(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và ngành y tế huyện Thạch Thành đã tăng cường đầu tư, củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm cho người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt nhất.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Thạch Thành củng cố mạng lưới y tế cơ sở

Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và ngành y tế huyện Thạch Thành đã tăng cường đầu tư, củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm cho người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt nhất.

Nhân viên Trạm Y tế xã Thành Long chăm sóc vườn cây thuốc nam.

Xã Thành Long có số dân 6.332 người, trong đó dân tộc Mường chiếm 85%, đồng bào theo đạo Thiên chúa chiếm 65%. Để bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, trạm y tế xã đã duy trì lịch trực 24 giờ/ngày, phân công cán bộ bám cơ sở, chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh, truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức cho người dân về cách tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Hàng năm, trạm y tế phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhờ vậy trong những năm qua, trên địa bàn xã không có dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, trạm y tế còn bám sát các chương trình mục tiêu y tế quốc gia để triển khai trong toàn xã. Hàng năm trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin đạt 98%; trẻ em 6 đến 60 tháng tuổi được uống vitamin A 2 lần trong năm đạt 98%, được cân đo đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng đạt 95,7%; phụ nữ sinh con được khám thai 3 lần trở lên trong 3 thời kỳ thai nghén đạt trên 70%...

Là người gắn bó với trạm y tế xã đã nhiều năm, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoài, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thành Long, cho biết: Năm 2012 Thành Long được công nhận xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020, cơ sở vật chất phục vụ công tác khám, chữa bệnh được quan tâm đầu tư. Tại trạm có 150 danh mục trang thiết bị/176 danh mục theo quy định, đạt 85,2%; 100% nhân viên y tế thôn, bản được cấp túi y tế thôn theo danh mục đã được Bộ Y tế ban hành và bổ sung vật tư tiêu hao kịp thời, được cấp gói đẻ sạch. 5 tháng năm 2018 trạm đã thực hiện khám cho 2.220 bệnh nhân, điều trị nội trú 201 bệnh nhân, điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền 734 bệnh nhân; thực hiện tốt khâu xử lý ban đầu, cấp cứu kịp thời khi bệnh nhân đến trạm và chuyển tuyến kịp thời những trường hợp ngoài khả năng chuyên môn, không để xảy ra biến chứng do chuyển tuyến chậm.

Để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngay tại tuyến cơ sở, huyện Thạch Thành đã huy động nhiều nguồn lực, trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia về y tế để đầu tư, nâng cấp các trạm y tế xã, thị trấn. Đến cuối năm 2017, có 28 trạm y tế được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới (trong đó có 1 trạm xây mới đã hoàn thành, 3 trạm đang xây với kinh phí đầu tư hơn 2 tỷ đồng/trạm). Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên y tế cơ sở cũng được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng từng bước nâng cao trình độ, tay nghề, bảo đảm 100% trạm y tế có bác sĩ (trong đó 10 trạm có 2 bác sĩ, 1 trạm có 3 bác sĩ). Hàng năm ngành y tế cũng thường xuyên cử cán bộ về các trạm y tế để hỗ trợ chuyên môn và cấp mới nhiều trang thiết bị thiết yếu. Nhờ đó đến nay toàn huyện đã có 25/28 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, các xã còn lại đang phấn đấu thực hiện đạt Bộ tiêu chí trong lộ trình sớm nhất.

Cùng với việc thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc trong huyện, các trạm y tế xã, thị trấn còn chú trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức cho người dân về cách tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu, chủ động phòng, chống dịch bệnh. Đội ngũ cán bộ trạm y tế và cộng tác viên y tế ở các thôn, bản còn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động bà con sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, quét dọn vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng... Nhờ đó, ý thức của người dân cũng được nâng lên rõ rệt, tập quán sinh hoạt lạc hậu đang dần thay đổi, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều năm trên địa bàn huyện không có dịch bệnh lớn xảy ra; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng theo cân nặng giảm xuống còn 14,2%, theo chiều cao còn 24,3%, tỷ lệ phụ nữ mang thai được quản lý đạt 98%. Trong 5 tháng đầu năm 2018, lượng bệnh nhân đến khám tại các trạm y tế của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đạt 52% so với kế hoạch năm, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quy trình kỹ thuật chuyên môn tại các trạm được thực hiện nghiêm túc, các y, bác sĩ tại các trạm y tế đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phục vụ người bệnh.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện chia sẻ: Mặc dù vẫn còn một số trạm y tế hoạt động khó khăn do đang chờ được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhưng với tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc, các cán bộ y tế cơ sở đều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, phong cách thái độ phục vụ ngày càng được đổi mới thông qua công tác khám, điều trị, chăm sóc, hướng dẫn người bệnh. Tuy nhiên, để tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, trong thời gian tới, cùng với ngành y tế, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể huyện Thạch Thành cần quan tâm đầu tư hơn nữa về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ phù hợp cho các trạm y tế cơ sở trên địa bàn để nâng cao năng lực hoạt động cho hệ thống y tế cơ sở, tạo điều kiện cho người dân được chăm sóc sức khỏe ngay tại tuyến cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng sống cho đồng bào các dân tộc trong huyện.


Bài và ảnh: Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]