Chợ truyền thống “thay áo mới” sau chuyển đổi
Với 16 chợ truyền thống đang hoạt động, huyện Hậu Lộc đã chuyển đổi được một số chợ từ mô hình ban quản lý chợ sang doanh nghiệp quản lý, kinh doanh, khai thác. Các chợ sau chuyển đổi như được khoác trên mình “chiếc áo mới”. Ngoài hạ tầng thương mại được đầu tư, chỉnh trang sạch đẹp, các chợ còn phát huy hiệu quả hoạt động buôn bán và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Kinh doanh hàng quần áo tại chợ Chiều, thị trấn Hậu Lộc (Hậu Lộc).
Khi chưa giao cho doanh nghiệp quản lý, các lều bạt trong chợ Chiều, thị trấn Hậu Lộc được lợp bằng tranh tre, mái lá, mọi hoạt động mua, bán đều diễn ra trên nền đất. Vào mùa mưa, nền đất nhão nhoẹt, nước ứ đọng, sình lầy... khiến cho các hoạt động mua bán diễn ra khó khăn, vệ sinh môi trường không được đảm bảo. Bên cạnh đó, các mặt hàng được bày bán tại chợ rất nghèo nàn và bố trí, sắp xếp chưa khoa học. Đặc biệt, hàng thực phẩm không được kiểm định, tiểu thương không được khám sức khỏe định kỳ và không được tập huấn VSATTP... Vì vậy, hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa tại chợ Chiều trước đó chưa tương xứng là trung tâm thương mại của thị trấn và huyện Hậu Lộc.
Năm 2017, chợ Chiều được chuyển đổi từ mô hình ban quản lý chợ (trực thuộc UBND các cấp) sang doanh nghiệp quản lý, kinh doanh, khai thác. Sau khi được chuyển đổi, Công ty CP Đầu tư xây dựng Thanh Hóa (TP Thanh Hóa) là đơn vị quản lý, khai thác. Công ty đã đầu tư 50 tỷ đồng để xây dựng chợ mới với các hạng mục vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa giúp các hộ kinh doanh thuận lợi hơn, đồng thời đảm bảo các tiêu chí chợ hạng 3 nông thôn.
Ông Hoàng Quốc Toản, đại diện doanh nghiệp quản lý chợ Chiều, cho biết: Được chính quyền các cấp tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê đất 50 năm và được mở rộng diện tích chợ từ 3.000m2 lên 10.400m2 đã giúp doanh nghiệp yên tâm huy động vốn đầu tư, xây dựng các hạng mục chợ gồm 2 phần: chợ dân sinh và khu dịch vụ thương mại. Chợ dân sinh có diện tích 7.400m2, được xây dựng 1 nhà dùng cho các tiểu thương họp chợ có mái che với kiến trúc hiện đại, không gian thoáng đãng, được chia làm 2 khu: Khu có bao che, dùng kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng là sản phẩm sản xuất công nghiệp và khu không xây tường, dùng kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm, rau, củ, quả tươi sống. Cả 2 khu có gần 200 điểm kinh doanh. Các hạng mục trong chợ dân sinh đã được đầu tư đồng bộ gồm hệ thống báo cháy và chữa cháy, khu xử lý nước thải, khu thu gom rác thải, hồ điều hòa... Phần thương mại có diện tích 3.000m2 được xây dựng gồm tổ hợp nhà 3 tầng, có quy mô kiến trúc đẹp và hiện đại. Phía trong được bố trí làm 21 ki-ốt 3 tầng có chức năng riêng biệt, tiện ích. Diện tích xây dựng mỗi ki-ốt từ 150 - 200m2, đáp ứng được nhu cầu của các hộ kinh doanh lớn. Một showroom 3 tầng diện tích 1.100m2 nằm giữa trung tâm thương mại có kiến trúc hiện đại, có thể tổ chức sự kiện hoặc kinh doanh dạng siêu thị mini... Nhìn chung, các hạng mục trong chợ được đầu tư, xây dựng đảm bảo theo tiêu chí chợ hạng 3.
Hiện chợ Chiều có hàng trăm tiểu thương đang kinh doanh các mặt hàng quần áo, giày dép, rau, củ, quả, hải sản tươi sống... Mặc dù, kinh doanh hàng thủy, hải sản là chủ yếu nhưng chợ luôn sạch sẽ, không có mùi hôi và không có nước thải đọng trên mặt chợ. Người kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống tại chợ được công ty tổ chức cho thăm khám sức khỏe định kỳ hàng năm... Nhờ đó, chợ Chiều được công nhận chợ VSATTP từ năm 2018.
Chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ là xu thế phát triển tất yếu. Để thực hiện hiệu quả chủ trương này, huyện Hậu Lộc đã tập trung chỉ đạo các địa phương có chợ nằm trong lộ trình chuyển đổi đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý chợ đến các hộ kinh doanh. Đồng thời, công khai minh bạch phương án hoạt động chợ sau chuyển đổi. Mặt khác, xem xét giải quyết các kiến nghị, đề xuất của tiểu thương, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư... thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài huyện tham gia đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng chợ... Đến thời điểm này, Hậu Lộc đã có 5/16 chợ thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ.
Ông Nguyễn Nhất Vũ, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hậu Lộc, cho biết: Ngoài cơ sở hạ tầng được đầu tư đầy đủ, đảm bảo tiêu chí chợ hạng 3, các chợ sau chuyển đổi đều nâng cao hiệu quả quản lý khai thác, thu hút nhiều hộ vào chợ kinh doanh, mua bán. Đặc biệt, chuyển đổi mô hình chợ, ngân sách Nhà nước không phải đầu tư, song đã góp phần hoàn thành tiêu chí hạ tầng thương mại nông thôn trong XDNTM của các xã trên địa bàn huyện.
Bài và ảnh: Minh Lý
{name} - {time}
-
2024-12-15 16:15:00
Hoằng Phượng đón nhận Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
-
2024-12-15 13:23:00
Quả ngọt trên cát bỏng
-
2024-09-13 15:57:00
Hiệu quả những mô hình kinh tế từ nguồn vốn vay ưu đãi
Nguồn vốn vay TCVM “nâng đỡ” kinh tế hộ thu nhập thấp
Quyết tâm trở thành trung tâm thương mại mua sắm lớn cấp vùng
“Sống mòn” vì dự án kéo dài
Bản tin Tài chính ngày 13/9: Kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất, vàng bất ngờ tăng mạnh
Giá xăng giảm hơn 1.000 đồng, mặt hàng RON95-III chỉ còn 19.635 đồng/lít
Hiệu quả nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn
Giảm lệ phí trước bạ với ô tô, rơ moóc sản xuất trong nước từ 1/9 đến hết 30/11/2024
Thọ Xuân phát triển thương mại, dịch vụ
Bản tin Tài chính 12/9: Vàng tiếp đà tăng giá, đồng USD biến động trái chiều