(Baothanhhoa.vn) - Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, huyện Ngọc Lặc đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, huyện ưu tiên lựa chọn xây dựng thí điểm làng Lập Thắng (xã Thạch Lập) là nơi có các điều kiện thuận lợi để bảo tồn, phát huy bản sắc của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch.

Cần “điểm tựa” cho du lịch cộng đồng

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, huyện Ngọc Lặc đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, huyện ưu tiên lựa chọn xây dựng thí điểm làng Lập Thắng (xã Thạch Lập) là nơi có các điều kiện thuận lợi để bảo tồn, phát huy bản sắc của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch.

Cần điểm tựa cho du lịch cộng đồngHomestay của gia đình ông Phạm Văn Tỏ, làng Lập Thắng (xã Thạch Lập) đón khách tham quan.

Làng Lập Thắng với 143 hộ, được bao bọc bởi những dãy núi cao và hệ sinh thái rừng đa dạng, tạo nên cảnh quan thiên nhiên vô cùng phong phú, hấp dẫn. Đây cũng chính là nơi sở hữu những hang động độc đáo, nguyên sơ, tạo nên điểm nhấn khác biệt so với một số điểm đến du lịch cộng đồng khác trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu nhất là hang Gió với lòng hang rộng khoảng 40m, cao 60m, hang mới được phát hiện nên còn khá nguyên sơ, chưa chịu tác động lớn của con người. Từ làng Lập Thắng, du khách có thể di chuyển đến tham quan đồi Hích (làng Hoa Sơn), thác Cha (làng Thuận Sơn) hay hang Quăn (làng Đô Quăn)... Ngoài ra, nơi đây còn có hệ thống ruộng bậc thang thấp, mang đến cho du khách không gian trải nghiệm lý tưởng, cảm giác bình yên, thơ mộng ngay từ khi đặt chân đến mảnh đất này.

Hiện tại, làng Lập Thắng có 123 ngôi nhà sàn, trong đó có 20 hộ cơ bản đáp ứng các điều kiện đón khách du lịch. Mặc dù hoạt động du lịch được triển khai từ năm 2021, song do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hầu hết các cơ sở

homestay tại đây mới bắt đầu đón khách từ năm 2023. Đến nay, đã có khoảng gần 80 đoàn khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; tổng doanh thu từ phục vụ khách du lịch ước đạt 320 triệu đồng. Nguồn thu tuy còn hạn chế, song đây là động lực để người dân Lập Thắng tiếp tục đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.

Chủ cơ sở homestay số nhà 1 Phạm Văn Tỏ cho biết: “Homestay chúng tôi hiện có thể phục vụ 120 khách ăn uống và 20 - 30 khách lưu trú. Trong thời gian qua lượng khách tuy còn hạn chế song việc phát triển hoạt động du lịch đã giúp chúng tôi có thêm việc làm, cải thiện đời sống. Cũng thông qua hoạt động du lịch, cảnh quan môi trường ngày càng được cộng đồng quan tâm, gìn giữ xanh - sạch- đẹp. Chúng tôi rất mong muốn trong thời gian tới, điểm du lịch làng Lập Thắng được quảng bá rộng rãi hơn trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để đông đảo du khách biết tới. Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương quan tâm tổ chức một số lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ du lịch để người dân có thêm cơ hội được học hỏi, tiếp thu kiến thức làm du lịch cộng đồng một cách bài bản, chuyên nghiệp”.

Du lịch cộng đồng làng Lập Thắng là một điểm đến mới, song nếu đã từng đến đây du khách hẳn sẽ không thể nào quên được khung cảnh bình yên của bản làng nhỏ, đặc biệt là sự thân thiện và hiếu khách của người dân địa phương. Điểm độc đáo của điểm đến này chính là văn hóa đặc trưng trong kiến trúc nhà sàn của đồng bào Mường. Với họ, ngôi nhà sàn hết sức thiêng liêng, từ trong sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” thì ngôi nhà đã gắn với lịch sử và tâm linh của người Mường. Ngôi nhà sàn không đơn giản chỉ là chỗ ở mà còn là biểu hiện của lối sống, phong tục - tập quán - tín ngưỡng. Và quan trọng hơn cả, ở đó còn chứa đựng cả một kho tàng văn hóa - lịch sử vô cùng đặc sắc mà sử thi còn lưu truyền.

Với mục tiêu phát triển, bảo tồn nhà sàn truyền thống người Mường, huyện Ngọc Lặc đã xây dựng và ban hành Đề án “Bảo tồn, phát triển nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 toàn huyện dự kiến bảo tồn được 400 nhà sàn truyền thống người Mường trở lên (trong đó có 80 nhà sàn thuộc chương trình hỗ trợ của đề án), số còn lại là do các hộ dân tự cải tạo, nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu để tham gia làm du lịch cộng đồng. Trong những năm tiếp theo, huyện sẽ tiếp tục xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ khác, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương tại các điểm có nhà sàn gắn với hoạt động du lịch như: làng Thạch Yến, làng Thuận Sơn, làng Hoa Sơn... (xã Thạch Lập); khu phố Cao Nguyên, khu phố Vân Hòa (thị trấn Ngọc Lặc)...

Chuyên gia du lịch, Chủ tịch Hội đồng thành viên CBT Travel Dương Minh Bình cho biết: “Mới đây chúng tôi đã có dịp đến làng du lịch cộng đồng Lập Thắng, cảnh quan thiên nhiên nơi đây rất tuyệt vời và hoàn toàn có thể phát triển thành điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, sản phẩm còn đơn điệu, lượng khách còn khá ít... Vì vậy, rất cần có một “điểm tựa” vững chắc để phát triển du lịch cộng đồng làng Lập Thắng nói riêng, huyện Ngọc Lặc nói chung. Trước hết, các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương cần phát huy vai trò định hướng, chú trọng công tác quy hoạch phù hợp với điều kiện, cảnh quan tự nhiên và xu hướng phát triển chung. Đặc biệt, để tạo nên sự khác biệt của điểm đến, du lịch cần xem như một chất liệu làm cho văn hóa đồng bào Mường được bảo tồn, phát huy và lan tỏa sâu rộng. Cùng với đó, cần có chính sách đặc thù, hấp dẫn dành riêng cho du lịch cộng đồng nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư “mồi”, thúc đẩy du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp, làm nổi bật giá trị văn hóa của điểm đến, tiêu biểu là không gian nhà sàn truyền thống”.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]