Bưu điện tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số tạo động lực tăng trưởng
Cùng với thế mạnh về mạng lưới phục vụ rộng khắp toàn tỉnh, trong giai đoạn hiện nay, để bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cao như chiến lược của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã đề ra, Bưu điện tỉnh Thanh Hóa không chỉ xây dựng một tầm nhìn, hướng đi phù hợp với địa bàn hoạt động mà còn đẩy mạnh chuyển đổi số trong kinh doanh, sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) làm nền tảng và là công cụ đắc lực giúp nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng khai thác, khả năng cung cấp dịch vụ đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng.
Bưu điện tỉnh Thanh Hóa thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn, khóa đào tạo sử dụng phần mềm cho CBCNV và người lao động.
Xác định việc ứng dụng CNTT vào tổ chức sản xuất có ý nghĩa sống còn đối với doanh nghiệp bưu chính trong kỷ nguyên số hiện nay, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã ban hành khung kiến trúc CNTT tổng thể. Theo đó, các hoạt động của đơn vị sẽ lấy CNTT làm nền tảng và là công cụ, là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy quá trình hiện đại hóa sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng.
Từ chủ trương, định hướng đó, thời gian qua, Bưu điện tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai nhiều giải pháp trên nhiều lĩnh vực từ quản trị hệ thống, chăm sóc khách hàng, tự động hóa các hoạt động khai thác, chuyển phát. Điển hình như việc triển khai hệ thống quầy đa dịch vụ bưu điện tại các bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã với nhiều tính năng nổi trội, phục vụ đa dạng nhu cầu của khách hàng. Với hệ thống này, khách hàng có thể tiếp cận tất cả các dịch vụ từ bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính, hành chính công, thanh toán các khoản thu tiền điện, nước và giải ngân các khoản tín dụng từ các ngân hàng, công ty tài chính, gửi tiết kiệm, chuyển tiền... Tương tự, một giao dịch viên có thể tác nghiệp tất cả các dịch vụ cung cấp tại điểm phục vụ trên cùng một giao diện màn hình máy tính. Hệ thống này cũng có chức năng kết nối với các hệ thống CNTT của các sàn thương mại điện tử của khách hàng để tự động tiếp nhận các đơn hàng. Cùng với đó là việc triển khai cung cấp ứng dụng di động My Vietnam Post để khách hàng có thể chủ động tạo các đơn hàng, theo dõi hành trình của các bưu gửi theo thời gian thực.
Cùng với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Bưu điện tỉnh Thanh Hóa đang triển khai gần 30 hệ thống, phần mềm, ứng dụng CNTT, tập trung vào các khâu chấp nhận, theo dõi, phát hàng; chăm sóc khách hàng; đối soát, thanh toán... Nổi bật nhất là dự án CNTT có quy mô lớn nhất từ trước đến nay - Dự án “Hiện đại hóa hệ thống CNTT Bưu chính Việt Nam” (MPITS). Điểm đặc biệt là MPITS được kết nối và đồng bộ với các thiết bị thông minh, thiết bị cầm tay và tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh trong quy trình vận hành khép kín của vòng dịch vụ giúp cho việc quản lý của Bưu điện tỉnh Thanh Hóa được nhanh chóng, chính xác hơn, nhất là quá trình giao nhận hàng, điều tin, thu gom, khai thác, vận chuyển và chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, việc kết nối, tích hợp các giải pháp cũng giúp khách hàng thuận lợi hơn khi sử dụng các dịch vụ bưu chính. Bất kỳ lúc nào, ở bất cứ đâu khách hàng cũng có thể tra cứu toàn bộ thông tin về sản phẩm theo thời gian thực, mọi thắc mắc về sản phẩm dịch vụ cũng ngay lập tức được giải đáp qua hệ thống tổng đài đa kênh, website, app, fanpage. Việc tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh của khách hàng được tiếp nhận, phân loại và giải quyết một cách nhanh chóng; các thông tin về giá cước, chương trình khuyến mại dịch vụ cũng được đưa đến khách hàng đúng và trúng theo nhu cầu dựa trên phân tích lịch sử giao dịch của khách hàng với bưu điện.
Nhân viên khai thác Bưu điện tỉnh Thanh Hóa sử dụng thiết bị đọc mã vạch không dây phân hướng chia chọn bưu gửi.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động và mang lại nhiều tiện ích hơn cho khách hàng trong công tác tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích như: thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe, lý lịch tư pháp, hồ sơ trợ cấp thất nghiệp, chuyển phát CCCD, hộ chiếu, hồ sơ BHXH... Bưu điện tỉnh Thanh Hóa đã bố trí đầy đủ nhân lực có năng lực, trình độ, kỹ năng giao tiếp cùng hệ thống máy tính có kết nối internet, máy in, máy chụp hình ở tất cả các điểm phục vụ của bưu điện để triển khai các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ, đăng ký tài khoản cổng dịch vụ công trực tuyến cho các khách hàng. Ngoài ra, Bưu điện tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ứng dụng công nghệ để triển khai mô hình theo dõi, thông báo tình trạng bưu gửi kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua kênh zalo OA Cổng dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa, giúp người dân dễ dàng theo dõi tình trạng hồ sơ và hành trình của bưu gửi trên zalo; kết nối thành công hệ thống điều tin thu gom với Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại Trung tâm Phục vụ hành chính công để kịp thời triển khai thực hiện khi có phát sinh yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Đặc biệt, từ tháng 6/2023, Bưu điện tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải tỉnh triển khai chương trình phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ công dân cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến toàn trình trên cổng dịch vụ công trực tuyến và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích được đông đảo người dân hưởng ứng và tham gia thực hiện.
Với việc tham gia sâu vào lĩnh vực chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại Thanh Hóa, để hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa, Bưu điện tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với từng địa phương để giúp người dân thay đổi thói quen tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận phương thức kinh doanh mới thông qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, HTX, tổ hợp tác có thể đăng ký tham gia để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Thông qua sàn Postmart.vn người nông dân cũng có thể đưa quy trình sản xuất, chăm sóc nông sản của mình, từ đó, giúp cho người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng, an toàn của sản phẩm mà họ đặt mua. Hiện tại, tổng số lượng tài khoản trên sàn tại địa bàn Thanh Hóa là 72.347 tài khoản, với tổng số 108 sản phẩm OCOP tham gia.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, Bưu điện tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tổ chức lại sản xuất, rà soát sắp xếp mở rộng mạng lưới, sắp xếp lao động, đổi mới quy trình cung cấp dịch vụ... Do thực hiện tốt việc chuyển đổi số, nên các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2023 của đơn vị đều đạt và vượt kế hoạch. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Bưu điện tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024 đề ra.
Bài và ảnh: Nguyễn Lương
{name} - {time}
-
2025-01-12 16:38:00
Doanh nghiệp Thanh Hóa với danh hiệu “Sao Vàng Đất Việt”
-
2025-01-11 10:02:00
Thủy điện Trung Sơn vượt 17,1% kế hoạch sản xuất năm 2024
-
2024-02-08 10:17:00
PVOIL Thanh Hóa vững bước trên đường đổi mới
Tổ chức TCVM Thanh Hóa lan tỏa tinh thần nhân ái dịp tết đến, xuân về
Tạo cơ hội kết nối hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp TP Thanh Hóa
Cẩm Thủy hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển
Doanh nghiệp Thanh Hóa kết nối hợp tác đầu tư 3 miền
Xi măng Long Sơn tạo dựng thương hiệu từ những giá trị vững bền
Hiệp hội Doanh nghiệp TP Thanh Hoá tổ chức chương trình thiện nguyện nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn
Thủy điện Trung Sơn nỗ lực bước vào kế hoạch sản xuất năm 2024
Ngày hội Bóng rổ High Hoop - Cùng Sun Life bật cao sức trẻ
Năm 2023, lợi nhuận kinh doanh của Mai Linh vùng III vượt 194,82% kế hoạch Tập đoàn giao