Chiến dịch quân sự của Ukraine tại khu vực Kursk đẩy xung đột Nga - Ukraine lên nấc thang mới
Cuộc tấn công vào vùng Kursk bắt đầu từ ngày 6/8 của Ukraine là đòn tấn công xuyên biên giới lớn nhất của Kiev kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào năm 2022. Vậy mục đích của Kiev là gì và điều này có đẩy xung đột Nga - Ukraine lên nấc thang mới, nguy hiểm hơn trong thời gian tới?
Tình hình chiến sự tại Kursk diễn biến ác liệt
Bộ Quốc phòng Nga cho biết vào rạng sáng ngày 6/8, khoảng 1.000 binh sĩ và hàng chục thiết giáp Ukraine tràn sang biên giới Nga, tấn công tỉnh Kursk từ nhiều hướng. Không giống các đợt xâm nhập trước thường do các đơn vị hoạt động ngầm hoặc nhóm vũ trang thân Ukraine thực hiện, đây là lần đầu tiên Kiev tấn công bằng lực lượng chính quy tinh nhuệ bên trong lãnh thổ Nga. Được yểm trợ bởi các dàn máy bay không người lái, hỏa lực pháo hạng nặng và các thiết bị tác chiến điện tử tiên tiến, các đơn vị Ukraine đã di chuyển nhanh chóng để chiếm một phần lãnh thổ phía Tây của Nga bên cạnh biên giới, trong khi một số đơn vị khác đột nhập sâu hơn vào bên trong nước Nga.
Ngày 12/8, quyền thống đốc vùng Kursk Alexey Smirnov nói rằng, Ukraine kiểm soát 28 khu định cư ở tỉnh này và lực lượng của Kiev đã tiến 12km vào lãnh thổ Nga. Các blogger quân sự Nga cho biết lực lượng của Kiev đang cố gắng bao vây thị trấn Sudzha, nơi khí đốt tự nhiên của Nga được vận chuyển sang Ukraine. Các trận chiến lớn cũng đã diễn ra gần thị trấn Korenevo, cách biên giới hai nước khoảng 22km và Martynovka, cách 15km.
Sau thời gian đầu bất ngờ, quân đội Nga đã phần nào ổn định được mặt trận ở Kursk. Những ngày qua, Nga đã điều thêm quân để chi viện cho Kursk và phản công Ukraine bằng hỏa lực kết hợp, bao gồm không kích, pháo binh, máy bay không người lái (UAV). Theo dữ liệu của Bộ Quốc phòng Nga được hãng thông tấn TASS trích dẫn, tính đến ngày 11/8, Ukraine đã mất tới 1.350 quân và hàng trăm phương tiện quân sự hạng nặng.
Có nhiều ý kiến cho rằng, chiến dịch tấn công Kursk của quân đội Ukraine là nước cờ mạo hiểm bởi cục diện chiến sự hiện nay được cho là đang nghiêng về Nga và quân đội Ukraine không bảo đảm về lực lượng, vũ khí, trang thiết bị quân sự để có thể cùng lúc dàn trải trên nhiều mặt trận. Vậy nguyên nhân nào thúc đẩy quân đội Ukraine thực hiện canh bạc tất tay này?
Trước hết, mặc dù chưa biết kết quả cuối cùng của chiến dịch, song hành động tấn công này đã giúp Ukraine thay đổi tình hình dư luận trong nước. Thay vì chán nản bởi đà tiến mỗi ngày của lực lượng Nga, còn quân đội Ukraine thường xuyên phải co cụm phòng thủ trên các mặt trận ở miền đông Ukraine, dân chúng Ukraine, những người ủng hộ chủ trương thân phương Tây, đang theo dõi binh sĩ nước này tiến từ tỉnh Sumy qua biên giới để vào tỉnh Kursk của Nga.
Ngoài củng cố tinh thần của người dân, chiến dịch tấn công vào lãnh thổ Nga còn phát đi thông điệp quan trọng tới các đồng minh, đối tác của Ukraine khi cuộc chiến kéo dài. Có ý kiến cho rằng, các nước phương Tây đã cung cấp cho Ukraine mọi vũ khí cần thiết với kỳ vọng rằng, Ukraine có thể kết thúc xung đột trong chiến thắng, sau khi các nước này rõ ràng không tránh khỏi sự “mệt mỏi” vì gánh nặng hỗ trợ Ukraine trong gần 3 năm qua. Vì vậy, chiến dịch tấn công khu vực Kursk đối với chính quyền Kiev như một hành động mang tính biểu tượng nhằm cho thấy các khoản viện trợ từ phương Tây đang được Ukraine sử dụng hiệu quả và ngăn các đồng minh không “quay lưng” lại với Ukraine.
Đặc biệt, ông John Nagl, trung tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, hiện là giảng viên về chiến tranh tại Đại học Chiến tranh Lục quân Mỹ bày tỏ nghi ngờ về chiến thuật tác chiến của quân đội Ukraine bất chấp đang phải đối mặt với áp lực rất lớn ở tuyến phòng thủ tại những mặt trận khác. Theo ông John Nagl, Ukraine có thể đang muốn thu hút sự chú ý và gửi thông điệp tới Mỹ - đồng minh ủng hộ nhiều nhất cho Ukraine, trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Thông điệp đó là Ukraine vẫn đang chiến đấu, đạt được thành tựu và có thể gây ra những bất ngờ cho một đội quân hùng mạnh hơn khi chỉ trong vài ngày sau khi tỉnh Kursk bị tấn công, Ukraine đã tiến xa hàng chục km tính từ biên giới hai nước.
Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng mục tiêu của Kiev tại Kursk có thể là chiếm nhà máy điện hạt nhân. Đó sẽ là một phần thưởng lớn và rủi ro về bụi phóng xạ sẽ cản trở nghiêm trọng các nỗ lực của Nga nhằm giành lại nhà máy. Kursk còn là thành phố có vai trò quan trọng trong vấn đề an ninh năng lượng, nên giới phân tích chính trị - quân sự cho rằng, kiểm soát được Kursk sẽ giúp Ukraine nắm được “con bài” an ninh năng lượng để thỏa hiệp với cả Nga và các nước châu Âu. Không phải ngẫu nhiên hiện nay lực lượng Ukraine ở Kursk đang cố gắng bao vây Sudzha, điểm trung chuyển cuối cùng của khí đốt Nga qua Ukraine tới châu Âu.
Ukraine chọc vào “tổ kiến lửa”?
Phát biểu tại một cuộc họp nội các vào ngày 12/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, chính quyền Kiev thông qua hành động của mình đang cố gắng cải thiện vị thế đàm phán trong tương lai. Ông Putin cũng bày tỏ quan điểm Ukraine đang theo đuổi mục tiêu quân sự với cuộc tấn công này nhằm ngăn chặn đà tấn công vững chắc của quân đội Nga ở các mặt trận miền đông. Người đứng đầu nhà nước Nga cho biết, nhiệm vụ chính của quân đội Nga là “hạ gục kẻ thù” và sau đó bảo đảm sự bao phủ đáng tin cậy ở các khu vực biên giới với Ukraine.
Theo tờ Izvestia, chiến lược thời gian tới của quân đội Nga sẽ tập trung đẩy lùi lực lượng Ukraine ra khỏi Kursk, song đồng thời sẽ thực hiện các cuộc tấn công với quy mô, cường độ lớn hơn tại các mặt trận miền đông Ukraine. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) chỉ ra rằng, Nga không muốn tái triển khai lực lượng từ các mặt trận tác chiến khác tới Kursk để tránh làm gián đoạn cuộc tấn công ở miền đông Ukraine. Theo nguồn tin của ISW, Bộ Tư lệnh quân đội Nga được cho là đã tái triển khai quân từ các lực lượng dự bị tác chiến không xác định, bao gồm các đơn vị bổ sung gồm lính nghĩa vụ, lực lượng đặc biệt (Tổng cục Bộ Tổng tham mưu Nga, GRU), lực lượng tác chiến đặc biệt (SOF), đơn vị đặc nhiệm Akhmat - Chechnya hoạt động dưới sự bảo trợ của Bộ Quốc phòng Nga, cũng như Quân đoàn số 1 của Donetsk và các cựu binh sĩ của nhóm Wagner, đến các khu vực tại tỉnh Kursk.
Giới phân tích chính trị - quân sự cho rằng, với cục diện chiến sự ác liệt, giằng co như hiện nay ở Kursk, sẽ có 2 kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra. Kịch bản thứ nhất là nếu Nga thất bại và để mất quyền kiểm soát Kursk thì chính quyền Ukraine sẽ lấy Kursk để thỏa hiệp với Nga trên bàn đàm phán đúng như tuyên bố của Tổng thống Putin. Tuy nhiên, điều kiện như vậy chắc chắn sẽ khó được Nga chấp thuận khi mà xét cục diện tổng thể của cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn đang nghiêng về phía Nga với bước tiến vững chắc trên nhiều mặt trận khác. Thực tế, Ukraine đã đặt tham vọng vào kịch bản này khi triển khai một lượng lớn binh sĩ Ukraine tập trung tại các khu vực biên giới của 3 tỉnh miền tây nước Nga giáp Ukraine, bao gồm Belgorod, Kursk và Bryansk. Tính đến ngày 10/8, tổng số quân ban đầu ước tính là 30.000 người, trong đó có các đơn vị mới thành lập được NATO huấn luyện.
Kịch bản thứ hai là Nga giành chiến thắng tại Kursk, tạo ra bước ngoặt lớn cho cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tờ Izvestia dẫn nhận định chuyên gia quân sự, Đại tá Gennady Alekhin cho rằng, quân đội Ukraine đã đặt ván cược quá lớn khi tiến hành tấn công khu vực Kursk của Nga. Có thể thấy, trong chiến dịch tấn công Kursk, Ukraine gần như đã phải tung ra những lực lượng tốt nhất của mình, và nếu thất bại Ukraine rất có thể sẽ không còn đủ sức để kháng cự nếu quân đội Nga tổ chức tấn công trở lại trong tương lai. Gần như cùng thời điểm quân đội Ukraine tấn công vào vùng Kursk, phía Nga cũng tiến hành tấn công và kiểm soát nhiều vị trí quan trọng ở các mặt trận miền đông Ukraine. Điều này cho thấy, quân đội Nga sẽ tiếp tục mở chiến dịch tấn công lớn ở các mặt trận miền đông Ukraine thời gian tới, nhất là vùng Kharkov nhằm thiết lập một vùng đệm an toàn cho các khu vực biên giới giáp ranh. Do đó, kịch bản “đóng băng xung đột” ở thời điểm quân đội Ukraine thất bại ở Kursk sẽ không phải là một phương án tốt nhất với phía Nga mà thay vào đó, Nga sẽ tranh thủ khoảng thời gian sức mạnh quân sự Ukraine suy yếu để đẩy mạnh các hành động nhằm loại bỏ vĩnh viễn mối đe dọa quân sự từ Ukraine. Như vậy, trong kịch bản này, cả cục diện trên chiến trường và trên bàn đàm phán sẽ đều do Nga quyết định.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:07:00
Nga thay đổi học thuyết hạt nhân: Đòn “nắn gân” có sức nặng
-
2024-11-21 09:14:00
COP29: Các quốc gia giàu có cam kết không xây mới nhà máy điện than
-
2024-08-13 08:31:00
Nền kinh tế Liban đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn do xung đột
Cơ hội cho thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas
Đối đầu với Mỹ thúc đẩy chính sách năng lượng của Nga và Trung Quốc như thế nào?
Bầu cử Mỹ 2024: Ứng cử viên Kamala Harris và gánh nặng của hy vọng
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga sẽ thay đổi ra sao nếu ông Trump thắng cử?
Thủ lĩnh chính trị Hamas bị ám sát đẩy Iran - Israel đến “miệng hố chiến tranh”
Về khả năng quân đội Ukraine sẽ tổ chức phản công quy mô lớn sắp tới
Kịch bản nào cho cuộc xung đột Israel và Hezbollah?
Bầu cử Tổng thống Venezuela: Liệu có cơ hội cho phe đối lập?
Chi phí cho xung đột ở Ukraine sẽ gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu