(Baothanhhoa.vn) - Phát huy tiềm năng, thế mạnh về bản sắc văn hóa, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, các huyện miền núi Thanh Hóa đã và đang tạo nên các sản phẩm chủ lực, mang đặc trưng riêng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương phát triển.

Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Phát huy tiềm năng thế mạnh, xây dựng các sản phẩm đặc trưng khu vực miền núi

Phát huy tiềm năng, thế mạnh về bản sắc văn hóa, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, các huyện miền núi Thanh Hóa đã và đang tạo nên các sản phẩm chủ lực, mang đặc trưng riêng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương phát triển.

Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Phát huy tiềm năng thế mạnh, xây dựng các sản phẩm đặc trưng khu vực miền núiHuyện Mường Lát xây dựng thương hiệu giống lúa nếp Cay Nọi. Ảnh: T.L

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Những năm qua, các địa phương khu vực miền núi đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với điều kiện sản xuất, tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển thành sản phẩm chủ lực. Từ đó lựa chọn, khuyến khích các chủ thể xây dựng sản phẩm trở thành sản phẩm OCOP địa phương.

Tại huyện vùng cao biên giới Mường Lát, những năm qua địa phương luôn nhận được sự quan tâm của tỉnh, các cấp, các ngành ưu tiên các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống đồng bào. Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 29/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND huyện Mường Lát ban hành Kế hoạch số 91-KH-UBND ngày 11/5/2023 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện Mường Lát. Hiện nay, huyện Mường Lát tăng cường các giải pháp tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân trên địa bàn huyện. Nâng cao nhận thức tư duy tập quán sản xuất của người dân, tạo sự đồng thuận và huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển KT-XH để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Từ đó góp phần thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân vào sự hỗ trợ của Nhà nước và thúc đẩy ý chí vươn lên thoát nghèo.

Trên cơ sở phân tích điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, huyện Mường Lát đang giữ vững ổn định diện tích lúa nước (khoảng 1.120ha) và diện tích lúa nương (khoảng 1.070ha), để bảo đảm lương thực tại chỗ. Đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu vào sản xuất để tăng sản lượng; lựa chọn một số loại giống lúa, cây trồng đặc sản như: nếp Cay Nọi, nếp Mắc Khẻn, tẻ Mông... phát triển thành sản phẩm OCOP. Huyện Mường Lát cũng rà soát, quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn; rà soát kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung quy mô lớn và các vùng dân cư tập trung, vùng sản xuất chuyên canh các sản phẩm nông nghiệp ưu thế, chủ lực. Đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính của huyện. Chú trọng phát triển chăn nuôi trâu, bò, con nuôi đặc sản, giống bản địa như: gà Mông đen, gà ri, vịt cổ rụt, lợn Mông, lợn mán, lợn lai rừng, lợn cỏ, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.

Nếu như trước đây, cây sắn chỉ được trồng nhỏ lẻ, giá trị thấp thì nay nhờ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và sự đồng thuận của người dân, cây sắn đã và đang hứa hẹn là một trong những loại cây trồng góp phần xóa đói, giảm nghèo nơi vùng biên Mường Lát. Hiện nay, tổng diện tích trồng cây sắn trên địa bàn Mường Lát có gần 3.000ha, tập trung chủ yếu ở các xã Mường Lý, Tam Chung, Trung Lý và rải rác ở các xã trong huyện. Với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng được cho là phù hợp với cây sắn khi sản lượng, năng suất vụ năm 2023 khá cao, góp phần nâng cao đời sống, giúp bà con vươn lên thoát nghèo.

Còn nhớ, tháng 8/2023, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã phối hợp với UBND huyện Mường Lát tổ chức hội nghị công bố và bàn giao kết quả nghiên cứu, xây dựng bản đồ Thổ nhưỡng - Nông hóa huyện Mường Lát. Đây là nguồn tài liệu rất quan trọng để huyện Mường Lát làm cơ sở khoa học, thực tiễn nhằm chỉ đạo công tác xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, KT-XH của huyện, góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo. Huyện Mường Lát phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn NTM. Tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2025 đạt 13.000 tấn trở lên. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2025 đạt 25 triệu đồng/người/năm trở lên (tăng 1,2 lần so với năm 2020). Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2030 đạt 80%...

Tại huyện miền núi Như Xuân, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, những năm qua huyện đã tập trung phát triển, xây dựng các sản phẩm cây trồng, vật nuôi chủ lực như trồng cam, bưởi, chè, chăn nuôi trâu, bò... Trong đó, cây chè cũng là loại cây trồng truyền thống, gắn bó với người nông dân, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân. Để tạo động lực cho nghề sản xuất, chế biến chè phát triển, huyện Như Xuân đã thực hiện các giải pháp phát triển vùng nguyên liệu chè quy mô lớn gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cây chè được trồng nhiều tại các xã Cát Tân, Hóa Quỳ, Bình Lương... Huyện Như Xuân đã phê duyệt dự án “Phát triển vùng chè nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu trên địa bàn huyện Như Xuân giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”. Hiện nay, toàn huyện Như Xuân phát triển được hơn 150ha chè.

Phát triển các sản phẩm lợi thế khu vực miền núi

Ngày 24/11/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4079/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025”. Đề án nhằm hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với từng vùng, miền theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thông qua việc phát huy lợi thế của miền núi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hộ dân, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của người dân miền núi so với miền xuôi.

Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Phát huy tiềm năng thế mạnh, xây dựng các sản phẩm đặc trưng khu vực miền núiNgười dân xã Cổ Lũng (Bá Thước) phát triển chăn nuôi giống vịt đặc sản địa phương. Ảnh: H.Đ

Mục tiêu đến năm 2025, khai thác tiềm năng lợi thế của khu vực miền núi, phát huy được 33 mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm lợi thế để xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với từng vùng, miền. Tạo sinh kế, việc làm cho khoảng 3.500 hộ khu vực miền núi của tỉnh (hộ làm chủ mô hình và lao động thuộc hộ nghèo làm công thường xuyên từ các mô hình).

Cây trồng được xác định lợi thế ở khu vực miền núi là: nếp Cay Nọi, bí phấn, trồng đào ở huyện Mường Lát; trồng lúa nếp hạt cau ở các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy; trồng rau ôn đới ở các huyện Bá Thước, Thường Xuân; trồng trám xen hương bài dưới tán rừng gắn với chế biến hương, trồng chè sạch theo hướng hữu cơ ở huyện Như Xuân; trồng mía Kim Tân, dứa ở huyện Thạch Thành. Đối với vật nuôi chủ lực như nuôi vịt, gà, lợn bản địa được nuôi ở 11 huyện miền núi; nuôi dúi ở các huyện Lang Chánh, Bá Thước, Như Thanh, Như Xuân; nuôi cá tầm ở Quan Sơn. Trồng các loài dược liệu quý ở các huyện Bá Thước, Lang Chánh, Cẩm Thủy...

Để triển khai thực hiện hiệu quả đề án, các địa phương và tỉnh đã và đang thực hiện các giải pháp quan trọng như tăng cường công tác phục tráng, bảo tồn và phát triển một số giống cây trồng, vật nuôi bản địa truyền thống và cây trồng, vật nuôi có lợi thế phát triển trên địa bàn các huyện miền núi. Tập trung triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 10/1/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến 2030. Ứng dụng khoa học công nghệ trong các khâu sản xuất từ khâu giống, vật tư, phân bón, hạ tầng, chuồng trại, biện pháp kỹ thuật trong sản xuất. Xây dựng một số cơ sở sơ chế, chế biến tại chỗ, xây dựng thương hiệu, xuất xứ hàng hóa, sở hữu trí tuệ và chính sách bảo hộ sở hữu thương hiệu; xây dựng hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; đăng ký sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh quảng bá, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm... Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tham gia phối hợp, đầu tư trong triển khai thực hiện, tiêu thụ sản phẩm, nâng giá trị cây trồng, vật nuôi. Các địa phương miền núi tập trung chỉ đạo từng bước nâng cao số lượng, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Ngoài sự chủ động của các địa phương, Trung ương, tỉnh cũng tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn cho các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng, phát triển các sản phẩm chủ lực địa phương. Tích hợp nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình 1719). UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 4/7/2023 về triển khai nội dung số 03 thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3: Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN thuộc Chương trình 1719 nhằm góp phần nâng cao kỹ năng, nhận thức cho đồng bào DTTS&MN về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng sáng tạo của mỗi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp dựa trên tiềm năng, thế mạnh, nguồn tài nguyên sẵn có trên địa bàn khu vực miền núi, từ đó thu hút đầu tư vào khu vực miền núi.

Cùng với Đề án “Phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025” và triển khai thực hiện Chương trình 1719 trong vùng đồng bào DTTS&MN là điều kiện thuận lợi, bước tạo đà quan trọng để cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân triển khai thực hiện chương trình phát triển KT-XH địa phương, ổn định đời sống đồng bào, góp phần vào sự phát triển chung của quê hương Thanh Hóa.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]