Chính phủ sẽ họp hằng tuần đến khi chính quyền địa phương 2 cấp vận hành thông suốt, trơn tru, toàn diện
Nhấn mạnh ý Đảng, lòng dân đã gặp nhau khi chuyển từ trạng thái chính quyền hành chính thụ động, nặng về quản lý sang trạng thái chủ động, tích cực phục vụ nhân dân và kiến tạo phát triển, những kết quả vừa đạt được là cơ bản, chiến lược, lâu dài, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và cho biết Chính phủ sẽ họp hằng tuần đến khi chính quyền địa phương 2 cấp vận hành thông suốt, trơn tru, toàn diện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và cho biết Chính phủ sẽ họp hằng tuần đến khi chính quyền địa phương 2 cấp vận hành thông suốt, trơn tru, toàn diện - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chiều 28/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đánh giá kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các bộ, ngành và sơ kết 1 tháng vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.
Dự hội nghị có: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Bùi Thanh Sơn, Nguyễn Chí Dũng, Mai Văn Chính; các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Theo Thủ tướng, chủ trương lớn, quan trọng này của Đảng hợp lòng dân, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước hiện nay nên được nhân dân đồng tình, bạn bè quốc tế ủng hộ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Với tinh thần hết sức khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và đóng góp nhiều ý kiến rất tâm huyết, sâu sắc, tập trung đánh giá tình hình, tiến độ, kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính và vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025; đặc biệt là nhận diện khó khăn, vướng mắc và với tinh thần khó khăn, vướng đến đâu, tháo gỡ ngay đến đó, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp để hệ thống hành chính hoạt động thông suốt, liên tục, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Thủ tướng khái quát, nhìn chung, ý Đảng, lòng dân gặp nhau khi chuyển từ trạng thái chính quyền hành chính thụ động, nặng về quản lý sang trạng thái chủ động - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản thống nhất và đánh giá cao các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện thông báo kết luận cuộc họp với tinh thần “6 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền.
Cho biết vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp hằng tuần, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính và vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng nêu rõ sắp tới, Chính phủ sẽ họp hằng tuần về nội dung này, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền cho đến khi tổ chức bộ máy mới vận hành trơn tru, thông suốt, toàn diện.
Thủ tướng nhấn mạnh, những việc đã làm tốt thì tiếp tục làm tốt hơn, những việc chưa làm được thì nỗ lực hơn, các vướng mắc cần tháo gỡ, những việc mới phát sinh thì cần giải pháp phù hợp, giải quyết ngay.
Các Phó Thủ tướng và đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Kết quả đạt được là cơ bản, chiến lược, lâu dài
Về những kết quả đã đạt được sau 1 tháng triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng khái quát, nhìn chung, ý Đảng, lòng dân gặp nhau khi chuyển từ trạng thái chính quyền hành chính thụ động, nặng về quản lý sang trạng thái chủ động, tích cực phục vụ nhân dân và kiến tạo phát triển, đồng thời, giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Thủ tướng, chủ trương lớn, quan trọng này của Đảng hợp lòng dân, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước hiện nay nên được nhân dân đồng tình, bạn bè quốc tế ủng hộ.
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nêu rõ 5 kết quả nổi bật
Thứ nhất, bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp bước đầu vận hành ổn định, thông suốt. Hầu hết các địa phương đã hoàn tất việc sắp xếp tổ chức chính quyền, đảm bảo duy trì hoạt động hành chính không gián đoạn. Chính quyền các tỉnh mới hợp nhất và các xã mới thành lập nhanh chóng đi vào hoạt động, không để khoảng trống quản lý và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Thủ tướng nêu rõ 5 kết quả nổi bật - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đến nay, tại 32/34 địa phương đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, 32/34 địa phương thành lập 3.127 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã; Hà Nội và Quảng Ninh vận hành theo mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp và tổ chức các chi nhánh hoặc điểm phục vụ hành chính công.
Thứ hai, các dịch vụ hành chính công được duy trì liên tục, không để xảy ra gián đoạn trong quá trình chuyển đổi.
Cổng Dịch vụ công quốc gia đã nâng cấp, kết nối thông suốt với 34/34 Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cấp tỉnh và đóng giao diện Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh từ ngày 1/7/2025. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã đáp ứng yêu cầu 120.000 người dùng đồng thời (CCU). Từ ngày 1/7/2025 đến nay, hệ thống ghi nhận số lượng người dùng cao nhất đạt khoảng 50.000 người dùng đồng thời (41,6% công suất).
Thứ ba, công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong và sau quá trình sắp xếp đơn vị hành chính được giữ vững. Dù phạm vi địa giới của nhiều đơn vị hành chính thay đổi lớn, song tình hình địa phương vẫn ổn định, người dân đồng thuận cao.
Thứ tư, sự chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương có sự thông suốt, đồng bộ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đã vào cuộc đồng bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho địa phương. Hơn 60 văn bản hướng dẫn, hàng chục tổ công tác kiểm tra thực địa đã được triển khai chỉ trong tháng đầu tiên.
Thứ năm, đã đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chính phủ đã ban hành 28 Nghị định đã phân cấp, phân quyền từ trung ương xuống cho địa phương 556 TTHC; phân định thẩm quyền từ cấp huyện cho cấp tỉnh 18 TTHC, xuống cấp xã 278 TTHC; bãi bỏ 74 TTHC. Đến nay, một số bộ, cơ quan ngang bộ đã phân cấp mạnh mẽ TTHC từ trung ương cho địa phương, số lượng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ còn khoảng dưới 30% như: Bộ Tư pháp (18,1%), Bộ Nội vụ (26,4%), Thanh tra Chính phủ (32,3%), Bộ Giáo dục và Đào tạo (36%).
Thủ tướng cho rằng, những kết quả đạt được là cơ bản, chiến lược, lâu dài, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm lớn của các cấp, các ngành và sự ủng hộ, phấn khởi đón nhận của Nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết 60-NQ/TW của Trung ương.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, Thủ tướng chỉ rõ, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục ngay, những công việc cần tiếp tục làm liên quan hệ thống thể chế, pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, nhiều văn bản dưới luật cần được ban hành hoặc cập nhật kịp thời; việc kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự, có tình trạng vừa thiếu vừa thừa; phân cấp, phân quyền vẫn còn giao thoa, vướng mắc.
Cùng với đó, cơ chế tài chính, ngân sách chưa thực sự thông suốt, nhiều địa phương phản ánh ngân sách cấp xã còn hạn hẹp, trong khi phải quản lý địa bàn rộng hơn trước; các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của chính quyền 2 cấp còn có bất cập, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin; công tác tuyên truyền, phổ biến về mô hình chính quyền địa phương 02 cấp cần làm tốt hơn nữa...
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ máy mới đòi hỏi cách ứng xử mới, tư duy mới, hành động quyết liệt
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu quán triệt quan điểm cần nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao hơn nữa; hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó, phân công “6 rõ”, “không nói không, không nói có, không nói khó mà không làm”.
Các bộ ngành, địa phương, cơ quan, nhất là người đứng đầu cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để tích cực, chủ động thực hiện các công việc, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý các vấn đề mới xuất hiện, đánh giá mức hài lòng của người dân...; đặc biệt là tạo động lực, truyền cảm hứng cho người dân tích cực tham gia công việc này nói riêng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.
Thủ tướng chỉ rõ các nhiệm vụ chung của các bộ ngành, địa phương trong tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương 02 cấp; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy ở các đơn vị hành chính sau sắp xếp; nhanh chóng sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp, nhất là kiện toàn lãnh đạo cấp xã; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát.
Đặc biệt, trong giai đoạn đầu vận hành mô hình mới, các Bộ cần chú trọng hướng dẫn về thủ tục hành chính, quản lý ngân sách, tổ chức bộ máy và quản lý nhân lực cho cấp tỉnh, cấp xã... theo đúng thẩm quyền từng cấp. Song song với trao quyền, phải tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, tránh tình trạng địa phương hiểu chưa đúng hoặc thực hiện chưa nghiêm.
Các thành viên Chính phủ và đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Về cơ chế tài chính – ngân sách, Thủ tướng chỉ đạo xây dựng cơ chế tài chính phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đảm bảo nguồn lực cho địa phương hoạt động hiệu quả. Đối với các tỉnh, thành phố mới hình thành trên cơ sở sáp nhập nhiều đơn vị hành chính cũ, cần tính toán cơ chế hỗ trợ, điều hòa nguồn lực hợp lý.
Đồng thời, các cơ quan trung ương và địa phương phải tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ việc sử dụng ngân sách, tài sản công sau sáp nhập, sử dụng hiệu quả các trụ sở, tránh thất thoát, lãng phí; đảm bảo nguồn lực được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Cùng với đó, bảo đảm đồng bộ các quy hoạch và điều kiện triển khai thực thi.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo đúng mục tiêu, yêu cầu tại Kế hoạch số 02 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; bảo đảm thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn. Nhanh chóng khắc phục các lỗi trên các hệ thống thông tin do các bộ, ngành quản lý; hoàn thành trong tháng 8/2025.
Thủ tướng lưu ý cần chú trọng làm tốt công tác truyền thông chính sách, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp để người dân hiểu và ủng hộ; biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt; đồng thời thiết lập các kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị từ cơ sở để kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tất cả phải vào cuộc, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan thuộc thẩm quyền; bộ máy mới đòi hỏi cách ứng xử mới, tư duy phải đổi mới, hành động phải quyết liệt; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, đặc biệt là trong chuyển đổi số, xây dựng và liên thông cơ sở dữ liệu của các ngành.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành tiếp tục theo dõi, đôn đốc các địa phương theo lĩnh vực; các đồng chí được phân công tiếp tục trực tiếp đi kiểm tra tình hình tại các địa phương, lắng nghe ý kiến từ cơ sở để chỉ đạo kịp thời việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Thủ tướng tin tưởng, với quyết tâm chính trị cao và sự chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, cùng với sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của Nhân dân, bộ máy chính quyền 2 cấp sẽ triển khai công việc ngày càng thuận lợi, thông suốt, hiệu quả hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Theo VGP
{name} - {time}
-
2025-07-28 21:00:00
Bản tin Thời sự tối 28/7/2025
-
2025-07-28 18:18:00
Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 của Bộ Chính trị
-
2025-07-28 17:00:00
Bản tin Thời sự phát thanh ngày 28/7/2025
Tư lệnh Quân khu 4 kiểm tra tại Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa
Sơn La đề nghị tỉnh Hủa Phăn phối hợp tìm kiếm người mất tích do mưa lũ
Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh dự lễ kỷ niệm 96 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh dẫn đầu Đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa dâng hương tại Khu di tích lịch sử cách mạng Hàm Hạ