(Baothanhhoa.vn) - Từ đầu năm đến tháng 6-2019, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 85 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 75 xã, phường, thị trấn. Dù số ca mắc bệnh giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng trong thời điểm mùa hè - mùa mưa là thời điểm bệnh SXH dễ bùng phát. Dịch SXH có mức độ lây lan nhanh, vô cùng nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng của người mắc bệnh. Vì vậy, công tác phòng, chống SXH vào thời điểm này đang được ngành y tế quan tâm thực hiện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết

Từ đầu năm đến tháng 6-2019, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 85 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 75 xã, phường, thị trấn. Dù số ca mắc bệnh giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng trong thời điểm mùa hè - mùa mưa là thời điểm bệnh SXH dễ bùng phát. Dịch SXH có mức độ lây lan nhanh, vô cùng nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng của người mắc bệnh. Vì vậy, công tác phòng, chống SXH vào thời điểm này đang được ngành y tế quan tâm thực hiện.

Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết

Cán bộ y tế xã Thành Kim hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường để tránh sự phát triển của lăng quăng, bọ gậy.

Trong tháng 6-2019, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Nga Sơn và Trạm Y tế xã Nga Thủy thực hiện điều tra xác minh tình hình dịch SXH Dengue ca bệnh nội địa có kết quả xét nghiệm dương tính với virut Dengue tại thôn 3, xã Nga Thủy. Kết quả giám sát véc-tơ chỉ số BI Aedes = 25, MĐM Aedes = 0,125, không xuất hiện ca bệnh tiếp theo. Đoàn công tác đã đề nghị Trạm Y tế xã Nga Thủy tham mưu cho chính quyền địa phương làm vệ sinh môi trường, làm sạch thủy vực, tiêu diệt bọ gậy, kết hợp phun hóa chất xua diệt côn trùng trong vòng bán kính 200m xung quanh hộ gia đình bệnh nhân, không để dịch lây lan, phòng chống dịch hiệu quả, triệt để.

Còn tại huyện Tĩnh Gia, ông Nguyễn Văn Thu, phó giám đốc trung tâm y tế huyện chia sẻ: Được xác định là địa bàn trọng điểm có nguy cơ bùng phát dịch SXH do có cư dân vãng lai cao, vậy nên trước thời điểm vào mùa của dịch SXH, ngành y tế huyện đã phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai nhiều giải pháp chủ động phòng, chống dịch. Hiện nay tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã kết thúc chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, diệt lăng quăng, bọ gậy. Đối với những xã có chỉ số nguy cơ cao như: Hải Thanh, Hải Bình, Nghi Sơn đã tổ chức phun hóa chất diệt muỗi - nguồn truyền bệnh SXH.

Tại huyện Thạch Thành, trung tâm y tế huyện thường xuyên hướng dẫn người dân cách phát hiện và xử lý ổ bọ gậy tại hộ gia đình, thực hiện vệ sinh môi trường, diệt muỗi, nằm màn chống muỗi đốt. Bên cạnh đó, các cộng tác viên còn tuyên truyền, hướng dẫn người dân về kiến thức phòng bệnh, thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh; hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở định kỳ thông tin tình hình dịch bệnh tại địa bàn, khuyến cáo người dân các biện pháp phòng tránh dịch bệnh. Để kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế huyện đã chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, phối hợp cùng các đơn vị, địa phương tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao; định kỳ hằng tháng thực hiện tổng vệ sinh môi trường, tổ chức thu gom và xử lý triệt để rác thải phòng chống dịch bệnh. Với phương châm không để dịch phát sinh, trung tâm y tế huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động phòng chống dịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền từ huyện tới các xã, thị trấn. Tại các địa phương, công tác giám sát chỉ số côn trùng, véc-tơ truyền bệnh, giám sát, điều tra, thống kê ca bệnh, dịch truyền nhiễm được thực hiện thường xuyên.

Trao đổi với Tiến sĩ Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được biết: Để ngăn chặn, phòng ngừa sự bùng phát, lây lan của dịch SXH, từ đầu năm, ngành y tế đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch tại địa phương; tăng cường hoạt động giám sát nhằm phát hiện sớm nhất các ổ dịch và vùng nguy cơ bùng phát dịch SXH để phòng, chống dịch kịp thời. Đặc biệt, trung tâm đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống SXH, nhất là tại các khu vực nguy cơ cao bùng phát dịch. Trung tâm chỉ đạo các trung tâm y tế tuyến huyện, các trạm y tế xã thực hiện định kỳ theo đúng kế hoạch các hoạt động diệt bọ gậy, lăng quăng, vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi chủ động; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ tuyến huyện, xã, người phun hóa chất và đội ngũ cộng tác viên. Từ ngày 26-5 đến ngày 25-6, trung tâm đã thực hiện 6 lượt giám sát véc-tơ truyền bệnh SXH Dengue tại 6 xã thuộc 3 địa phương đó là: Thạch Thành, Tĩnh Gia và TP Thanh Hóa. Kết quả định loại véc-tơ, chỉ số MĐM và BI của loài Aedes albopictus tại xã Thành Tâm và Thành Kim đã vượt ngưỡng cảnh báo. Trước thực tế này, các địa phương đang tăng cường tuyên truyền người dân chủ động khơi thông cống rãnh trong khuôn viên gia đình, ngõ xóm, không để nước đọng tránh dịch bệnh lây lan. Ngành y tế tiến hành phun diệt muỗi tại những vùng có mật độ muỗi cao, đặc biệt tại các xã có nguy cơ cao, các xã đã có ổ dịch cũ; đã có 285 lượt xã, 433 lượt tổ/thôn tổ chức tổng vệ sinh môi trường với 129.027 lượt hộ gia đình tham gia; có 24 xã tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động với 10.007 hộ được phun... Bên cạnh đó, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố bảo đảm đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất... sẵn sàng đáp ứng nhanh khi có dịch xảy ra; các bệnh viện cũng thành lập đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho cơ sở theo phương châm “điều trị tại chỗ”; tiếp tục tổ chức phổ biến, tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH cho cán bộ y tế; các đơn vị liên quan tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trên phương tiện thông tin đại chúng về biện pháp phòng, chống bệnh SXH nhằm nâng cao ý thức phòng, chống bệnh xã hội cho cộng đồng.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]