(Baothanhhoa.vn) - Đời văn sĩ, ắt hẳn sẽ có hơn một lần cầm bút viết về quê hương, bản quán, nguồn cội sinh ra và nuôi dưỡng mình lớn khôn. Tình cảm gắn bó thiêng liêng, sâu sắc ấy đã chắp cánh cho nhiều cây viết thăng hoa, làm nên những tác phẩm văn học - nghệ thuật ấn tượng, có sức sống bền lâu trong trái tim độc giả. Tập thơ “YAO” của nhà thơ Lý Hữu Lương ra đời trong mạch nguồn cảm xúc dạt dào, tự nhiên, thuần khiết ấy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“YAO” - khúc tự tâm về dân tộc mình

Đời văn sĩ, ắt hẳn sẽ có hơn một lần cầm bút viết về quê hương, bản quán, nguồn cội sinh ra và nuôi dưỡng mình lớn khôn. Tình cảm gắn bó thiêng liêng, sâu sắc ấy đã chắp cánh cho nhiều cây viết thăng hoa, làm nên những tác phẩm văn học - nghệ thuật ấn tượng, có sức sống bền lâu trong trái tim độc giả. Tập thơ “YAO” của nhà thơ Lý Hữu Lương ra đời trong mạch nguồn cảm xúc dạt dào, tự nhiên, thuần khiết ấy.

“YAO” - khúc tự tâm về dân tộc mình

Tập thơ YAO của nhà thơ Lý Hữu Lương.

Nhà thơ 8x Lý Hữu Lương, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội sinh ra và lớn lên trên bản Khe Rộng - bản của người Dao Quần chẹt trên núi Bàn Mai (xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái). “YAO” là tập thơ thứ 3 của anh vừa ra mắt bạn đọc. Tập thơ mỏng mảnh với 35 bài thơ được Lý Hữu Lương ấp ủ, xây đắp suốt 10 năm.

Có cẩn trọng, có “lỡ nhịp” quá chăng giữa ào ào “cơn mưa” xuất bản thơ như hiện nay? Nhưng cũng chính “cơn mưa” ấy lại giúp độc giả nhận ra đâu là giá trị văn học thực sự. Cẩn trọng là một phẩm chất tốt, trong bất kỳ công việc gì cũng vậy, với văn chương lại càng có ý nghĩa đặc biệt hơn. Hơn hết, sự cẩn trọng khi viết về quê hương, nguồn cội, dân tộc mình cũng là cách mà Lý Hữu Lương thể hiện sự tự trọng của người cầm bút và tấm chân tình, lòng thành từ người con của bản, của núi rừng, của Dao tộc. Bởi tất cả nghĩa - tình ấy mà “YAO” đặc biệt, lôi cuốn, hấp dẫn giữa bạt ngàn rừng thơ. “YAO” mượn âm từ tiếng Hán (phiên âm: Pinyin (Yáo zú), nghĩa là Dao tộc), cũng là từ được cộng đồng người Dao ghi nhận như một cách viết tên dân tộc mình. Lý Hữu Lương viết về YAO là viết về nguồn cội mình, dân tộc mình đó.

Cánh cửa thơ mở ra, những con chữ, thi ảnh dội lại, làm nên bữa tiệc cảm xúc. Đâu đâu cũng thấy YAO, bài thơ nào cũng về YAO, nhất mực như thế. YAO là chủ thể của cảm xúc, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tập thơ. Những bài thơ ngay từ nhan đề đã cung cấp ID nhận diện tộc người: “Cấp sắc”, “Cỏ bông đỏ”, “Bài ca thiên di”, “Bông áo đỏ”, “Lên Bàn Mai mùa này”, “Người Dao”, “Páo Dung em hát mấy câu rồi?”, “Tiếng nói dân tộc tôi”, “Miên viễn”...

YAO là niềm tự hào, là khác biệt, là lợi thế của Lý Hữu Lương. Chẳng ai có thể hiểu và viết về tâm tư, tình cảm của dân tộc Dao tỉ mỉ, sâu sắc bằng chính người con được sinh ra và lớn lên trong cộng đồng ấy. YAO được viết nên bằng xúc cảm, ngôn ngữ trái tim, thanh âm ký ức, hình ảnh dung dị, gần gũi đời thường: “Người Dao mình/ Ăn xôi ngũ sắc/ Cúng gia tiên bằng lợn, bằng gà/ Trai lớn thì cấp sắc/ Cho bảng văn dài mấy nét thêu áo người/ Sống thẳng ngay như lòng vỏ dao tay/ Ăn trăm năm bồ hóng trên vách/ Người Dao mình/ Không biết giận cái nhỏ/ Không tham nghĩ cái lớn/ Thương sức mình núi chất/ Mà nghĩa tình thủy chung” (Người Dao).

“Viết cho dân tộc tôi”, Lý Hữu Lương khắc họa chân dung Dao tộc với tất cả những gì chân thực, hồn hậu, gần gũi nhất trong tình yêu thương, sự kính trọng vô bờ: “Viết cho dân tộc tôi/ Cho những phận người cỏ dại/ Cho những kìm miền/ Chao cõi ngày buồn như mặt đá/ Ngủ trăm năm trên núi không người”. “Khuôn mặt làng” hiện lên thật sắc nét. Đó là những “sớm chiều bình yên xênh xao đầu núi”, “đá cỏ và măng vồng sau mưa”, những người “đo đời mình bằng tiếng chuột rúc”, “những đôi chân phạt lối”, “tiếng cười nơi đầu nước”, “máng nước về thênh thang trở dốc”, “bấm mây trắng trên đầu mười ngón chân”...

Lý Hữu Lương viết “Cấp sắc” với vỏn vẹn 20 câu mà như đang dệt nên bức tranh lễ hội sinh động, chân thực bằng ngôn ngữ, hình ảnh, nhịp điệu thơ và thành công gói gọn, chuyển tải thông điệp, giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống đồng bào Dao đến với độc giả: “Tù và nấc lên, lạp xèng theo ngả trống/ Áo quần bùng men nghiêng nhịp múa/ Soi ánh đuốc cuộc viễn du chênh chao/ Hồn tộc người kéo nhau bay qua cửa/ Thấy trăm năm ngắn lại một ngày”.

Khi viết về tộc người, viết về vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dường như, chúng ta đã quá quen với giọng điệu, xúc cảm ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên, rung động trước nụ cười sơn nữ, say lơi lả men rượu cần, men lá, bừng bừng trong ánh lửa bập bùng đêm lăm vông, đắm say áng xường... Đó là cách nhìn, cách cảm của người ngoài cuộc vì duyên cớ nào đó ghé chơi, mang tâm thức của người vãn cảnh, cho phép mình “sống khác” đi trong một không gian hoàn toàn mới mẻ. Tiếng thơ của người trong cuộc, viết cho dân tộc mình cho ta cảm xúc, thi ảnh khác biệt: “Tôi viết cho dân tộc tôi/ Không ngợi ca những dáng váy/ Tôi thương những lưng cong/ Người luồn rừng đều cong cong/ Tôi viết cho dân tộc tôi/ Con cháu Bàn Hồ, dao quắm và đùm muối/ Giắt trên mái lá/ Đã vàng bao truyền thuyết/ Thần linh trú ngụ trong tim và đôi chân/ Thần linh đi bốn phương tám đất/ Trong bao hồn bơ vơ.../ Tôi viết cho dân tộc tôi/ Những người nhóm lửa ngoài kia/ Còn những đôi mắt sáng trên làn da sạm/ Trong bao hồn bơ vơ...”.

Lý Hữu Lương viết như là người được gửi gắm, lựa chọn để đại diện cho dân tộc mình kể chuyện cha ông: “Chúng tôi đã đi như thế/ Quê quán cố tổ nằm đâu đó/ Xanh những nấm mồ vô danh/ Ngần ngật trăng xối ôi nền cũ/ Lũ chúng tôi đã đi/ Như là một lãng quên [...] Đi suốt hai ngàn năm/ Chân chưa tới đồng bằng/ Ngủ suốt hai ngàn năm/ Vẫn một mộng thiên di”. Nếu không có sự gắn kết vô hình, giữa hai bờ sinh - tử, thực - ảo, tỉnh - mộng, giữa tiên tổ với người hậu duệ được lựa chọn thì “Sinh mệnh” được viết nên từ nguyên cớ nào mà mộng mị, sâu sắc, thiêng liêng tới vậy: “Bài ca về cuộc thiên di mười hai họ người Dao/ Ướt bao nhiêu manh chiếu/ Trên những nấm đất dưới cỏ/ Người ngủ cả rồi/ Và chúng ta vẽ lên mặt tổ tiên/ Những truyền thuyết/ Về đất/ Về máu/ Về sự tôn thờ đồn đoán”. Trong những suy tư, trăn trở về “thân phận tộc người”, “về những ngọn núi dưới trời Lĩnh Nam”, về nguồn cội tiên tổ, ý thơ cứ lặp đi lặp lại như lời nhắc nhớ, lời thức tỉnh, hiệu triệu: “Đất như là sinh mệnh/ Của cỏ/ Của cây/ Của những bàn chân”. Điệp khúc ấy là lời tổ tiên răn dạy cháu con và cũng chính là lời Lý Hữu Lương nhắc nhở chính mình? Dẫu đi xa đến góc bể chân trời đừng quên cội nguồn, gốc gác mình, quên mảnh đất cằn cỗi, nghèo khó đã cho ta cuộc sống, căn cước vào đời.

Cùng với sự lặp đi lặp lại của những hình ảnh thơ như: lễ cấp sắc, cỏ bông đỏ, điệu Páo Dung như một dấu hiệu nhận biết tộc người thì có lẽ, “thiên di” là cụm từ được lặp đi lặp lại nhiều lần nhất trong tập thơ YAO. Đọc và cảm nhận để thấy rằng: “Thiên di” trong tập thơ YAO vừa quen thuộc, gần gũi mà cũng thật sắc cạnh, mới mẻ, khoáng đạt, mênh mông và sâu thẳm. Tựa hồ như mà phần đông chúng ta vẫn thường nói, thường nghe, thậm chí thường viết về người Dao vậy mà trong số ấy, có bao nhiêu người thực sự thấu hiểu, tường tận, rộng mở nhận thức về “một dân tộc nhỏ trên đầu ngàn trái núi lớn” này. Đúng như Lý Hữu Lương từng bộc bạch: “Thiên di cũng chính là không thiên di, là trở về”. Theo ý niệm đó, sự lặp đi lặp lại của “thiên di” càng có ý nghĩa sâu sắc khi lời nhắc nhở của cha ông cứ vang vang trong thơ Lý Hữu Lương: “Đất như là sinh mệnh”. Những bài thơ khác trong tập thơ YAO như: “Sinh mệnh”, “Mạch rồng”, “Thượng cổ”, “giấc mơ”, “ngực nhỏ”, “Phả hệ”... cũng đã góp phần ghi tạc một nỗi thiên di.

Và có lẽ, sẽ không là chủ quan khi cho rằng: “Bài ca thiên di” chính là khúc tráng ca mà Lý Hữu Lương dành tặng cho dân tộc mình. Ở đó có chất sử thi: “Dao thắt lưng hồn muôn trùng/ Đi. Đi thôi. Ngựa hí rồi”. Những cuộc thiên di đưa Dao tộc về đâu? Nhưng về đâu là do bàn chân kiên cường, mạnh mẽ bước, để rồi: “Sống trăm ngày không quần áo đẹp/ Chết một lần mặc đẹp nhất/ Dẫu chết ở trăm núi ngàn sông/ Hồn vượt biển về Dương Châu đại điện”. Ở đó có chiều sâu văn hóa kết đọng tự hàng nghìn năm: “Lũ chúng tôi dại khờ/ Lũ chúng tôi hiền từ/ Lấy cỏ cây làm linh vật/ Thờ tổ tiên để mà nhớ/ Cố thổ nằm nơi đâu”. Và có một chút gì bi thương, xa xót: “Tôi gọi tộc người mình là Nỗi buồn/ Nỗi buồn thiên di/ Nỗi buồn củi nhỏ/ Cháy ủ ê qua mười kiếp người/ Đỏ than dăm mười kiếp nữa [...] Những nỗi buồn có màu da người/ Những nụ cười màu da người/ Trôi như mơ trên dòng lũ/ Trăm kiếp tha phương một tha hương”.

Sau những cuộc thiên di, khi đã đi qua những vỉa tầng văn hóa, bản sắc dân tộc, đã sống lại những hồi ức đẹp cùng bản làng, Lý Hữu Lương khép lại tập thơ nhỏ bằng những giấc mơ: “Hai núi hai vai/ Mây trắng huy hoàng”, bằng cái cúi đầu “lạy tạ tổ tiên”, “lạy tạ mẹ”, bằng lời thơ dành tặng “những người vừa đi vừa lau nước mắt/ những người đi xa khỏi cõi linh hồn...”. YAO là bản sắc, là tấm lòng, là tâm hồn, trí tuệ kết tinh thành câu chữ. Vì thế nên YAO độc đáo, hấp dẫn và xứng đáng được nâng niu, trân trọng.

Bài và ảnh: Hương Thảo


Bài và ảnh: Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]