(Baothanhhoa.vn) - Xuân Thái là xã vùng sâu của huyện Như Thanh, thôn Ba Bái lại là một trong những thôn xa trung tâm nhất của xã Xuân Thái. Ở vùng đất thâm sơn xa xôi ấy, cựu chiến binh Hà Văn Thuyên đã phát huy được tinh thần vượt khó của người lính Cụ Hồ, xây dựng mô hình kinh tế vườn đồi để trở thành điển hình phát triển kinh tế địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cựu chiến binh đi đầu trong phát triển kinh tế đồi rừng

Xuân Thái là xã vùng sâu của huyện Như Thanh, thôn Ba Bái lại là một trong những thôn xa trung tâm nhất của xã Xuân Thái. Ở vùng đất thâm sơn xa xôi ấy, cựu chiến binh Hà Văn Thuyên đã phát huy được tinh thần vượt khó của người lính Cụ Hồ, xây dựng mô hình kinh tế vườn đồi để trở thành điển hình phát triển kinh tế địa phương.

Cựu chiến binh đi đầu trong phát triển kinh tế đồi rừng

Ông Hà Văn Thuyên kiểm tra đàn lợn lai rừng mới sinh.

Quanh co khoảng 7km đường liên thôn uốn lượn qua các quả đồi bát úp, chúng tôi được Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thái, ông Quách Văn Thân dẫn thăm mô hình kinh tế của gia đình ông Thuyên. Con ngõ bê tông chạy giữa các ao nuôi cá, hai bên là các hàng cỏ voi xanh mơn mởn đã phần nào cho thấy dấu ấn của sức người và sự chịu khó của gia chủ trên vùng đất đỏ khô cằn. Từng mảng đồi dốc, từng tấc đất của gia đình đều được phủ lên màu xanh của những cây ăn quả, cây thức ăn chăn nuôi. Trong khu chuồng lợp fibro xi măng cuối vườn, vợ chồng cựu chiến binh vẫn cặm cụi thái chuối, chăm sóc cho đàn lợn pha lòi khoảng 30 con.

Sẵn tính tình sởi lởi nên khi được hỏi về quá trình phát triển kinh tế, người cựu chiến binh tuổi ngũ tuần luôn nhiệt tình chia sẻ với thái độ vô tư và thoải mái nhất. Chỉ tay lên ngọn đồi phía sau nhà, ông giới thiệu với chúng tôi, 300 cây dổi lấy hạt, 100 bụi luồng bương, 3,5 ha keo đang trong giai đoạn kiến thiết... Trên tổng diện tích 10 ha đất lâm nghiệp nhận khoán thầu 50 năm của Lâm trường Như Xuân cũ, dường như không có chỗ nào để hoang mà không được phát huy giá trị. Đầu óc kinh tế đã biến ông thành “nhà quy hoạch” trong trồng trọt và chăn nuôi của gia đình. Đất trên đồi cao trồng cây lâm nghiệp, xuống thấp hơn trồng luồng, chân đồi trồng cây ăn quả. Ven các bờ ao, được gia chủ tận dụng trồng chuối và cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi, phía trũng thấp là ao thả cá và trữ nước cho sản xuất.

Nhằm phát huy tiềm năng vườn đồi, gia đình ông Thuyên còn thuê thêm lao động địa phương để phát triển chăn nuôi. Ngoài đàn lợn pha lòi cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm, ông còn tận dụng nguồn lá cây phong phú để phát triển đàn thỏ lên tới hàng trăm con. Những đàn gà đồi thả bán hoang dã cũng đem về nguồn thu quanh năm. Các vật nuôi liên tục sinh sôi, vừa giúp gia đình chủ động nguồn giống gối lứa, vừa có thu nhập không nhỏ nhờ bán con giống. Gần đây, gia đình còn nhân nuôi thành công đàn hươu hơn chục con, cho thu nhập cả trăm triệu đồng nhờ thu lộc và bán hươu giống mỗi năm.

Với vợ chồng ông Thuyên, mỗi ngày lao động bắt đầu từ khi mặt trời còn chưa ló rạng và kết thúc khi mặt trời đã khuất núi, bóng tối lan tỏa khắp khu đồi. Coi lao động là vinh quang nên người cựu chiến binh không xem đó là sự vất vả. Nói với chúng tôi, ông còn bông đùa rằng: “Vợ chồng tôi thỉnh thoảng có mua quần áo mới nhưng suốt ngày lao động nên không có thời gian để mặc”. Hơn 20 năm loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế hộ để làm giàu trên mảnh đất quê hương, cựu chiến binh người Thái cùng người vợ tảo tần đã gặt hái nhiều thành công. Những năm gần đây, sau khi trừ chi phí, vợ chồng ông đều thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng mỗi năm từ các hoạt động phát triển kinh tế đồi rừng. Đó cũng là nguồn thu để ông bà nuôi 4 người con ăn học, có ngành nghề ổn định - chuyện không dễ ở một gia đình đồng bào vùng sâu.

Nhớ lại những năm tháng gian nan hai bàn tay trắng dựng nghiệp, cựu chiến binh Hà Văn Thuyên, cho biết: Năm 1989 tôi xuất ngũ trở về địa phương, lúc ấy đường giao thông đi lại khó khăn, điều kiện sản xuất không thuận lợi như bây giờ. Được địa phương và bà con vận động, tôi làm công an viên, rồi làm trưởng thôn. Vừa công tác xã hội, tôi xác định phải khai mở cách làm và phát huy được tiềm năng đất đồi rừng địa phương. Thế rồi tôi nhận khoán thành công 10 ha đất, cùng gia đình từng bước khai hoang, tìm hướng đưa cây trồng và con nuôi phù hợp để phát triển kinh tế. Đến nay trời không phụ công người, gia đình đã gặt hái những thành quả.

Ông Quách Văn Thân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thái, nhận định: Tiềm năng đất đồi rừng ở xã lớn, nhưng không phải ai cũng phát huy thành công để làm giàu. Tại địa phương, hội nông dân xã ghi nhận sự năng động của ông Hà Văn Thuyên luôn đi đầu trong du nhập những cách làm mới, cộng với sự cần cù nên trở thành điển hình trong phát triển kinh tế trên địa bàn.

Bài và ảnh: Linh Trường


Bài và ảnh: Linh Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]