(Baothanhhoa.vn) - Khoác trên mình hai màu áo: Màu áo xanh công an và tấm áo blouse trắng, những năm qua, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) làm công tác y tế trong lực lượng Công an Thanh Hóa đã luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho CBCS và nhân dân. Đặc biệt, từ tháng 9-2017 đến nay, Bệnh viện Công an tỉnh đã triển khai khám, chữa bệnh theo BHYT cho nhân dân, góp phần cùng với ngành y tế của tỉnh nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những người thầy thuốc, chiến sĩ Công an Thanh Hóa

Khoác trên mình hai màu áo: Màu áo xanh công an và tấm áo blouse trắng, những năm qua, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) làm công tác y tế trong lực lượng Công an Thanh Hóa đã luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho CBCS và nhân dân. Đặc biệt, từ tháng 9-2017 đến nay, Bệnh viện Công an tỉnh đã triển khai khám, chữa bệnh theo BHYT cho nhân dân, góp phần cùng với ngành y tế của tỉnh nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Những người thầy thuốc, chiến sĩ Công an Thanh Hóa

Y, bác sĩ Bệnh viện Công an tỉnh thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân.

Được thành lập từ năm 2014, đến nay Bệnh viện Công an Thanh Hóa có 4 khoa, phòng với 39 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có 14 bác sĩ được đào tạo chuyên sâu cấp 1 ở các lĩnh vực nội khoa, chẩn đoán hình ảnh, phục hồi chức năng, chuyên khoa răng, hàm mặt... Ngoài ra, Công an tỉnh còn có 28 đầu mối y tế thuộc công an các huyện, thị xã, thành phố và Trại tạm giam Công an tỉnh. Mặc dù lực lượng mỏng, trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh còn nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong lực lượng Công an Thanh Hóa đã không ngừng học hỏi, nâng cao y đức và trình độ chuyên môn, mạnh dạn nghiên cứu, áp dụng những thành tựu y học và kỹ thuật tiên tiến, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chẩn đoán, điều trị bệnh cho CBCS và nhân dân.

Đại úy - bác sĩ Lê Thị Thủy, Phó Giám đốc Bệnh viện Công an tỉnh, cho biết: Hiện nay, với việc đầu tư nâng cấp hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại như: Máy xét nghiệm sinh hóa tự động, máy xét nghiệm miễn dịch, máy nội soi tai - mũi - họng, máy châm cứu dò huyệt, máy kéo dãn cột sống..., cùng đội ngũ cán bộ y, bác sĩ có chuyên môn, luôn tận tâm, tận lực hết lòng vì người bệnh, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho CBCS và nhân dân ở Bệnh viện Công an tỉnh đã ngày càng được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, thời gian gần đây, việc mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ và một số kỹ thuật mới được sử dụng trong công tác khám, chữa bệnh đã giúp cho Bệnh viện Công an tỉnh chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, có hiệu quả nhiều ca bệnh khó, phức tạp. Từ đầu năm 2019 đến nay, Bệnh viện Công an tỉnh đã tổ chức khám và điều trị cho trên 20 nghìn lượt bệnh nhân. Trong đó, điều trị nội trú gần 1.500 bệnh nhân, chuyển viện tuyến trên cho 268 trường hợp đồng thời tăng cường các xét nghiệm cận lâm sàng, nội soi, phẫu thuật thủ thuật...

Một trong những yếu tố tạo nên uy tín của Bệnh viện Công an tỉnh đó là, bên cạnh cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại, chất lượng điều trị đạt hiệu quả cao, còn là phong cách phục vụ, thái độ niềm nở, ân cần của cán bộ, đội ngũ y, bác sĩ, qua đó tạo được niềm tin và sự yên tâm cho những bệnh nhân khi đến thăm khám và điều trị. Chị Đặng Anh Đào ở xã Thọ Bình (Triệu Sơn) bị mắc bệnh dạ dày hơn 10 năm nay. Mặc dù đã đi thăm khám và điều trị ở rất nhiều cơ sở y tế nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Sau khi được giới thiệu đến Bệnh viện Công an tỉnh, được các bác sĩ ở đây thăm khám, giải thích về tình trạng bệnh cũng như lên phác đồ điều trị. Sau một thời gian nằm điều trị nội trú, tình trạng bệnh đã tiến triển. Chị rất hài lòng và hoàn toàn yên tâm bởi thái độ phục vụ tâm huyết, sự cởi mở, gần gũi của đội ngũ y, bác sĩ nơi đây.

Song song với công tác khám và điều trị bệnh, hàng năm Bệnh viện Công an tỉnh còn phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho CBCS trong lực lượng Công an Thanh Hóa. Thông qua đó đã kịp thời phát hiện một số bệnh thường gặp để có biện pháp phòng ngừa, điều trị, nâng cao sức khỏe cho CBCS. Đồng thời tổ chức khám sức khỏe tuyển sinh, tuyển dụng cho hàng trăm lượt học sinh thi vào các trường công an nhân dân, công dân phục vụ có thời hạn trong lực lượng công an theo đúng quy định.

Không chỉ đảm bảo tốt công tác khám, tư vấn, điều trị bệnh cho CBCS và nhân dân, Bệnh viện Công an tỉnh còn luôn chủ động và tích cực làm tốt công tác y tế cộng đồng, xã hội từ thiện, nhân đạo, tổ chức khám bệnh và cấp thuốc cho đồng bào, đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn tại các vùng miền núi, vùng bị ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt; tham gia hiến máu tình nguyện... Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và tiềm ẩn những nguy cơ không nhỏ đối với sức khỏe của CBCS và người dân, Bệnh viện Công an tỉnh đã phối hợp với công an các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho CBCS và nhân dân về tình hình dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, thành lập 2 đội phun thuốc phòng dịch, tổ chức triển khai ngay việc phun hóa chất để khử khuẩn phòng, chống dịch đối với tất cả các phòng làm việc, trụ sở cơ quan, doanh trại, nhà ăn, khuôn viên các đơn vị trực thuộc Công an tỉnh và công an các huyện, thị xã, thành phố.

Với đặc thù công việc, những người thầy thuốc, chiến sĩ Công an Thanh Hóa còn tận tâm, tận tụy chăm sóc sức khỏe cho cả những bệnh nhân rất đặc biệt. Đó là những can phạm, phạm nhân đang cải tạo, giam giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Những tấm lòng của người chiến sĩ áo trắng ấy được thể hiện bằng sự hết lòng vì người bệnh, cho dù họ là những đối tượng nghiện ma túy hay bị mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao.

Thượng úy - bác sĩ Mai Xuân Vĩnh, bệnh xá trưởng Trại tạm giam Công an tỉnh - người đã nhiều năm gắn bó với công tác chăm sóc sức khỏe cho can phạm nhân ở đây chia sẻ: Nhiều can phạm nhân có tiền sử mắc bệnh từ trước khi vào trại nhưng hầu hết đều giấu bệnh. Thậm chí, có nhiều trường hợp bị nhiễm HIV, lao phổi từ bên ngoài nhưng không chịu khai báo để điều trị. Chỉ đến khi bệnh nặng, xuất hiện các triệu chứng lâm sàng và qua công tác xét nghiệm, chẩn đoán mới phát hiện ra tình trạng bệnh lý của can phạm nhân. Như trường hợp can phạm Gia Cá Dính, sinh năm 1957 ở xã Nhi Sơn (Mường Lát) khi bị đưa vào giam giữ tại trại tạm giam đã bị mắc bệnh viêm phổi nặng nhưng được sự chăm sóc tận tình, chu đáo của các y, bác sĩ Trại tạm giam Công an tỉnh đến nay bệnh tình đã thuyên giảm. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng trên hết với tình yêu nghề, đội ngũ y, bác sĩ nơi đây đã chấp nhận hy sinh, vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tình người ấm áp chính là động lực để các can phạm nhân yên tâm cải tạo sớm hoàn lương, tái hòa nhập cộng động.

Bài và ảnh: Hà Phương

(Công an tỉnh)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]