(Baothanhhoa.vn) - Xác định ứng dụng các thành tựu khoa học là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

Bệnh viện Ung bướu đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học

Xác định ứng dụng các thành tựu khoa học là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

Bệnh viện Ung bướu đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa họcMột ca phẫu thuật tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa.

Bác sĩ Chuyên khoa (BSCK) I Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Công đoàn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong chiến lược phát triển, bệnh viện tập trung đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và đào tạo sau đại học để phấn đấu trở thành bệnh viện hạng I tuyến tỉnh năm 2025. Theo đó, Ban giám đốc, Công đoàn bệnh viện luôn có hình thức khen thưởng, khích lệ, động viên kịp thời những cán bộ, viên chức, lao động (CBVCLĐ) có sáng kiến vượt khó. Trong năm 2023, bệnh viện đã triển khai thực hiện 63 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Các đề tài nghiên cứu của các khoa, phòng khá đa dạng và có chất lượng cao, đề tài xuất sắc chiếm 13,33%, đề tài tốt chiếm 45%, tính ứng dụng vào thực tiễn cao. Trong đó có 1 đề tài cấp ngành thuộc lĩnh vực Dược lâm sàng, đã thể hiện sự tâm huyết của nhóm tác giả và phản ánh đúng thực trạng công tác dược của Bệnh viện Ung bướu. Hiệu quả công việc được cải tiến thông qua giải pháp, kiến nghị của đề tài đã trở thành động lực cho CBVCLĐ trong bệnh viện tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học.

Mới đây, Đề tài Ứng dụng kỹ thuật xạ hình xương toàn thân bằng hệ thống SPECT/CT để chẩn đoán sớm di căn cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa của ThS.BSCKII Trần Văn Thiết đã tiến hành nghiên cứu tổng quan về kỹ thuật chụp xạ hình xương toàn thân bằng hệ thống SPECT/CT nói chung và trên bệnh nhân ung thư nói riêng. Đề tài được triển khai trên cơ sở tiến hành thu thập số liệu nghiên cứu 256 bệnh nhân được chụp xạ hình xương toàn thân, phân tích đánh giá một số đặc điểm hình ảnh di căn đến xương và mối liên quan với một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của các bệnh nhân ung thư; nhận xét vai trò của xạ hình xương toàn thân trong chẩn đoán giai đoạn và lập kế hoạch điều trị hiệu quả, kinh tế ở một số bệnh ung thư thường gặp.

ThS.BSCKII Trần Văn Thiết, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa cho biết: Triển khai thực hiện đề tài, bệnh viện đã đào tạo các kíp thực hiện thành thạo kỹ thuật xạ hình xương toàn thân bằng hệ thống SPECT/CT để chẩn đoán sớm di căn; ứng dụng kỹ thuật xạ hình xương toàn thân trên hệ thống SPECT/CT để chẩn đoán sớm di căn; đánh giá mối liên quan giữa kết quả xạ hình xương toàn thân bằng hệ thống SPECT/CT với đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của 256 bệnh nhân ung thư; kiểm tra, đánh giá, xác nhận khối lượng công việc thực hiện nhiệm vụ... Đề tài đã hoàn thành các nội dung theo đúng tiến độ, đảm bảo tính khoa học, bám sát yêu cầu nội dung đã được phê duyệt.

Đến nay, sau gần 7 năm thành lập và đi vào hoạt động, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa đã có bước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Trong đó, ghi dấu ấn nổi bật nhất là sự phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu với gần 8.000 dịch vụ kỹ thuật được thực hiện thường quy tại bệnh viện, trong đó có rất nhiều kỹ thuật khó, rất ít bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện được như: Ứng dụng sinh học phân tử trong phát hiện đột biến gen gây ung thư phổi, đại trực tràng; ứng dụng y học hạt nhân trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh ung thư; phẫu thuật tuyến giáp nội soi qua đường miệng; phẫu thuật cắt u bàng quang đường trên và cắt bàng quang toàn bộ, nạo vét hạch, tạo hình và chuyển lưu nước tiểu bằng ruột; phẫu thuật cắt gan; nút mạch điều trị u xơ lành tính tuyến tiền liệt dưới hướng dẫn của hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA, nút mạch u gan, u xơ tử cung; đốt sóng cao tần điều trị u gan, u tuyến giáp; truyền hóa chất điều trị đích trong điều trị ung thư bằng máy truyền dịch 12 - 24h..., góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, tạo điều kiện thuận lợi để người dân Thanh Hóa và các tỉnh lân cận được thụ hưởng những dịch vụ chất lượng cao ngay tại địa phương.

Để tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học ngày càng sâu rộng và đạt hiệu quả thiết thực, nâng cao tính ứng dụng trong thực tiễn, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại; đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác khám, chữa bệnh và làm chủ được công nghệ, thiết bị y tế hiện đại, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, nâng thương hiệu bệnh viện và giảm tải lên tuyến trên.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]