Bệnh sởi có triệu chứng gì và đối tượng nào dễ mắc phải?
Đại diện Bộ Y tế cho hay hiện nay bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng, số ca mắc tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bác sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh khám cho bệnh nhi mắc sởi. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Tại Đông Nam Á, một số nước như Philippines, Malaysia dịch sởi đã xuất hiện trên diện rộng.
Tại Việt Nam, năm 2024 cả nước ghi nhận 45.554 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 7.583 trường hợp dương tính và 16 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Độ tuổi của các ca dương tính sởi trong năm 2024 cho thấy xu hướng gia tăng ở nhóm tuổi dưới 9 tháng (chiếm khoảng 25 %).
Hầu hết các trường hợp mắc sởi là không tiêm chủng/chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh sởi hoặc chưa đến độ tuổi tiêm chủng vaccine sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá nguy cơ bùng phát dịch sởi tại Việt Nam là rất cao... WHO cũng khuyến cáo tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao và rất cao và những nơi hiện có chùm ca sởi (ghi nhận những trường hợp sởi chẩn đoán xác định), cần triển khai tiêm chủng chiến dịch, các tỉnh, thành phố còn lại có nguy cơ thấp và trung bình, cần tổ chức rà soát để tiêm bù, tiêm vét cho trẻ lỡ tiêm do đại dịch.
Vậy bệnh sởi là gì và có triệu chứng gì, đối tượng nào dễ mắc và cách lây lan như thế nào?
1. Bệnh sởi là gì?
Sởi là một bệnh nhiễm virus cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch.
Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng...
Sởi do virus gây ra, do đó không có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh mà thường khỏi trong vòng từ 7-10 ngày.
Sởi là một bệnh lưu hành, có nghĩa là nó liên tục xuất hiện trong cộng đồng. Sau khi mắc sởi, người đó sẽ được miễn dịch với sởi trong suốt quãng đời còn lại, khả năng mắc sởi lần thứ hai của họ tương đối thấp.
2. Triệu chứng bệnh sởi
Virus sởi có hình cầu, đường kính rất nhỏ, chỉ khoảng 100-250nm. Khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi, virus gây bệnh có thể phát tán ra ngoài không khí. Người chưa có miễn dịch hít vào sẽ bị lây bệnh.
Các triệu chứng của bệnh gồm sốt cao từ 39-40 độ C, người nhức mỏi, mắt đỏ do viêm kết mạc, mũi chảy dịch, ho, hắt hơi, đau họng, chán ăn, người xuất hiện các nốt phát ban đỏ li ti.
Các nốt phát ban thường mọc ở mặt, vùng vai gáy trước rồi lan dần ra khắp cơ thể. Trong quá trình phát ban, người bệnh sẽ sốt, đau mỏi cơ liên tục cho đến khi các nốt ban phủ kín từ đầu đến chân.
Sau vài ngày, các nốt ban sẽ bay dần đi tạo thành các vết thâm da. Khoảng 1-2 tuần sau các vết thâm mới biến mất. Thông thường, bệnh sởi kéo dài khoảng từ 7-10 ngày.
3. Đối tượng nào dễ mắc bệnh sởi?
Sởi là bệnh truyền nhiễm rất nguy hại mà bất cứ ai chưa được gây miễn dịch đều có thể mắc phải, đặc biệt là trẻ em. Hơn 90% người dưới 20 tuổi đã bị mắc bệnh sởi, nhất là lứa tuổi trước thời kỳ tiêm chủng. Đây là một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
4. Bệnh sởi lây truyền như thế nào?
Bệnh sởi có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 10-14 ngày, có trường hợp lên đến 20 ngày. Thời gian bệnh dễ lây truyền nhất là khoảng 4 ngày trước khi phát ban cho đến 4-5 ngày sau khi phát ban. Trong đó 4 ngày trước khi phát ban là thời kỳ lây truyền mạnh mẽ nhất, do chính bản thân người bệnh không biết mình đang mắc bệnh, vẫn tiếp xúc bình thường với mọi người xung quanh.
Sởi lây truyền qua đường hô hấp, do nước bọt của người bệnh bắn vào không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với các tiết dịch của người bệnh. Đôi khi bạn có thể lây bệnh một cách gián tiếp thông qua các đồ vật đã dính virus gây bệnh. Thông thường, nếu một người trong gia đình bị mắc sởi thì những người còn lại (người chưa có miễn dịch) sẽ bị lây bệnh.
Sởi là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan rất cao. Bất cứ ai chưa có miễn dịch đều có khả năng mắc bệnh.
Thời điểm dịch sởi bùng phát thường là từ tháng 2 đến tháng 4 - khoảng thời gian giao mùa Đông-Xuân. Bệnh chỉ có thể kiểm soát khi đạt được trên 95% tỷ lệ miễn dịch sởi trong cộng đồng. Chính vì thế, người lớn và trẻ nhỏ cần được tiêm vaccine sởi để tăng khả năng miễn dịch với virus gây bệnh./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-02-06 10:26:00
Cẩn trọng với cúm mùa: Không tự ý xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà
-
2025-02-06 07:14:00
Bộ Y tế thông tin về đợt dịch cúm mùa bùng phát tại Nhật Bản
-
2025-02-05 14:14:00
Độ dày võng mạc có liên quan đến bệnh tiểu đường tuýp 2 và sa sút trí tuệ
Bộ Y tế đề xuất đưa vaccine phòng phế cầu vào Chương trình tiêm chủng
Dịch cúm Nhật Bản nguy hiểm cỡ nào nhìn từ trường hợp tử vong của Từ Hy Viên?
Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi: Nhiều quyền lợi mới cho người bệnh
Số bệnh nhân trẻ tuổi đột quỵ gia tăng trong dịp Tết Nguyên đán
Số ca nhập viện do tai nạn giao thông, pháo nổ và ngộ độc thực phẩm Tết Nguyên đán tăng
Nỗ lực để người dân đều được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng
Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Trung: Hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh
Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Thanh Hóa - Địa chỉ tin cậy của người dân