(Baothanhhoa.vn) - Thời tiết nắng nóng, trẻ đối mặt với nhiều nguy cơ mắc các bệnh cấp tính. Do đó, dinh dưỡng hợp lý, an toàn là một yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Đồng thời, phòng chống suy dinh dưỡng, giúp trẻ phát triển toàn diện.

Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ mùa nắng nóng

Thời tiết nắng nóng, trẻ đối mặt với nhiều nguy cơ mắc các bệnh cấp tính. Do đó, dinh dưỡng hợp lý, an toàn là một yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Đồng thời, phòng chống suy dinh dưỡng, giúp trẻ phát triển toàn diện.

Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ mùa nắng nóngBác sĩ Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám cho trẻ.

Dinh dưỡng là một trong những điều quan trọng giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, chiều cao, cân nặng và trí não. Dinh dưỡng hợp lý, an toàn giúp phòng, chống các bệnh lý thừa cân béo phì, suy dinh dưỡng ở trẻ; giúp tăng sức đề kháng cho trẻ để phòng tránh các bệnh lúc giao mùa hay thời điểm nắng nóng. Chị Lê Vân Anh (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Mùa hè, hai bé nhà tôi thường xuyên nhác ăn, mệt mỏi, có giai đoạn còn tụt cân. Tôi đã thay đổi thực phẩm, đổi mới món ăn nhưng các cháu vẫn ăn kém”. Tương tự, chị Nguyễn Thanh Thùy (TP Thanh Hóa) cho rằng: “Mặc dù ăn uống ở nhà, thực phẩm do mình tự tay chế biến nhưng con gái 3 tuổi của tôi thỉnh thoảng vẫn bị đau bụng, đi ngoài. Nhiều thời điểm cháu còn biếng ăn, uể oải, khiến tôi rất lo lắng về chế độ dinh dưỡng và sức khỏe của cháu”.

Mùa hè, thời tiết nắng nóng kéo dài, là điều kiện lý tưởng để các vi khuẩn phát triển. Nắng nóng cũng khiến cơ thể con người mất nước, mệt mỏi, ăn uống kém, đặc biệt là đối với trẻ em. Trẻ thường gia tăng các triệu chứng biếng ăn, tụt cân hay mắc các bệnh về dinh dưỡng kèm bệnh lý cấp tính về tiêu hóa, hô hấp, da liễu khi vào mùa hè. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, số trẻ khám và điều trị các bệnh cấp tính mùa hè tăng khoảng 25 - 30%. Tại Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, những ngày nắng nóng, số trẻ đến khám và nhập viện tăng cao. Trung bình mỗi ngày có khoảng 70 bệnh nhân điều trị nội trú và 40 bệnh nhân khám ngoại trú. Trẻ đến khám thường trong tình trạng có bệnh lý cấp tính như: viêm phổi, suy hô hấp, tiêu chảy kéo dài, nôn... trên nền bệnh suy dinh dưỡng vừa và nhẹ. Một số bệnh nhân nặng thì kèm theo hội chứng ruột ngắn, rối loạn hấp thụ...

Chăm cháu tại Khoa Dinh dưỡng, bà Trần Thị Hoa cho biết: Mấy ngày nắng nóng kéo dài, cháu không chịu ăn, kèm đi ngoài kéo dài, người xanh xao. Vào viện thăm khám, cháu được bác sĩ chẩn đoán tiêu chảy cấp kèm suy dinh dưỡng nhẹ. Khi điều trị, ngoài thuốc men, cháu còn được các y, bác sĩ tư vấn thực đơn dinh dưỡng. Sau 3 ngày điều trị, cháu không còn hiện tượng biếng ăn, đường tiêu hóa dần cải thiện.

Bác sĩ CKI, Trịnh Thị Thắm, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Mùa hè nắng nóng trẻ dễ mất nước, mệt mỏi, biếng ăn. Do đó nhu cầu dinh dưỡng của trẻ tăng cao, đặc biệt trong 1.000 ngày vàng và lứa tuổi dậy thì. Dinh dưỡng hợp lý, an toàn không chỉ đảm bảo sức khỏe cho trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện mà còn phòng tránh các bệnh lý cấp tính cho trẻ.

Để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ mùa năng nóng, bác sĩ Thắm khuyến cáo các bậc phụ huynh phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, chế độ ăn cân bằng hợp lý và đa dạng thực phẩm, đủ các nhóm chất như: chất đạm, tinh bột,

vitamin, chất khoáng. Đối với các trẻ nhỏ, cần cung cấp đủ sữa. Bởi sữa cung cấp năng lượng cao và chất sơ hòa tan giúp trẻ dễ tiêu hóa, hấp thụ.

Một kinh nghiệm để trẻ ăn đủ bữa, đủ chất trong mùa hè đó là thường xuyên thay đổi khẩu phần ăn theo sở thích, nhu cầu cho trẻ; đa dạng các bữa ăn cho trẻ, chế biến thức ăn lỏng, mềm, sao cho dễ tiêu hóa. Ngoài ra, cần chú ý cung cấp đủ nước theo nhu cầu lứa tuổi, cơ thể của trẻ. Vì mùa hè trẻ có nguy cơ mất nước và nhu cầu nước cũng cao hơn. Cung cấp đủ nước giúp điều hòa thân nhiệt, bù nước cho cơ thể. Theo khuyến cáo, nhu cầu nước của trẻ tính theo cân nặng trong 1 ngày như sau: trẻ em 10kg nhu cầu khoảng 1 lít nước/ngày; trẻ em 11 - 20 kg: khoảng 1 - 1,5 lít nước/ngày. Nước được cung cấp theo cách uống nước trực tiếp, qua canh, sữa. Lưu ý, không nên cho trẻ uống nước để trong tủ lạnh, nước đá khiến trẻ dễ bị viêm họng.

Cùng với đảm bảo chế độ ăn cân đối thì khâu chế biến và bảo quản thực phẩm cũng cần được quan tâm. Mùa hè là thời điểm vi khuẩn hoạt động mạnh, nhiệt độ cao khiến thức ăn dễ bị ôi thiu, khi trẻ ăn phải các thức ăn này dẫn đến nguy cơ bị bệnh tiêu chảy. Vì vậy, thức ăn cho trẻ cần lựa chọn thực phẩm tươi, nấu chín, đun sôi trước khi ăn. Thực phẩm còn lại sau mỗi bữa ăn cần bảo quản thật tốt. Cùng với đó, cha mẹ cần xây dựng thói quen ăn uống, sinh hoạt nghỉ ngơi đúng giờ, đúng bữa cho trẻ. Khuyến khích trẻ thường xuyên vận động, tham gia thể thao. Tuy nhiên, không nên cho trẻ tham gia thể thao, vui chơi nhiều giờ liên tục ngoài trời nắng nóng.

Khi thấy trẻ có hiện tượng biếng ăn, mệt mỏi kéo dài cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn chế độ dinh dưỡng, làm các xét nghiệm vi chất: kẽm, sắt, canxi, D3... trước khi bổ sung các vi chất, tránh tình trạng tự ý bổ sung gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]