Cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh
Năm 2024 thị trường tiêu thụ có nhiều tín hiệu tốt trở lại, là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư phát triển. Đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) khôi phục hoạt động sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và lạm phát kinh tế, tỉnh Thanh Hóa cùng các cấp, ngành đang tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ về tài khóa, tín dụng của Trung ương cũng như nhiều cơ chế hỗ trợ khác của tỉnh nhằm tạo thuận lợi cho khối DN ổn định sản xuất.
Trung tâm điều hành, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2.
Nối tiếp chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ năm 2023 và nửa đầu năm 2024, cuối tháng 6/2024 Chính phủ quyết định tiếp tục áp dụng chính sách giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024. Được biết, trong 6 tháng đầu năm, chính sách giảm thuế VAT được áp dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với hơn 4.300 DN thụ hưởng đã giảm thu ngân sách số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo Cục thuế Thanh Hóa, tuy số thu ngân sách dự kiến giảm, nhưng xác định đây là động lực mới cho tăng trưởng tiêu dùng và xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ DN giảm áp lực chi phí sản xuất và gia tăng lợi nhuận, ngành thuế Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị tập trung tuyên truyền tới tất cả người nộp thuế; kịp thời giải đáp các khó khăn, vướng mắc về hấp thụ chính sách. Với hơn 20.000 DN đang hoạt động, 6 tháng cuối năm việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế VAT dự kiến tiếp tục giảm thu ngân sách của tỉnh thêm 1.000 tỷ đồng.
Theo Hiệp hội DN tỉnh, trong thời gian hồi phục “sức khỏe” sau đại dịch, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ DN không chỉ đáp ứng được sự mong mỏi của cộng đồng DN về sự đồng hành của Nhà nước; mà còn là nguồn trợ lực tài chính kịp thời, giúp các DN trên địa bàn tỉnh có thêm sức “đề kháng” để ổn định và phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Cùng với chính sách của Trung ương, các cơ chế hỗ trợ riêng của tỉnh cũng được chú trọng triển khai. Cùng với nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho DN trong hoạt động sản xuất, năm 2024 Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh đã thu hút thêm được Công ty Vận tải biển Hải An tham gia vận chuyển hàng hóa container qua Cảng Nghi Sơn. Đơn vị cũng đã phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Nghi Sơn xác nhận, tổng hợp số lượng container xuất, nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn; hỗ trợ hãng tàu và DN hoàn thiện các hồ sơ để được hưởng hỗ trợ kinh phí theo quy định tại Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ DN vận chuyển hàng hóa bằng conterner qua Cảng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; đồng thời cung cấp các thông tin cho các hãng tàu, DN mới đến nghiên cứu tìm hiểu đầu tư mở tuyến vận chuyển hàng hóa bằng container mới qua cảng. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã ban hành 18 quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn, với số tiền hỗ trợ hơn 11,5 tỷ đồng cho các DN.
Sản xuất nước uống đóng chai tại Nhà máy Nước tinh khiết VIDA và nước điện giải ion kiềm LASANTE (Khu Kinh tế Nghi Sơn).
Được biết, ngoài chỉ đạo các đơn vị cấp tỉnh thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương để khôi phục sản xuất, trong năm 2024 tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ban hành các kế hoạch, quyết định về hỗ trợ DN nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND ngày 13/4/2022 của HĐND tỉnh về ban hành chính sách hỗ trợ phát triển DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2026.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2024 tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn về nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ; tổ chức 47 lớp bồi dưỡng kiến thức về khởi sự DN, 41 lớp bồi dưỡng kiến thức về quản trị DN; 13 khóa đào tạo trực tiếp tại DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến. Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện hỗ trợ chuyển phát khoảng 5.000 kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký DN; 1.800 DN sử dụng chữ ký số.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù kết quả sản xuất, kinh doanh, chỉ tiêu nộp thuế của khối DN vẫn tăng trưởng; tuy nhiên nhìn chung, cộng đồng DN Thanh Hóa vẫn còn hạn chế nhiều mặt, nhất là tài chính và công nghệ. Do đó, mặc dù số lượng DN mới thành lập vẫn tăng so với cùng kỳ, nhưng số DN giải thể và tạm ngừng hoạt động cũng tăng cao. Để hỗ trợ DN hoạt động bền vững, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư kinh doanh, chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ để DN nhanh chóng phục hồi năng lực sản xuất.
Bài và ảnh: Tùng Lâm
{name} - {time}
-
2025-01-14 12:06:00
Nỗ lực sản xuất, đóng góp cao vào tăng trưởng
-
2025-01-14 10:14:00
Dự án “Tăng trưởng doanh nghiệp của tôi” tại TYM Thanh Hóa: Chắp cánh ước mơ làm giàu cho phụ nữ
-
2024-09-08 15:11:00
Nhiều cách làm hay trong phát triển doanh nghiệp
Nâng cao kỹ năng bán hàng trên môi trường số cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp vi mô do phụ nữ làm chủ
Phát triển doanh nghiệp ở Thường Xuân
Khóa học kế toán ngắn hạn nào tốt nhất cho người mới bắt đầu?
Đưa sản phẩm OCOP vào kênh bán lẻ hiện đại
Thủy điện Trung Sơn bảo đảm an toàn, môi trường trong sản xuất, kinh doanh
Hoạt động khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh
Công ty Cổ phần xây lắp Điện lực Thanh Hóa trao quà khuyến học
Tín hiệu tích cực trong phát triển doanh nghiệp mới
Truy xuất nguồn gốc và ứng dụng hỗ trợ bán hàng trên nền tảng số