Cửa Bạng chuyển mình!
Nơi cực Nam xứ Thanh, bên cạnh những góc bình yên, mộc mạc đến dung dị của một Lạch Bạng với không gian văn hóa riêng đã được định hình là sự nhộn nhịp của Khu Kinh tế Nghi Sơn sầm uất đang từng ngày vươn mình phát triển...
Một góc Lạch Bạng thuộc phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn.
Nét xưa bên dòng sông Bạng
Cửa Lạch Bạng nằm ở vùng biển phía Đông Nam thuộc thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Sông Lạch Bạng (người dân vẫn gọi là sông Bạng) bắt nguồn từ núi Huôn, phường Phú Lâm chảy vòng chân núi Du Xuyên rồi đổ ra biển, thuộc địa phận giữa hai phường Hải Bình và Hải Thanh, tạo nên cửa lạch. Tên sông “Bạng” ghép với cửa biển “Lạch” thành tên Lạch Bạng.
Lâu rồi, tôi lại mới có dịp trở lại vùng đất mặn mòi nơi cửa biển này. Vẫn con sông Bạng rộng dài, uốn lượn quanh ngọn núi Du Xuyên (thuộc phường Hải Thanh), bên hữu sông Bạng là bờ cát trắng mịn thoai thoải nghiêng mình như một bức tranh phong thủy, non nước hữu tình, đẹp đến say lòng người...
Tinh tế để quan sát, chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận được những nét mộc mạc, bình dị vốn có ở nơi đây. Đó là những bà, những mẹ vẫn ngày ngày cào ngao, bắt giắt. Những con thuyền nối đuôi nhau sau những ngày vươn khơi trở về, ắp đầy tôm cá. Là bến đò nối đôi bờ sông Bạng (phường Hải Bình với phường Hải Thanh); hay ngôi đền Lạch Bạng cổ kính, linh thiêng với lễ hội Cầu Ngư diễn ra vào đầu tháng 4 âm lịch hàng năm...
Để qua sông Bạng, tôi lên đò. Con đò nhỏ do người phụ nữ đã đứng tuổi tên Thanh khua chèo. Bà Thanh thủ thỉ: “Tranh thủ có khách thì tôi chở, lát lại cùng với mấy chị em đi cào ngao, bắt sò... Việc ở đây không thiếu, mỗi tội không có việc gì là ổn định”. Trên con đò nhỏ chòng chành, không chỉ độc con thuyền nhỏ của chúng tôi nơi khúc sông rộng dài, còn đó những con tàu lớn đang vào cập cảng, bốc dỡ hàng hóa sau những ngày vươn khơi.
Cách đền Lạch Bạng không xa nơi tôi đứng là đền thờ vua Quang Trung được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII. Ngôi đền thờ vị anh hùng áo vải cờ đào có địa thế dựa lưng vào núi, hướng nhìn xuống dòng sông Bạng. Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, lễ hội đền thờ Quang Trung ở Lạch Bạng và Cù Lao Biện (Biện Sơn), phường Hải Thanh và xã Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Có thể nói non nước Cửa Bạng với danh lam thắng cảnh; những di tích, lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc đã, đang định hình nên một vùng văn hóa truyền thống giàu bản sắc...
Từng ngày chuyển mình
Bên cạnh những nét văn hóa truyền thống của vùng cửa Bạng, điều dễ nhận thấy là một Khu Kinh tế Nghi Sơn sầm uất đang từng ngày phát triển. Những nhà máy, xí nghiệp hiện đại, đã, đang thúc đẩy các ngành nghề dịch vụ thương mại, ăn ở, lưu trú... nơi đây phát triển, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Ông Nguyễn Ngọc Thương, Chủ tịch UBND xã Nghi Sơn không giấu được niềm vui mừng khi nói về sự chuyển mình của xã đảo. Nếu như trước đây, đời sống của Nhân dân trong xã chủ yếu phụ thuộc vào kinh tế biển truyền thống, bấp bênh, thì nay đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ, số lao động địa phương đang làm việc tại Khu Kinh tế Nghi Sơn là 1.200 lao động; số lao động tham gia dịch vụ du lịch tại các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn là gần 1.000 lao động. Nhờ đó, đời sống của người dân nơi đây không ngừng được nâng lên, diện mạo địa phương cũng từng ngày được thay đổi.
Với ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Thanh Hóa cho biết: Ngành nghề truyền thống từ khai thác đánh bắt thủy hải sản nơi cửa Bạng vẫn giữ được vai trò nhất định trong sự phát triển chung của các địa phương nơi đây. Minh chứng từ số liệu thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024 tại Cảng cá Lạch Bạng, cho thấy: Số lượt tàu thuyền ra vào cảng là 1.431 lượt tàu với sản lượng hàng thủy sản bốc dỡ qua cảng 3.631 tấn. Cảng cá Lạch Bạng cũng đang tạo công ăn việc làm cho 1.500 lao động địa phương, với mức thu nhập dao động từ 7-12 triệu đồng/người/tháng.
Trong sự đổi thay chung của vùng cửa lạch, sẽ thiếu sót nếu như không nói đến việc phát huy những tiềm năng, lợi thế từ du lịch biển. Xác định đây là ngành thế mạnh, thị xã Nghi Sơn đã, đang tập trung cho việc xúc tiến thương mại, kêu gọi thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Trong đó, cụm di tích Quang Trung - Lạch Bạng, quần thể di tích thắng cảnh Biện Sơn, quần thể động Trường Lâm... được ưu tiên phát triển. Mục tiêu cho du lịch năm 2024, thị xã Nghi Sơn phấn đấu đạt 115 cơ sở lưu trú, trong đó 10% được xếp hạng từ 2 - 4 sao; 75% lao động dịch vụ du lịch được đào tạo nghiệp vụ... hướng đến mục tiêu đón trên 1,2 triệu lượt khách, với tổng thu từ du lịch đạt trên 2.300 tỷ đồng.
Hy vọng rằng, với những nỗ lực của chính quyền các địa phương nơi đây trong việc tận dụng những tiềm năng, lợi thế từ biển, một ngày không xa vùng non nước cửa Bạng này sẽ trở thành một trong những điểm nhấn về phát triển kinh tế - xã hội nơi cực Nam xứ Thanh!
Bài và ảnh: Đình Giang
{name} - {time}
-
2025-01-15 21:35:00
Hướng về cơ sở, lấy quyền lợi người lao động làm trọng tâm hoạt động
-
2025-01-15 20:04:00
Bịt “kẽ hở” trong công tác quản lý người nước ngoài (Bài cuối): “Gỡ khó” trong công tác quản lý
-
2024-07-29 14:42:00
Như Xuân quyết tâm xử lý các cơ sở thu mua, chế biến keo “không phép”
Rà soát bất cập khu vực giao cắt với đường sắt, giảm tai nạn giao thông
Diễn đàn tư vấn pháp lý, hỗ trợ việc làm, vay vốn cho người chấp hành án hình sự tại cộng đồng
Những cung đường mang tiêu chí “xanh” ở Hà Trung
Nỗi lo từ những tuyến đê
Điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
Từ nghị quyết “mở đường” đến động lực “nâng hạng” thành thị xã Hoằng Hóa (Bài 1): Cuộc “cách mạng” ở mỗi làng quê
Nga Sơn chủ động phòng, chống thiên tai
Tiền lệ tốt để quy định không chỉ “hay trên giấy”
Chậm nhất trong năm 2025 phải hoàn thành sửa chữa toàn bộ 566 đường ngang