(Baothanhhoa.vn) - Nhằm bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, ngay từ đầu năm các địa phương trong tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai công tác chuẩn bị sẵn sàng phòng, chống, ứng phó với các loại hình thiên tai với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”.

Chủ động phương án phòng, chống thiên tai

Nhằm bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, ngay từ đầu năm các địa phương trong tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai công tác chuẩn bị sẵn sàng phòng, chống, ứng phó với các loại hình thiên tai với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”.

Chủ động phương án phòng, chống thiên tai

Các lực lượng chuẩn bị vật tư tại một số điểm xung yếu trên địa bàn xã Quảng Nham (Quảng Xương) sẵn sàng ứng phó khi có mưa lũ xảy ra.

Là huyện miền núi, Như Thanh thường xuyên chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, nắng nóng... Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm 2025 huyện đã tổ chức thống kê, rà soát các hộ dân đang sinh sống ở vùng có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai. Từ đó xây dựng phương án di dời 189 hộ/873 nhân khẩu sinh sống trong vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; 213 hộ/857 nhân khẩu vùng trũng thấp khi có mưa lớn nguy cơ ngập lụt; sơ tán 1.460 hộ/5.651 nhân khẩu để ứng phó với bão mạnh; sơ tán 1.950 hộ/7.144 nhân khẩu ứng phó với siêu bão... Cùng với đó, huyện thành lập các tổ công tác đi kiểm tra đánh giá công trình nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa lũ ở 12 hồ chứa, 7 tuyến kênh mương, 2 trạm bơm tại 6 xã; kiểm tra công tác chuẩn bị vật tư và điều kiện phục vụ công tác phòng, chống thiên tai năm 2025 tại các xã, thị trấn trên địa bàn.

Chủ tịch UBND huyện Như Thanh Đặng Tiến Dũng cho biết: Để chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai, ngay từ đầu năm huyện đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các cấp. Ban hành kế hoạch giao chuẩn bị vật tư cho các xã, thị trấn và chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với các kịch bản có thể xảy ra, nhất là chú trọng đến phương án ứng phó với loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra tại địa phương. Trong đó, tăng cường đảm bảo an toàn công trình thủy lợi; nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; rà soát, bổ sung hoàn thiện các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, hậu cần với mức cao nhất... Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn, đặc biệt là ở những khu vực nguy cơ cao có khả năng xảy ra thiên tai để Nhân dân hiểu và thực hiện.

Trước diễn biến của thời tiết, các ngành, địa phương đã rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án huy động 186.583 người (chủ yếu là lực lượng quân sự, công an, dân quân tự vệ) tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đến nay, tại 547/547 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập, củng cố, kiện toàn đội xung kích phòng, chống thiên tai với 50.001 người tham gia. Trong công tác chuẩn bị vật tư dự trữ, toàn tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng, gồm: 44.487m3 đá hộc; 13.406m3 đá dăm, sỏi; 9.354m3 cát; 80.033m3 đất; 29.926 rọ thép; 1.016.766 bao tải; 197.727m2 bạt, 199.428 cọc tre và nhiều loại vật tư khác. Các vật tư hiện đang được tập kết tại các vị trí xung yếu hoặc các kho, bãi chuyên dùng để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Chủ động phương án phòng, chống thiên tai

Đoàn công tác của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh kiểm tra công tác khắc phục sạt lở tại xã Trung Thành (Quan Hóa).

Qua rà soát, toàn tỉnh cũng đã xác định được 42 trọng điểm xung yếu về đê điều, gồm 1 trọng điểm cấp tỉnh (đê, kè Hàm Rồng đoạn từ K39+350 - K39+680 đê hữu Sông Mã, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) và 41 trọng điểm cấp huyện; 57 hồ chứa không bảo đảm an toàn. Các trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu đều đã được lập, phê duyệt phương án bảo vệ theo quy định và giao cho các địa phương, đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ điều kiện theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng triển khai khi có yêu cầu. Các ngành, địa phương cũng đã rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án huy động phương tiện, trang thiết bị để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đến nay, toàn tỉnh đã chuẩn bị được 795 nhà bạt cứu sinh; 25.449 áo phao cứu sinh; 15.892 phao tròn cứu sinh; 734 máy phát điện; 14.308 áo mưa chuyên dùng; 93.689m dây thừng; 410 phao bè; 14.007 bộ áo mưa chuyên dùng và các trang thiết bị khác để sẵn sàng ứng cứu, xử lý các tình huống khi có bão, lũ xảy ra.

Trên địa bàn tỉnh cũng đã rà soát và xác định có 94.965 hộ/374.521 nhân khẩu đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm cần phải sơ tán khi có thiên tai xảy ra. Từ đó làm cơ sở để các địa phương chủ động xây dựng phương án ứng phó, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân khi có tình huống thiên tai xảy ra. Ngoài ra, các địa phương đã xây dựng phương án bảo đảm hậu cần, bảo đảm y tế và xử lý môi trường sau thiên tai; thành lập các tổ cấp cứu, đội phẫu thuật, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế sẵn sàng cho công tác sơ cấp cứu, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong và sau thiên tai. Cùng với đó, các địa phương đã dự trữ 1.361 tấn gạo tẻ; 170.651 thùng mỳ tôm; 454.187 chai nước uống đóng chai; 879 tấn muối i-ốt; 830.046 lít dầu Diezel; 844.662 lít xăng; 372.750 lít dầu hỏa; 1.468 tấn phèn chua; 221.467 viên và 25.201kg Cloramin B; 3.852 tấn vôi bột...

Với tinh thần chủ động, các ngành, địa phương đang tích cực vào cuộc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025 đảm bảo hiệu quả, góp phần giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tài sản và tính mạng người dân.

Bài và ảnh: Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]