Chủ động phòng chống dịch bệnh mùa hè
Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, côn trùng phát triển, nguy cơ gia tăng, bùng phát các dịch bệnh như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy do vi-rút Rota, lỵ, thương hàn, viêm não do vi-rút, viêm não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản, bạch hầu, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. Để chủ động phòng, chống các bệnh dịch truyền nhiễm bùng phát trong mùa hè, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt.
Gia tăng trẻ mắc bệnh truyền nhiễm nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.
Tại huyện Như Xuân, để chủ động phòng chống các loại dịch bệnh mùa hè, Trung tâm Y tế huyện đã tham mưu UBND huyện triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, theo đó UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan liên quan giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh để có biện pháp dự phòng tích cực, không để dịch bùng phát trong cộng đồng; tổ chức giám sát, theo dõi sự biến động của véc tơ vi-rút truyền bệnh tại các địa phương có nguy cơ cao để có kế hoạch phòng chống dịch kịp thời. Riêng đối với bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay, chân, miệng UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện phối hợp các địa phương, nhất là những địa phương có ổ dịch trước đây phải thường xuyên giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức phun hóa chất phòng, chống dịch chủ động tại các địa phương và tại các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Như Xuân Ngô Thế Hà cho biết: Trung tâm Y tế huyện đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, bao gồm: chỉ đạo, theo dõi việc giám sát dịch bệnh trên địa bàn toàn huyện, tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cách phát hiện các loại dịch bệnh mùa hè và các biện pháp dự phòng tại cộng đồng; vận động Nhân dân hàng tuần tổng vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, khơi thông cống rãnh, thu dọn các dụng cụ phế thải, thả cá vào các bể chứa nước, phát quang bụi rậm quanh nhà; chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất và trang thiết bị cần thiết phục vụ khi có dịch xảy ra.
Tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, từ trung tuần tháng 4 đến nay, lượng bệnh nhi đến khám và điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa tăng khoảng 30% so với các tháng trước. Cả 3 khoa chủ lực điều trị các bệnh lý đường hô hấp của Bệnh viện Nhi Thanh Hóa gồm: Hô hấp, Nội Tổng hợp và Nội Dị ứng đều đang trong tình trạng quá tải bệnh nhân. Đáng lo ngại, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, biến chứng. Các bác sĩ cho biết, thời tiết nắng nóng, oi bức của mùa hè cũng dễ làm phát sinh nhiều bệnh liên quan đến đường tiêu hóa ở trẻ; đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi trong thức ăn nếu không được bảo quản tốt. Ngoài ra, thói quen bốc đồ ăn bằng tay, ngậm tay, ngậm đồ chơi của trẻ là những nguyên nhân khiến trẻ mắc những bệnh lý rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp hoặc nhiễm khuẩn đường ruột.
Các bác sĩ khuyến cáo, mùa hè mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm nhưng đối tượng dễ mắc nhất là trẻ em. Những ca bệnh tiêu chảy phải nhập viện điều trị trẻ em chiếm tỷ lệ 70%. Ngoài ra các loại bệnh như tay chân miệng, thủy đậu cũng thường xuất hiện ở trẻ em nhiều hơn người lớn... Nguyên nhân là do cơ thể trẻ đang lớn, hệ thống miễn dịch đang từng bước hình thành, chưa thành ý thức để tự giác phòng bệnh, khi mắc bệnh dễ lây cho các bạn cùng lớp. Đối với bệnh lây qua đường máu như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản cần biện pháp chung của cộng đồng là vệ sinh môi trường, dọn dẹp phế thải, loại trừ các ổ bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi, thực hiện nằm màn. Các gia đình, phụ huynh lưu ý thời tiết nắng nóng nên phòng, chống nắng và đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho các con. Khi con có bệnh lý về đường tiêu hóa, việc đầu tiên, phụ huynh cho trẻ uống nước điện giải để dự phòng mất nước, theo dõi nhiệt độ cho bé uống hạ sốt để dự phòng tình trạng sốt cao, co giật.
Với chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ về phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm; bệnh không lây nhiễm; phòng, chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe; quản lý sức khỏe cộng đồng; khám phát hiện, điều trị dự phòng và các dịch vụ y tế khác phù hợp với lĩnh vực chuyên môn trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật, ngay từ đầu năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và kịp thời thông báo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp chủ động ứng phó, không để các dịch bệnh bùng phát, hạn chế tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh dịch. Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm triển khai thực hiện giám sát trọng điểm, giám sát dựa vào sự kiện, giám sát định kỳ nhằm phát hiện kịp thời các ca bệnh đầu tiên, triển khai các biện pháp đáp ứng không để dịch bệnh lây lan, bùng phát ra cộng đồng; thường xuyên đánh giá nguy cơ, nhận định tình hình dịch bệnh; tăng cường sự điều phối, chia sẻ thông tin và huy động các nguồn lực trong công tác giám sát, đáp ứng với các tình huống dịch bệnh.
Theo báo cáo của Sở Y tế, đến thời điểm này tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định và không có yếu tố dịch tễ gây dịch hay ổ dịch. Cụ thể, đến 28/4, toàn tỉnh có 45 ca mắc, nghi mắc sốt xuất huyết, 15 ca sốt phát ban nghi sởi, 65 ca tay chân miệng, 1 ca mắc và tử vong do dại (xã Vạn Xuân, Thường Xuân), 8 ca ho gà...
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra vào mùa hè, ngoài sự vào cuộc của ngành y tế, mỗi người dân cần tích cực tham gia bằng những hành động, việc làm thiết thực, nhất là thực hiện tiêm chủng cho con em, bản thân đối với những bệnh có thể phòng được bằng vắc-xin tiêm chủng và thực hiện tốt những khuyến cáo của ngành y tế, trong đó chú ý vệ sinh cá nhân và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; tổ chức khơi thông cống, rãnh, phát quang bụi rậm, diệt bọ gậy và vệ sinh môi trường chung quanh nơi sinh sống. Khi bản thân và người thân trong gia đình nghi bị bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế nơi gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời...
Bài và ảnh: Hà Thu
{name} - {time}
-
2024-12-15 10:01:00
Hàn Quốc phát hiện trường hợp cúm gia cầm độc lực cao
-
2024-12-15 07:10:00
Các biện pháp phòng bệnh dại theo khuyến cáo của Bộ Y tế
-
2024-05-09 10:07:00
Quảng Xương: Điểm sáng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân
Bộ Y tế đã nhận được đề nghị chấm dứt phê duyệt vaccine COVID-19 AstraZeneca
AstraZeneca thu hồi vaccine: Việt Nam đã tiêm mũi cuối trước tháng 7/2023
Mỗi năm Việt Nam cần hàng nghìn tỷ đồng điều trị bệnh Thalassemia
Bảo đảm quyền lợi người có thẻ BHYT
Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế 8/5
Khảo sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2023
Phát hiện mới mang lại triển vọng phát triển phương pháp trị bệnh Alzheimer
Việt Nam có Trung tâm y học thể thao đạt chứng nhận xuất sắc chuẩn châu Á
Giảm tiểu đêm, đau lưng do suy thận nhờ dùng Ích Thận Vương Platinum chỉ sau 2 tháng