(Baothanhhoa.vn) - Chiều 10-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Chiều 10-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Tham gia thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ, báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và thống nhất sự cần thiết phải tiến hành sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng.

Góp ý về ngân hàng chính sách, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị quy định cụ thể hơn về tổ chức hoạt động, cơ chế tài chính; kể cả việc xử lý nợ xấu ngân hàng chính sách cũng khác với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng khác.

Về Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng Nhân dân có quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng Nhân dân không được giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần xem xét không nên quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị quỹ tín dụng Nhân dân không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ. Theo đại biểu Mai Văn Hải, bởi vì Quỹ tín dụng Nhân dân là một tổ chức kinh tế, nên nếu được Đại hội thành viên tín nhiệm thì có thể bầu tái cử nhiều nhiệm kỳ. Hơn nữa, cán bộ làm Quỹ tín dụng Nhân dân đòi hỏi phải có phẩm chất, uy tín, trình độ, năng lực; nếu quy định không quá hai nhiệm kỳ cũng là vấn đề khó khăn trong công tác cán bộ của Quỹ tín dụng Nhân dân.

Về Điều 171 hoạt động của Qũy tín dụng Nhân dân trong dự thảo Luật đang giao cho Chính phủ quy định phạm vi hoạt động; đại biểu Mai Văn Hải đề nghị nên quy định rõ phạm vi hoạt động của Qũy tín dụng Nhân dân (Qũy hoạt động chủ yếu hỗ trợ cho các thành viên là chính) nhằm tránh phạm vi hoạt động quá rộng, nguy cơ rủi ro cao. Vì vậy đề nghị Luật nên quy định phạm vi hoạt động của Qũy tín dụng Nhân dân chủ yếu hoạt động trên địa bàn một xã, thị trấn; mà trường hợp hoạt động ra ngoài phạm vi xã, thị trấn thì cần phải có những điều kiện rất chặt chẽ để đảm bảo hoạt động của Qũy.

Tại Điều 184 về thủ tục thu giữ tài sản đảm bảo, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị quy định các tổ chức tín dụng ở các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được phép thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, mà không cần có thỏa thuận trong hợp đồng.

Tại khoản 5 Điều 154 quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương và công an, ngoài việc đảm bảo an ninh, trật tự thì có nhiệm vụ hỗ trợ cho tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trong thu giữ tài sản bảo đảm; điểm mới quan trọng là nếu không hợp tác thì lập biên bản và biên bản là tài liệu thay thế cho biên bản bàn giao tài sản trong hồ sơ cấp giấy chứng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, quy định này chưa đảm bảo chặt chẽ, bởi trong Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đất đai đang tiến hành sửa đổi không có quy định biên bản thu giữ tài sản là một trong những loại giấy tờ để được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vì vậy, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị trong trường hợp mà không hợp tác thì cần có quy định giao cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thu giữ và bàn giao tài sản đảm bảo cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Góp ý vào dự án Luật này, ĐBQH Cầm Thị Mẫn, Đoàn ĐBQH chuyên trách thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng có ý nghĩa rất quan trọng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả và nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Do đó, thống nhất cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng lần này, đồng thời đề nghị thông qua tại 2 kỳ họp.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn cho rằng, đối với quy định tại khoản 5 Điều 10 về các vấn đề liên quan tới việc tạm ngừng giao dịch của tổ chức tín dụng, dự thảo luật chưa dự liệu để quy định cụ thể các vấn đề liên quan. Theo đó: Đối với giao dịch trực tiếp, dự thảo quy định “ngừng giao dịch trong thời gian giao dịch chính thức, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải niêm yết tại nơi giao dịch chậm nhất là 24 giờ trước thời điểm ngừng giao dịch”. Tuy có quy định niêm yết nhưng chưa rõ, chưa cụ thể niêm yết nội dung gì như phạm vi, giới hạn các loại giao dịch bị ngừng, thời gian ngừng và thời gian niêm yết thực hiện như thế nào …?

Đối với việc ngừng các giao dịch bằng phương tiện điện tử, dự thảo quy định “...tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải công khai về sự cố và thông báo về phương án hoặc kết quả khắc phục trong thời gian 06 giờ sau khi phát sinh lỗi ngừng giao dịch.” Quy định này chưa nêu rõ, chưa đầy đủ về việc công khai là công khai việc ngừng giao dịch hay công khai về sự cố, về phương án hoặc kết quả khắc phục sự cố dẫn đến ngừng giao dịch. Trên thực tế, việc ngừng giao dịch không hẳn chỉ xuất phát từ sự cố, lỗi ngừng giao dịch mà có thể do các nguyên nhân, lý do khác nhau cũng dẫn đến việc tổ chức tín dụng phải ngừng giao dịch. Tiếp theo, việc thông tin, công bố, công khai ngừng giao dịch được thực hiện như thế nào, nội dung, thời gian, phương tiện cụ thể trên môi trường điện tử ra sao cũng chưa được quy định.

Như vậy, việc niêm yết, công bố, công khai thông tin về việc ngừng giao dịch đối với giao dịch trực tiếp cũng như giao dịch bằng phương tiện điện tử cần phải quy định đầy đủ các vấn đề như vừa nêu trên để đảm bảo tính khả thi, hiệu lực; đảm bảo tính tương thích, thống nhất với các quy định tại dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cũng đang được xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Khoản 5 Điều 10 dự thảo còn quy định: Trường hợp ngừng giao dịch từ 5 ngày làm việc trở lên, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 29 của Luật này.

Nội dung này dẫn chiếu tới điểm e khoản 1 Điều 29 của Luật này. Tuy nhiên, điểm e quy định trường hợp tổ chức tín dụng tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ 5 ngày trở lên thì phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước trước khi ngừng hoạt động, trừ trường hợp tạm ngừng hoạt động do sự kiện bất khả kháng. Nội dung điểm e cũng như các điểm, khoản khác tại Điều 29 dự thảo luật không có quy định về việc niêm yết, công bố, thông tin công khai về việc ngừng giao dịch trong trường hợp này kể cả việc tạm ngừng hoạt động do sự kiện bất khả kháng.

Như vậy, việc không quy định rõ phải niêm yết thông tin, công bố công khai việc ngừng giao dịch trong trường hợp này ngay cả khi việc tạm ngừng đó là do sự kiện bất khả kháng là chưa bảo đảm tinh thần quy định tại Điều 10 về “Bảo vệ quyền lợi của khách hàng”. Trên thực tế việc công bố, công khai thông tin tạm ngừng hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng chính là một trong những cơ sở pháp lý để loại trừ trách nhiệm pháp lý của khách hàng đối với bên thứ ba liên quan tới việc ngừng giao dịch. Do đó, cần phải bổ sung quy định về việc công bố, công khai thông tin tạm ngừng hoạt động trong trường hợp nêu trên.

Dự thảo Luật tại các Điều 10, Điều 29 và Điều 140 đang sử dụng các cụm từ “ngừng giao dịch” và “tạm ngừng hoạt động” để cùng chỉ về một nội dung tương tự như nhau là chưa có sự thống nhất hoặc có thể dẫn đến những cách hiểu khác nhau trong quá trình thực thi khi Luật có hiệu lực. Do vậy, đề nghị cần sửa đổi lại cho phù hợp.

Các quy định tại Điều 131 được thiết kế xây dựng trong Chương 6 là một trong những hạn chế nhằm bảo đảm sự an toàn cho hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nghiên cứu cụ thể, đại biểu Cầm Thị Mẫn cho rằng cần phải xem xét tính hợp lý, sự cần thiết của điều luật này. Cụ thể, Điều 131 quy định tổ chức tín dụng không được kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp được quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3. Như vậy, về mặt logic thì không được kinh doanh bất động sản cũng đồng nghĩa với việc cấm các tổ chức tín dụng kinh doanh bất động sản và có một số trường hợp loại trừ không vi phạm điều cấm.

Xem xét nội dung quy định tại khoản 1 Điều 131 và đối chiếu với Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành cũng như dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản đang được xem xét sửa đổi tại Kỳ họp này thì quy định tại khoản 1 Điều 131 không phải là hoạt động kinh doanh bất động sản và do đó không cần phải loại trừ thì cũng không vi phạm điều cấm hay hạn chế để bảo đảm an toàn cho hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn cũng đề nghị cần phải xem xét lại toàn bộ nội dung của Điều 131 để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất của điều luật.

Quốc Hương


Quốc Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]