(Baothanhhoa.vn) - Củ Chi, mảnh đất kiên cường nằm ở phía Tây Bắc TP Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại của thế kỷ 20 với hệ thống địa đạo độc đáo, một kỳ tích quân sự mang tầm vóc thế giới. Từ lòng đất thấm đẫm máu xương, quân và dân ta đã viết nên bản anh hùng ca bất diệt, góp phần làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, thu non sông về một mối, Bắc Nam sum họp một nhà.

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025):

Củ Chi đất thép thành đồng

Củ Chi, mảnh đất kiên cường nằm ở phía Tây Bắc TP Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại của thế kỷ 20 với hệ thống địa đạo độc đáo, một kỳ tích quân sự mang tầm vóc thế giới. Từ lòng đất thấm đẫm máu xương, quân và dân ta đã viết nên bản anh hùng ca bất diệt, góp phần làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, thu non sông về một mối, Bắc Nam sum họp một nhà.

Củ Chi đất thép thành đồng

Du khách tham quan địa đạo Củ Chi. Ảnh: Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi

Một chính khách ở CHLB Đức khi đến tham quan địa đạo Củ Chi đã phải thốt lên rằng: “Đã nhiều năm tôi nghi ngờ về cuộc chiến đấu của Nhân dân Việt Nam. Làm sao một nước nhỏ và nghèo lại có thể đánh thắng một nước lớn và giàu có như nước Mỹ. Nhưng khi tới đây, chui qua 70m đường hầm, tôi đã tự trả lời được câu hỏi đó”. Còn nhiều hơn thế, những thán phục, ngưỡng mộ trước sức mạnh, trí tuệ, tinh thần, ý chí Việt Nam mà Củ Chi là một minh chứng hùng hồn.

Theo các tư liệu lịch sử, vào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1948, quân và dân các xã Tân Phú Trung, Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi đã bắt đầu xây dựng những đoạn địa đạo ngắn với cấu trúc đơn giản, làm nơi cất giấu tài liệu, vũ khí, cơ sở trú ẩn cho cán bộ hoạt động cách mạng trong vùng địch hậu. Từ năm 1961 đến năm 1965, hệ thống địa đạo tiếp tục được hoàn chỉnh đường hầm “xương sống” kéo dài tới 6 xã phía Bắc huyện Củ Chi, rồi lan ra thành hệ thống địa đạo dọc ngang, liên hoàn trên cả một vùng rộng lớn.

Kể cả trong những lần Mỹ - Ngụy trải mưa bom, pháo kích dữ dội, nhưng với khẩu hiệu “một tấc không đi, một ly không rời”, bộ đội, dân quân du kích, cơ quan dân chính đảng cùng với Nhân dân Củ Chi vẫn ngày đêm ra sức vừa chiến đấu, vừa đào địa đạo, chiến hào, công sự, tích cực xây dựng “xã ấp chiến đấu”, “vành đai diệt Mỹ”, hình thành thế trận vững chắc bao vây, tiến công tiêu hao, tiêu diệt kẻ thù. Chỉ bằng phương tiện dụng cụ hết sức thô sơ là lưỡi cuốc, dụng cụ xúc đất đan bằng tre, nhưng với ý chí sắt đá và niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, quân và dân Củ Chi đã tạo nên công trình đồ sộ với 250km đường ngầm dọc ngang trong lòng đất, nối liền các xã ấp với nhau như một “làng ngầm” kỳ diệu. Mà đâu chỉ có đường ngầm cho bộ đội, từ các gia đình ở khu vực “vành đai”, nhà nào cũng đào hầm, hào nối thông vào địa đạo, tạo thế liên hoàn vừa bám trụ sản xuất, vừa đánh giặc giữ làng. Vậy nên, ở nơi này, mỗi người dân đã là một chiến sĩ, mỗi địa đạo là một pháo đài đánh giặc.

Do nằm ngay gần đầu não, thủ đô của chính quyền tay sai quân xâm lược, địa đạo Củ Chi đã sớm trở thành một cái gai mà Mỹ - Ngụy muốn hủy diệt. Trong cả một thời gian dài, bằng những đợt càn quét đẫm máu vô nhân tính, địch liên tục tấn công đánh phá vùng căn cứ và hệ thống địa đạo hết sức khốc kiệt. Như trong cuộc hành quân Cedar Falls được mệnh danh “Bóc vỏ trái đất” từ ngày 8/1/1967, chúng đã huy động 30.000 quân được yểm trợ tối đa xe tăng, thiếp giáp, pháo binh, không quân, đánh phá khốc liệt vào vùng “Tam giác sắt”, hòng tiêu diệt Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, cơ quan lãnh đạo của Khu ủy, tiêu diệt các đơn vị chủ lực của Quân khu, phá hủy vùng căn cứ và hệ thống địa đạo, “xúc” dân đi nơi khác, biến vùng này thành “Khu tự do hủy diệt”. Ngoài phương tiện, máy móc chiến tranh tối tân hiện đại, địch sử dụng đội quân “chuột cống” gồm 600 tên lính công binh được tuyển chọn “nhỏ người” đặc trách phá hủy địa đạo. Trước lúc mở cuộc càn quét, địch dùng “pháo đài bay” B52 và máy bay phản lực dội bom kết hợp với pháo binh đánh phá liên tục cả tháng ròng, nhằm “dọn bãi” cho trực thăng đổ quân và xe tăng, bộ binh tiến công vào vùng căn cứ. Chúng dùng cả bom Napalm đốt cháy hàng trăm ha rừng, vườn tược. Xe ủi sạch các khu rừng, rồi dồn cây lại, tưới xăng đốt cháy.

Trước tội ác của giặc, các lực lượng chiến đấu và Nhân dân đã bám trụ kiên cường, đánh trả quyết liệt, bảo vệ được Bộ Chỉ huy, các đồng chí lãnh đạo Khu ủy và phần lớn vùng căn cứ. Địch đi tới đâu cũng bị đánh tới tấp bằng mọi hình thức, mọi thứ vũ khí. Như kỳ tích tại khu ngã ba Bến Dược, chỉ một đội du kích với 9 chiến sĩ, trong đó có 1 nữ y tá, đã bám vững địa đạo, diệt 107 tên địch và bắn cháy xe tăng của chúng.

Cuộc hành quân Cedar Falls nhanh chóng bị tổn thất nặng nề với 3.500 tên, 130 xe tăng, xe bọc thép, 28 máy bay bị loại khỏi vòng chiến đấu. Trong khi về phía ta, chỉ một số đoạn ngắn địa đạo bị sập, không thấm vào đâu so với 250km đường hầm chằng chịt nhiều tầng, nhiều ngõ ngách liên hoàn với nhau.

Mang danh một đội quân xâm lược nhà nghề, thiện chiến, được hỗ trợ tối đa của phương tiện máy móc tối tân hiện đại, nhưng đã phải thất bại nhục nhã trước súng trường, hầm chông của quân và dân Củ Chi. Mỹ - Ngụy cố gỡ “danh dự”, cho chuyên gia quân sự từ nhiều nước tư bản hiếu chiến trực tiếp đến Củ Chi điều tra, nghiên cứu hệ thống địa đạo. Từ đó, chúng chẳng từ một thủ đoạn đê tiện, bỉ ổi nào, tiếp tục gây tội ác xuống vùng đất này, từ bơm nước làm ngập địa đạo, dùng chó nghiệp vụ, xe cơ giới ủi phá, gieo cỏ Mỹ phá địa hình... cho đến dùng chất độc hóa học. Song, chẳng có sức mạnh nào có thể ngăn được ý chí độc lập, thống nhất đất nước của quân và dân ta.

Trong cả hành trình 21 năm chiến đấu kiên cường, quả cảm nơi lòng đất tối tăm, bộ đội chủ lực, cùng quân và dân Củ Chi đã đánh 4.269 trận lớn nhỏ. Qua đó thu 8.581 súng các loại, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 22.582 tên địch, phá hủy trên 5.168 xe quân sự; bắn rơi và đánh hỏng 256 máy bay, bắn chìm và cháy 22 tàu xuồng chiến đấu...

Để làm nên những chiến công hiển hách ấy, hàng ngàn bộ đội chủ lực, chiến sĩ du kích đã phải chấp nhận mọi sự khắc nghiệt vượt quá sự chịu đựng của con người ở lòng sâu địa đạo đen tối, chật hẹp. Đã có nhiều người ngất xỉu, phải đưa ra cửa hầm để hô hấp nhân tạo mới tỉnh lại. Rồi chuyện giữ bí mật cho địa đạo khi hàng trăm người lên xuống hằng ngày qua miệng hầm cũng đã hết sức khó khăn. Một cọng cỏ bị gãy, bị dính đất, một chiếc lá bị rách khác thường cũng phải được sửa sang lại nếu không muốn bị địch phát hiện, tấn công...

Thế mới biết về trí tuệ, tinh thần sức mạnh Củ Chi. Như cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã khẳng định: “Địa đạo Củ Chi là một biểu tượng của lòng yêu nước và ý chí bất khuất, kiên cường vì độc lập, tự do của Nhân đân ta”. Còn cố Chủ tịch Đảng Cộng sản Cu Ba Phidel Castro đã ghi: “Đây là một công trình của sự sáng tạo phi thường, đã chứng tỏ tài năng, sự táo bạo, lòng kiên trì và chủ nghĩa anh hùng đã làm nên chiến thắng lịch sử của Nhân dân Việt Nam... Thật kiêu hãnh và vinh quang cho những ai thực hiện công trình này!”... Để rồi từ hệ thống địa đạo, bộ đội ta đã xông lên hợp lực với Nhân dân đồng loạt tấn công vào hang ổ kẻ thù tại Sài Gòn trong mùa xuân năm 1968, đánh chiếm hầu hết các mục tiêu trọng yếu của Mỹ - Ngụy như Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Đài Phát thanh, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân Ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất...

Cho tới mùa xuân 1975, các cánh quân lớn của Quân đoàn 3 và nhiều đơn vị chủ lực, địa phương đã tập kết tại đây rồi tiến vào giải phóng thị trấn Củ Chi và sào huyệt cuối cùng của địch tại Sài Gòn, kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Danh hiệu “Củ Chi đất thép thành đồng” được viết lên như thế, bằng tinh thần, ý chí sắt đá, quyết tâm diệt giặc, “một tấc không đi một li không rời”, là ý chí không có gì quý hơn độc lập, tự do... Tất cả tinh thần, ý chí ấy đã góp phần hun đúc nên một sức mạnh Việt Nam anh hùng.

Ngày nay, trên sống lưng địa đạo năm xưa đã là ruộng đồng xanh tươi trù mật, xóm làng sầm uất đông vui. Người dân Củ Chi đang tiếp bước truyền thống đất thép thành đồng, hăng hái xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, là pháo đài bảo vệ vững chắc TP Hồ Chí Minh tươi đẹp...

Đồng Thành

Bài viết có sử dụng tư liệu từ: Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, “Địa đạo Củ Chi trong lòng dân tộc và khách quý năm châu” (Nxb TP Hồ Chí Minh); “Địa đạo Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (Nxb Hồng Đức)...



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]