(Baothanhhoa.vn) - Trong bối cảnh hiện nay, mỗi quy mô cơ sở lưu trú (CSLT) đều có phân khúc khách hàng khác nhau. Tuy nhiên, các CSLT (khách sạn 1-3 sao) trên địa bàn tỉnh đã, đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về nguồn khách, nguồn lực nhân sự, mức độ ứng dụng chuyển đổi số,... trước xu thế phát triển mới.

Cơ sở lưu trú vừa và nhỏ... áp lực lớn

Trong bối cảnh hiện nay, mỗi quy mô cơ sở lưu trú (CSLT) đều có phân khúc khách hàng khác nhau. Tuy nhiên, các CSLT (khách sạn 1-3 sao) trên địa bàn tỉnh đã, đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về nguồn khách, nguồn lực nhân sự, mức độ ứng dụng chuyển đổi số,... trước xu thế phát triển mới.

Cơ sở lưu trú vừa và nhỏ... áp lực lớnDoanh nghiệp các tỉnh, thành phố phía Bắc khảo sát cơ sở vật chất, dịch vụ tại Khách sạn Hoàng Thái (3 sao, TP Sầm Sơn) vào tháng 4-2023.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một trong những lợi thế cạnh tranh của tỉnh Thanh Hóa so với các địa phương trong khu vực đó là hệ thống CSLT lớn, đáp ứng nhu cầu của du khách ở tất cả các phân khúc. Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 1.000 khách sạn, nhà nghỉ, với 45.000 phòng; hơn 350 căn hộ, biệt thự du lịch và 192 homestay. Trong đó có 76 khách sạn hạng 1 sao, 89 khách sạn hạng 2 sao, 39 khách sạn hạng 3 sao, 15 khách sạn hạng 4 sao và 4 khách sạn hạng 5 sao. Tuy nhiên, số lượng CSLT du lịch trên địa bàn tỉnh ở quy mô nhỏ và vừa chiếm phần lớn.

Đứng trước bối cảnh phát triển du lịch trong tình hình mới, yêu cầu trước mắt đặt ra cho hoạt động kinh doanh lưu trú đó là ứng dụng công nghệ thông tin. Nếu như khách sạn hạng 4-5 sao đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, cung cấp dịch vụ, thiết lập hệ sinh thái du lịch thông minh,... thì phần lớn khách sạn nhỏ và vừa lại chưa thực sự chủ động nhập cuộc “sân chơi” công nghệ, tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách. Thậm chí, nhiều CSLT nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh vẫn trông chờ vào đối tác khách hàng truyền thống.

Chủ tịch Câu lạc bộ khách sạn 3-5 sao tại TP Sầm Sơn Nguyễn Văn Thái nhận định: “Thực tế, để đầu tư CSLT phục vụ du lịch cần nguồn vốn rất lớn, thậm chí ở quy mô nhỏ và vừa, trong khi đó khả năng thu hồi vốn chậm. Mặt khác, cần thường xuyên tu sửa, bảo trì, đầu tư trang thiết bị mới để thu hút khách. Do đó, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý, kinh doanh ở các CSLT nhỏ và vừa còn rất hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do sự thiếu hụt nhân lực lẫn tài chính. Trong khi đó, phát triển du lịch trong tình hình mới, khách hàng luôn mong muốn CSLT ứng dụng công nghệ trong công tác quảng bá, đổi mới cách thức đặt phòng, nhận phòng, thanh toán... để tạo ra những tiện ích khi sử dụng dịch vụ”.

Hiểu được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện ích cho khách hàng, song theo ông Nguyễn Văn Thái, không dễ để các khách sạn quy mô nhỏ và vừa đầu tư vào việc này. Nguyên nhân là do đầu tư vào công nghệ khách sạn là sự đầu tư dài hơi, đòi hỏi doanh nghiệp cần có tiềm lực lớn về tài chính, đầu tư thời gian, công sức, từ việc lên ý tưởng đến thực hiện. Trong khi đó, khách sạn nhỏ và vừa tại TP Sầm Sơn nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung vẫn còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ rất lớn.

Cùng với vấn đề chuyển đổi số, một số chủ khách sạn cho biết, ngành dịch vụ du lịch luôn đòi hỏi sự đổi mới. Chưa kể, hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, trong khi lãi suất ngân hàng tăng và ngân hàng siết cho vay... dẫn đến thiếu ngân sách đầu tư sửa chữa, thay mới. Mặt khác, ngoài “bộ khung” nhân sự quản lý, đội ngũ người lao động gần như phải tuyển dụng mới dẫn đến chất lượng có phần hạn chế.

Từng là chủ khách sạn Hải Yến tại Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa), anh Phạm Văn Lâm cho biết: “Chúng tôi hợp đồng thuê lại khách sạn của chủ đầu tư tại Hà Nội, cơ sở với tiêu chuẩn 3 sao. Tuy nhiên, suốt 2 năm dịch bệnh COVID-19, du lịch lúc đóng, lúc mở, lượng khách ít. Khi du lịch mở cửa trở lại, nguồn vốn xoay vòng không có, trong khi xu hướng của khách là dịch vụ chất lượng, tiêu chuẩn cao, giá cả hợp lý... với quy mô khách sạn như chúng tôi rất khó khăn trong tiếp cận nguồn khách từ các đơn vị lữ hành lớn. Mặc dù chủ đầu tư có chia sẻ một phần khó khăn, song với số tiền trả lãi ngân hàng hàng tháng, cộng thêm chi phí nhân sự và việc sửa chữa, bảo trì, đầu tư cơ sở vật chất... chúng tôi quyết định dừng lại để chuyển sang hướng đầu tư khác”.

Cũng theo anh Phạm Văn Lâm, thực tế tại Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, phần lớn các cơ sở lưu trú do chủ đầu tư tại Hà Nội cho thuê lại. Song đứng trước những áp lực về nguồn khách, chi phí duy trì, một số cơ sở đã dừng hợp đồng, trả lại cho chủ đầu tư.

Theo ghi nhận tại khu du lịch biển như Sầm Sơn, từ đầu tháng 5 đến nay, vào dịp cuối tuần các khách sạn từ 3 - 5 sao luôn có công suất sử dụng phòng ổn định từ 80 - 100%, trong khi đó một số CSLT quy mô nhỏ vẫn chật vật với “bài toán” hút khách, công suất chỉ đạt từ 45 - 60%. Mặc dù vẫn có thời điểm một số CSLT 1 - 3 sao đạt công suất 100%, song không mang tính ổn định. Đặc biệt, tại khu du lịch biển trọng điểm của tỉnh, để đảm bảo an toàn về người và tài sản tại các CSLT, việc đảm bảo các điều kiện phòng cháy, chữa cháy được lực lượng chức năng yêu cầu thực hiện nghiêm túc. Theo quy định, đối với CSLT, hệ thống phòng cháy, chữa cháy cần bao gồm các hạng mục như: bể nước ngầm, máy bơm cao áp, máy phát điện, hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động... Trong khi đó, qua kiểm tra của lực lượng chức năng từ đầu năm 2023, phần lớn các CSLT nhỏ và vừa trên địa bàn TP Sầm Sơn chưa đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Trần Đình Sơn cho biết: “Phát triển du lịch trong tình hình mới đã, đang đặt ra một số vấn đề cho CSLT nhỏ và vừa trong quá trình vận hành như: chuyển đổi số; đảm bảo phòng cháy, chữa cháy; nguồn nhân lực... Nắm bắt rõ thực trạng này, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã thường xuyên tổ chức các lớp nghiệp vụ du lịch; đồng hành cùng doanh nghiệp tìm ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả. Trong đó, hỗ trợ và định hướng cho các CSLT nhỏ và vừa tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; đẩy mạnh xây dựng chương trình kích cầu du lịch; tăng cường các hoạt động khảo sát, mở rộng cơ hội kết nối, hợp tác giữa CSLT với doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh”.

Theo một số chuyên gia du lịch, với đặc thù là CSLT nhỏ và vừa, không nhất thiết phải đầu tư những thứ quá xa xỉ, tuy nhiên cần phải đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ khách. Và một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đó là chất lượng nguồn nhân lực. Cần đảm bảo đội ngũ nhân viên lễ tân có thể thực hiện tốt các nghiệp vụ check-in, check-out, giải quyết các yêu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng, chuyên nghiệp. Đối với đội ngũ nhân viên buồng phòng cần được đào tạo bài bản, vệ sinh phòng đúng cách, bởi sạch sẽ là tiêu chí đầu tiên khi khách hàng đánh giá về một khách sạn. Ngoài ra, các CSLT cũng nên mở rộng các kênh tiếp thị trực tuyến, chú trọng quảng bá cũng như sử dụng phần mềm quản lý khách sạn... Những điều này không tốn quá nhiều chi phí cũng như yêu cầu, đòi hỏi cao, tuy nhiên sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt trong quá trình hoạt động.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]