Ánh sáng đang về nơi “biệt lập”
Từ khi Viettel dựng cột tiếp sóng, bản Ón có sóng di động. Sau đó, điện lưới quốc gia về bản. Có điện, người dân mua sắm ti vi để xem thời sự, tìm hiểu, học hỏi những mô hình kinh tế phù hợp với miền núi, với bản mình, gia đình mình.
Khu tái định cư của 42 hộ dân ở bản Ón.
Tứ bề là núi đồi hiểm trở nên nhiều năm rồi đồng bào dân tộc Mông ở bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát) luôn sống trong tình trạng gần như “biệt lập”.
Bản Ón có 7,4km đường biên giới giáp với huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào) và giáp với huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Được sự dẫn đường của cán bộ UBND xã Tam Chung, chiếc xe máy “cà tàng” gầm lên đưa chúng tôi đi. Cách trung tâm xã chỉ tầm 20km, nhưng phải mất gần 2 tiếng đồng hồ mới đến được bản. Con đường đang thi công ven sườn núi ngổn ngang đất đá. Anh cán bộ xã bảo rằng may hôm nay trời đẹp, mưa nhỏ nên xe vẫn đi được. Nếu trời mưa to bùn có thể ngập đến 1/3 bánh xe máy. Dù khó khăn là vậy, nhưng con đường này vẫn giúp khai thông sự biệt lập cho bản Ón.
Giữa những nếp nhà in đậm văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, khu tái định cư của 42 hộ dân ở Ón sạch sẽ, phong quang. Đợt lũ năm 2018 đã cuốn trôi nhà cửa, tài sản, nhiều hộ dân phải sống cảnh “màn trời chiếu đất”. Năm 2022, UBND tỉnh phê duyệt đầu tư dự án: Khu tái định cư tập trung, phục vụ di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu vực có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở, với nguồn vốn hơn 15 tỷ đồng trên diện tích hơn 3ha. Mỗi hộ dân được cấp 150m2 đất ở, hỗ trợ tiền dựng nhà và phát triển kinh tế.
Đường vào bản Ón lầy lội trong ngày mưa.
Những hộ người Mông ở bản Ón di cư từ các tỉnh phía Bắc vào những năm 90 của thế kỷ trước. Nếu như xã Tam Chung là địa đầu của huyện Mường Lát và tỉnh Thanh Hóa thì bản Ón là địa đầu của xã Tam Chung. Cột mốc 270 tiếp giáp với nước bạn Lào lại là địa đầu của bản Ón. Do vị trí địa lý đặc biệt, bản Ón một thời là địa điểm tập kết của những đối tượng buôn “hàng trắng”. Ban đầu chúng kết thân rồi lôi kéo những thanh niên ăn chơi vào con đường nghiện ngập. Mối họa từ đó cứ lớn dần, nhiều người của bản đã không cưỡng nổi sự dụ dỗ của “con ma trắng”. Hậu quả để lại là bản làng tan hoang, xơ xác, nhiều gia đình ly tán.
Năm 2006, Đồn Biên phòng Tam Chung về đóng tại bản. Nhằm nâng cao nhận thức của dân bản, cán bộ biên phòng thường xuyên vận động Nhân dân tham gia các lớp học xóa mù chữ. Ngoài ra, thường xuyên phối hợp với cán bộ địa phương bám bản, vận động Nhân dân từ bỏ những hủ tục, không tham gia buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới và cai nghiện ma túy... Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay những hủ tục đã dần được xóa bỏ, tình trạng buôn bán vận chuyển ma túy dần được kiểm soát; người nghiện ma túy được đi cai nghiện tập trung.
Về kinh tế, bà con biết trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật cây ngô lai trên đồi đất dốc, trồng lúa nước, trồng rừng. Cụ thể, cả bản trồng được 2ha lúa nước, 30ha quế và đang trồng thử nghiệm nhiều loại cây ăn quả như xoài, cam... Cùng với đó, bà con nuôi được 150 con trâu, 250 con bò, hơn 1.000 con gia cầm. Đến nay, bản đã không còn hộ đói, 3/117 hộ đã thoát nghèo. Nhiều hộ đã có thu nhập khá như hộ anh Giàng A Khoa, Giàng A Chìa, Giàng A Sào... mỗi hộ có hơn 20 con trâu, bò trở lên.
Khu tái định cư của 42 hộ dân ở bản Ón.
Từ khi Viettel dựng cột tiếp sóng, bản Ón mới có sóng di động. Sau đó, điện lưới quốc gia về bản. Có điện, người dân mua sắm ti vi để xem thời sự, tìm hiểu, học hỏi những mô hình kinh tế phù hợp với miền núi, với bản mình, gia đình mình; mua máy xay xát để giảm bớt vất vả cho phụ nữ khi phải xay giã thóc gạo mỗi sáng, mỗi chiều... Con em người Mông lớn lên vượt qua những ngọn núi, tìm về các khu công nghiệp, xin làm công nhân hoặc lao động chân tay tại các thành phố lớn. Nhờ thế, bản từng bước thay da đổi thịt.
Khi màn đêm buông xuống, khu tái định cư bản Ón bừng sáng ánh điện. Những hình ảnh về mô hình phát triển kinh tế miền núi đang phát trên chiếc ti vi đặt ở nhà trưởng bản Giàng A Chống thu hút ánh nhìn của những người dân bản đến chơi. Trong câu chuyện giữa vị trưởng bản và dân làng, tôi biết họ đến tìm anh để bàn cách làm ăn, phát triển kinh tế. Và tôi tin rằng, đồng bào dân tộc Mông nơi đây sẽ sớm thoát nghèo bởi đường giao thông, điện lưới quốc gia đang từng bước “gỡ” thế “biệt lập” của miền đất còn nhiều gian khó này.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2024-12-24 23:43:00
TP. Thanh Hoá rộn ràng đêm Giáng sinh
-
2024-12-24 20:45:00
Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân”
-
2024-11-22 10:26:00
Cận cảnh hiện trường gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước
Chung tay xóa nhà tạm, dột nát: Mái ấm cho đồng bào trong kỷ nguyên vươn mình
Đường sắt tốc độ cao sẽ chỉ cần tối đa 6,6 giờ chạy hành trình Bắc-Nam
Nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TP Thanh Hóa
Chàng trai 9x lan tỏa hương vị truyền thống trên sàn thương mại điện tử
Khánh thành, bàn giao nhà ở cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Như Xuân
Hội LHPN huyện Hậu Lộc nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình
“Bật đèn xanh” cho dạy thêm, học thêm (Bài 2): Các nhà trường nói gì?
Hỗ trợ tiền điện sinh hoạt hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn tỉnh
Nỗ lực “Không để ai bị bỏ lại phía sau”