằng - người học trò xuất sắc của “Trạng lường” Lương Thế Vinh và là thầy của nhiều danh sĩ nổi tiếng trong lịch sử nước nhà. Với người dân làng Hội Triều, câu chuyện về Bảng nhãn Lương Đắc Bằng hầu như ai cũng rõ. Ông không chỉ nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, chính trực, một người thầy mẫu mực của nhiều quan lại, trí thức đương thời, mà còn được biết đến với tư cách là tác giả của Trị bình thập tứ sách - 14 sách lược trị nước mà theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, nếu được thực thi trên diện rộng, rất có thể nhà Lê Sơ sẽ không đi vào giai đoạn suy vong. 14 điều trong Trị bình thập tứ sách rất ngắn gọn nhưng lại tập trung vào việc đề xuất xây dựng, kiến nghị những vấn đề phải khắc phục. Đây là tư tưởng rất hiện đại của một người dám nói, dám bày tỏ suy nghĩ của mình với vương triều. Dù đã đạt nhiều thành tựu khi làm quan nhưng cuộc đời của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng còn nổi tiếng hơn, rạng danh hơn khi ông lui về quê dạy học. Với triết lý “Tiến vi quan, thoái vi sư”, ông đã dùng tất cả những đạo học, những hiểu biết, cái tâm sáng của mình để dạy cho các thế hệ học trò. Những học trò của Lương Đắc Bằng sau này đều là những người thành đạt và nổi tiếng như: Tiến sĩ Đinh Bạt Tụy, Bảng nhãn Nguyễn Mẫu Đối, Tiến sĩ Nguyễn Thừa Hưu, Hoàng giáp Lại Kim Bảng, “Trạng trình” Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Tinh thần, cốt cách, sự nghiệp của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng góp phần làm nên truyền thống tốt đẹp của đất và người Hội Triều. Để rồi trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ luôn sáng tạo trong học tập và sản xuất, dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh, đoàn kết, mạnh mẽ hoàn thành các mục tiêu chung. Chẳng phải vì thế, mà trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làng Hội Triều đã sinh ra và nuôi dưỡng nhiều thế hệ thanh niên hăng hái lên đường chiến đấu, cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Chỉ tính riêng ở thôn Bắc Hội Triều và Nam Hội Triều đã có 8 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 8 lão thành cách mạng, 1 cán bộ tiền khởi nghĩa, 68 liệt sĩ, hàng chục thương binh, bệnh binh.
Như vậy, ở giai đoạn nào làng Hội Triều cũng ghi danh mình vào “bảng vàng”. Tuy nhiên, sẽ thật thiếu sót nếu nói về làng Hội Triều mà chưa nhắc đến trò chơi dân gian nổi tiếng là vật truyền thống.
Không ai trong làng biết môn vật xuất hiện thời gian nào, chỉ nghe những người cao tuổi trong làng nói rằng từ thời Hậu Lê đã có sới vật. Vào đúng ngày mồng 1 tết tiếng trống vật rộn ràng vang lên, tất thảy người dân trong làng từ già trẻ, gái trai đều ra sới vật để chung vui. Trai tráng hăng hái vào sới, phụ nữ, trẻ em hào hứng cổ vũ. Hội vật được tổ chức liền vài ngày, thu hút hàng trăm đô vật từ khắp nơi về so tài.
Đến nay, vật truyền thống vẫn là môn thể thao đặc sắc của làng. Ngoài hội vật truyền thống xã tổ chức vào mồng 2 tết hàng năm, riêng với làng Hội Triều, trong lễ hội thành hoàng làng từ 28/1 đến 2/2 âm lịch không thể thiếu phần thi đấu vật. Bởi, đây luôn là những ngày đông vui, sôi động nhất trong năm khi con cháu xa quê về chung vui với làng.
Vân Anh
{name} - {time}
-
2025-01-17 10:19:00
Đền thờ Lê Lâm trên đất Phùng Giáo
-
2025-01-10 14:43:00
Thôn Rộc Răm tự hào có lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy
-
2024-10-25 10:37:00
Xứ Thanh trong tôi...