(Baothanhhoa.vn) - Hàng năm, vào thời điểm mùa hè thời tiết nóng ẩm là điều kiện để dịch bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nhất là người cao tuổi và trẻ nhỏ. Ghi nhận tại nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh, số lượng bệnh nhân là người cao tuổi nhập viện trong 1 tuần trở lại đây tăng từ 20 - 40% so với các tuần trước đó.

Chủ động bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh mùa nắng nóng

Hàng năm, vào thời điểm mùa hè thời tiết nóng ẩm là điều kiện để dịch bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nhất là người cao tuổi và trẻ nhỏ. Ghi nhận tại nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh, số lượng bệnh nhân là người cao tuổi nhập viện trong 1 tuần trở lại đây tăng từ 20 - 40% so với các tuần trước đó.

Chủ động bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh mùa nắng nóngTiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ tại Trạm Y tế xã Lương Sơn (Thường Xuân).

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, bệnh nhân là người cao tuổi đến khám và điều trị tăng khoảng 40%, với các bệnh lý chủ yếu gồm: bệnh về hô hấp, tai mũi họng, tim mạch. Đặc biệt, số ca bệnh tăng huyết áp mất kiểm soát, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, phổi tắc nghẽn mạn tính, rối loạn nước và điện giải nguy hiểm đến tính mạng phải nhập viện tăng rõ rệt. Bên cạnh đó, các ca bệnh cấp tính như đột quỵ cũng gia tăng.

Ông Lê Văn Hải (70 tuổi ở huyện Quảng Xương) bị rất nhiều bệnh nền như viêm phổi, hen, viêm phế quản, đau xương khớp. Vào những ngày nắng nóng vừa qua, ông thấy xuất hiện những cơn đau tức, khó thở nên các con đưa vào nhập viện điều trị.

Ông Hải cho hay, tuổi cao, sức yếu, cộng với sự khắc nghiệt của thời tiết đã ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của bản thân. Trước đó ông đã trải qua hai lần đột quỵ, kèm theo bệnh nền, nhờ người nhà cho nhập viện điều trị kịp thời nên hiện sức khỏe đang dần ổn định.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Hằng Hoa, Phó trưởng khoa Lão khoa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời tiết nắng nóng, oi bức những ngày qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sức khỏe của Nhân dân, đặc biệt là nhóm người cao tuổi có bệnh lý nền. Đáng lo ngại, tỷ lệ bệnh nhân nặng, phải điều trị kéo dài, bệnh nhân tái nhiễm khá cao, bởi người cao tuổi đặc biệt là người có bệnh nền, hệ miễn dịch đã suy giảm, mùa hè nắng nóng mất nước cùng với nhiều tác động nên rất dễ sinh bệnh. Nếu không có chế độ ăn uống, sinh hoạt, uống thuốc khoa học, điều độ rất dễ mất kiểm soát về sức khỏe.

Không riêng người cao tuổi, trong thời điểm này tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa và các bệnh viện tuyến huyện cũng thường xuyên tiếp nhận các trẻ nhập viện với các bệnh lý truyền nhiễm như tay chân miệng, thủy đậu, viêm da, sốt phát ban, sốt vi-rút, các bệnh lý về đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản, bệnh về đường tiêu hóa, tiêu chảy, ngộ độc thức ăn...

Để kiểm soát tốt dịch bệnh mùa hè trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh mùa hè; tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo việc thực hiện các hoạt động phòng chống dịch bệnh mùa hè, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm như: ho gà, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, viêm não Nhật Bản, dại... Đồng thời hướng dẫn trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác phòng chống dịch bệnh; thường xuyên cập nhật các quy định, quy trình về giám sát, xử lý các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát để triển khai tập huấn/tập huấn lại cho cán bộ, nhân viên y tế các tuyến. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương có nguy cơ cao; tăng cường hoạt động giám sát thường quy, giám sát dựa vào sự kiện tại các cơ sở điều trị và tại cộng đồng, đảm bảo tất cả các trường hợp mắc/nghi mắc bệnh truyền nhiễm đều được điều tra, giám sát đúng quy định, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng: Tiến hành giám sát các trường hợp nghi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt phát hiện sớm các ca bệnh nội địa, khoanh vùng xử lý không để dịch lây lan trong cộng đồng; chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố tiếp tục giám sát chặt chẽ ca bệnh, ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát. Thông báo và triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết cho xã nguy cơ trên địa bàn. Ngoài ra, trung tâm cũng chuẩn bị sẵn cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ cho công tác phòng chống dịch; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội đáp ứng nhanh, sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế dịch bệnh khi cần thiết.

Kết quả giám sát bệnh truyền nhiễm, tính đến hết tuần 22/2024, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận 80 ca mắc COVID-19; 50 ca mắc, nghi mắc sốt xuất huyết (cùng kỳ 32 ca); 17 ca nghi mắc sởi; 1 ca mắc và tử vong do dại tại xã Vạn Xuân (Thường Xuân); 102 ca tay chân miệng; 12 ca nghi viêm não do vi-rút...

Mùa hè năm nay dự báo nền nhiệt độ rất cao, nhiều đợt nắng nóng kéo dài. Để hạn chế tác động tiêu cực của thời tiết, người dân cần có chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý, hợp vệ sinh, bảo đảm dinh dưỡng, người lớn uống tối thiểu từ 1,5 - 2 lít nước/ngày, trẻ em uống khi trẻ khát; ăn nhiều rau - củ - quả để bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Đối với trẻ em, phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm phòng các loại vắc-xin đúng lịch, đủ liều theo khuyến cáo của chương trình tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó, cân nhắc cho trẻ sử dụng một số loại vắc-xin trong tiêm chủng dịch vụ như: Vắc-xin phòng tiêu chảy do Rota virus, phế cầu, viêm màng não do não mô cầu, cúm, thủy đậu... Đối với các đối tượng là trẻ lớn hoặc người lớn cũng cần tiêm một số loại vắc-xin: Nhắc lại vắc-xin phòng viêm màng não mủ do Hib, bạch hầu - ho gà - uốn ván, viêm não Nhật Bản cho trẻ lớn. Đồng thời tiêm phòng vắc-xin thủy đậu, cúm, phế cầu, viêm màng não do não mô cầu cho các đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt là phụ nữ chuẩn bị mang thai, người cao tuổi, người có bệnh lý nền... Thực hiện vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối. Thực hiện các biện pháp an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường... Khi có dấu hiệu bị bệnh cần tới ngay cơ sở y tế để được khám và xử trí kịp thời, tránh trường hợp tự ý sử dụng thuốc tại nhà gây nguy hiểm đến sức khỏe và khó khăn trong điều trị.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]