Bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, hô hấp nhập viện gia tăng
Thời tiết rét đậm, rét hại, lượng bệnh nhân nhập viện tại các cơ sở y tế gia tăng. Các mặt bệnh phổ biến là bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh lý viêm đường hô hấp.
Phụ huynh đưa con đến khám, điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hoá.
Tại Bệnh viện Nhi Thanh Hoá, rất nhiều phụ huynh đưa con nhập viện khám, điều trị các bệnh lý viêm đường hô hấp. Chị L.Th.M., có con hơn 4 tuổi phải nhập viện điều trị, cho biết: "Gần 1 tháng nay, con bị sổ mũi, ho, thở khò khè phải đi viện điều trị với chẩn đoán viêm phổi cấp. Vừa mới ra viện được hai tuần thì trời trở lạnh, con lại thấy khó thở, sốt cao và co giật nên lại phải nhập viện điều trị".
Thạc sĩ, bác sĩ Hà Hoàng Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hoá, cho biết: "Thời tiết rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người, đặc biệt là trẻ em - đối tượng có sức đề kháng rất yếu. Trong đợt rét này, số lượng bệnh nhi đến khám trung bình một ngày khoảng 700 – 800, trong đó có khoảng 1/3 số bệnh nhân phải nhập viện điều trị nội trú. Các bệnh lý thường gặp chủ yếu về đường hô hấp (viêm phế quản, tiểu phế quản, viêm phổi...). Để phòng ngừa các bệnh lý nói chung và các bệnh đường hô hấp nói riêng trong những ngày rét đậm, rét hại, phụ huynh cần giữ ấm cho cơ thể cho trẻ. Bên cạnh đó, cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ trong thời tiết này; tăng cường cho bé uống nhiều nước và tránh ăn các đồ ăn, đồ uống lạnh; tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch cho trẻ để phòng ngừa các bệnh lý có thể xảy ra".
Bác sĩ CK1 Phạm Đình Lâm, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi khuyến cáo thêm, đối với trẻ nhỏ, hạn chế cho trẻ ra ngoài khi nhiệt độ ngoài trời quá thấp, nhất là trẻ sơ sinh, các bậc cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ bằng việc đảm bảo không khí ấm áp trong phòng, tuyệt đối không sử dụng than củi trong phòng kín, sử dụng lò sưởi phải bảo đảm an toàn về điện. Khi thấy trẻ bị ho kéo dài, sốt cao, bỏ bú, ngủ li bì khó đánh thức thì không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, mà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ khám và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá thăm khám cho bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, lượng bệnh nhân đến khám bệnh giảm nhưng số ca mắc bệnh lý liên quan đến hô hấp, tim mạch, cúm nhập viện điều trị lại tăng rất nhiều.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thế Anh, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cho biết, từ ngày 22/1 đến nay có 83 bệnh nhân vào khoa điều trị nhồi máu cơ tim cấp, tăng huyết áp cấp cứu, đợt cấp của suy tim, suy tim kèm theo viêm phổi, riêng trong ngày 22/1 có 40 bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng phải nằm phòng cấp cứu.
Bác sĩ CK 2 Nguyễn Trung Dũng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá thông tin thêm: Thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ giảm sâu nên nếu không có các biện pháp phòng, tránh thì người già, trẻ em với khả năng miễn dịch yếu dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, cơ xương khớp. Trong những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân liên quan đến các bệnh lý như trên đến thăm khám khá đông. Nguy hiểm nhất là trong thời tiết lạnh, đối với những người bị các bệnh lý nền như: huyết áp, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, tăng cholesterol... rất dễ bị đột quỵ. Thực tế, cứ vào mùa lạnh, số lượng bệnh nhân bị đột quỵ đến cấp cứu, điều trị tại bệnh viện gia tăng hơn so với những thời điểm bình thường".
Cũng theo bác sỹ Dũng, để phòng các bệnh lý đường hô hấp, tim mạch, mọi người cần hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 9 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Khi ra ngoài nên trang bị đủ trang phục che chắn được gió lùa như áo khoác, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang. Những người bị mắc các bệnh tim mạch, các bệnh hô hấp mạn tính, cơ xương khớp... đã được chẩn đoán phải chú ý tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trước tình hình rét đậm, rét hại, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1404/CĐ-TTg về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; Bộ Y tế đã có Công văn số 8344/BYT-MT về việc thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân trước ảnh hưởng của rét đậm, rét hại gửi các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Các ngành, đơn vị liên quan đã hướng dẫn, khuyến cáo người dân trong cộng đồng thực hiện các biện pháp dự phòng, phòng chống rét hiệu quả, đảm bảo an toàn sức khỏe, cảnh báo để người dân biết và phòng tránh các tai nạn do sưởi như bỏng và đặc biệt phòng, chống ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi trong không gian kín.
Bệnh nhân nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nga Sơn.
Sở Y tế Thanh Hóa đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đảm bảo bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp; tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân, bảo đảm phòng chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Tại nhiều bệnh viện đã bố trí thêm bác sĩ làm việc tại khu vực khám bệnh vào buổi sáng để giảm thiểu thời gian chờ đợi cho bệnh nhân. Đồng thời bố trí, sắp xếp bệnh nhân ở tại các phòng có điều hòa 2 chiều theo thứ tự ưu tiên về tình hình sức khỏe và bệnh tật.
Tô Hà
{name} - {time}
-
2025-01-14 15:00:00
Những cách để phòng ngừa bệnh do virus gây viêm phổi trên người
-
2025-01-14 08:08:00
Đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy 4 mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng
-
2024-01-25 14:58:00
Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa hiến máu cứu sản phụ nguy kịch
Phòng chống đột quỵ ở người trong đợt rét đậm đầu tiên năm 2024
Cần khoảng 120.000 đơn vị máu dự trữ cung cấp cho 182 cơ sở y tế
Liên hoan, tiệc tùng cuối năm - Đừng quên bảo vệ gan!
Tăng cường bảo đảm phòng chống rét cho người bệnh khi thời tiết lạnh
Hai cháu bé nghi ngộ độc sau ăn bim bim, mì cay đang hồi phục kỳ diệu
WHO cảnh báo nguy cơ dịch bệnh mới nguy hiểm gấp 20 lần COVID-19
Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi bệnh Thalassemia
Quan tâm khám, sàng lọc thai kỳ cho sản phụ
Các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa lạnh và cách phòng tránh