(Baothanhhoa.vn) - Xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc) là vùng đất không chỉ giàu truyền thống lịch sử, văn hóa mà còn có nhiều di tích được xếp hạng. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn xã luôn quan tâm gìn giữ và phát huy các giá trị của các di tích.

Về vùng quê nhiều di tích lịch sử văn hóa

Xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc) là vùng đất không chỉ giàu truyền thống lịch sử, văn hóa mà còn có nhiều di tích được xếp hạng. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn xã luôn quan tâm gìn giữ và phát huy các giá trị của các di tích.

Về vùng quê nhiều di tích lịch sử văn hóaDi tích lịch sử, văn hóa nghè Đồn được xã Vĩnh Yên quan tâm gìn giữ và phát huy.

Đến Vĩnh Yên, du khách không thể không ghé thăm di tích lịch sử, văn hóa nghè Đồn tọa lạc tại thôn Thọ Đồn. Nghè được xây dựng lưng tựa vào núi Ngưu Ngọa, mặt hướng ra phía sông Mã. Đây là một trong những di tích của xã Vĩnh Yên được công nhận là di tích văn hóa, lịch sử cấp tỉnh năm 1993.

Tương truyền rằng, năm 1420 Lê Lợi đi qua ngọn núi Ngưu Ngọa thuộc xã Vĩnh Yên, thấy núi đẹp, ông và quân lính tìm đường lên đỉnh núi. Khi leo lên đỉnh, Lê Lợi phát hiện một cái giếng đường kính 2,5m, nhìn không thấy đáy. Ông đã cho quân lính lấy viên đá khắc 6 chữ “Thủy thần hộ quốc cứu dân”, rồi thả xuống giếng. Năm 1421, quay trở lại núi Ngưu Ngọa, Lê Lợi thấy viên đá khắc chữ đã thả xuống giếng, nay lại xuất hiện ngay trước mặt, ông đã cho quân lính lấy viên đá thả xuống giếng và đào đất, đá lấp giếng. Sau đó, Lê Lợi lập bàn thờ tại đây để xin đất trời phù hộ cho nghĩa quân. Từ khi lập bàn thờ, nghĩa quân Lam Sơn không ngừng lớn mạnh và giành nhiều chiến thắng trên khắp các trận. Năm 1448, Lê Lợi đã cho xây dựng nghè Đồn để tưởng nhớ công ơn các vị thần đã phù hộ cho nghĩa quân Lam Sơn.

Trải qua nhiều biến cố của lịch sử nghè Đồn bị xuống cấp nghiêm trọng. Được sự quan tâm của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Vĩnh Yên, di tích được tu bổ, tôn tạo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của bà con trong và ngoài xã. Hằng năm, vào ngày 10/3 âm lịch, Nhân dân trong thôn lại tổ chức Lễ hội kỳ phúc nghè Đồn, để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi nhà được bình an, hạnh phúc. Đây là dịp để giáo dục thế hệ trẻ thêm yêu quê hương, cùng nhau chung sức gìn giữ và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn xã.

Cùng với nghè Đồn, xã Vĩnh Yên còn có 4 di tích được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, gồm các đình làng: Yên Tôn Hạ, Phù Lưu, Yên Tôn Thượng, Mỹ Xuyên. Ngoài ra, xã còn có công trường khai thác đá cổ ở núi An Tôn, hang Nàng, hồ Mỹ Đàm... nằm trong vùng phụ cận Di sản thế giới Thành Nhà Hồ.

Tự hào về quê hương giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, những năm qua cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Vĩnh Yên tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các di tích. Đồng thời, vận động Nhân dân tham gia gìn giữ di tích bằng những việc làm thiết thực, như: Bảo vệ và góp công, góp của chỉnh trang khuôn viên; làm vệ sinh môi trường xung quanh di tích; vào các ngày đầu tháng, ngày rằm, Nhân dân thành kính thắp hương tại đây... Bên cạnh đó, xã Vĩnh Yên chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với các trường học trên địa bàn xã đẩy mạnh công tác giáo dục giá trị di tích nhằm khơi dậy tinh thần, trách nhiệm, niềm tự hào và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; tổ chức lễ hội kỳ phúc gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao vào dịp đầu năm...

Nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn xã, những năm qua, Trường THCS Vĩnh Yên luôn quan tâm giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương. Đồng thời nhà trường luôn chú trọng tới công tác giáo dục giá trị của di tích thông qua việc lồng ghép trong các bài giảng của bộ môn khoa học xã hội và các hoạt động trải nghiệm tại các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn xã.

Thầy giáo Trương Ngọc Diệp, Phó hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Yên cho biết: Để giúp học sinh hiểu được nguồn cội, giá trị văn hóa của các di tích lịch sử trên mảnh đất các em sinh ra và lớn lên, thời gian qua, Trường THCS Vĩnh Yên đã tổ chức nhiều hoạt động, như: chăm sóc di tích; dạy học thực địa; tổ chức cho học sinh tham quan tìm hiểu di tích... Việc làm này, không chỉ khơi dậy niềm tự hào, tình yêu với lịch sử, văn hóa dân tộc, mà còn thu hút học sinh tham gia vào việc bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn xã.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thuật, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên, cho biết: Các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn xã Vĩnh Yên là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, niềm tự hào của Nhân dân trên địa bàn xã. Để gìn giữ và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa, thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn các di sản. Huy động mọi nguồn lực để tu bổ, tôn tạo các di tích, trong đó, chú trọng tới nguồn lực xã hội hóa. Quan tâm hình thành và phát triển các điểm du lịch văn hóa tâm linh phục vụ du khách, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay một số di tích của xã đang xuống cấp nhưng ngân sách của địa phương còn hạn chế. Vì vậy, rất cần có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và đóng góp của Nhân dân để có kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]