Về vùng đất có hai di tích lịch sử quốc gia
Xã Yên Dương (Hà Trung) là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Tự hào về mảnh đất quê hương mình, người dân nơi đây đã và đang có những việc làm thiết thực để gìn giữ và phát huy giá trị của các di tích.
Người dân đến đền thờ Trần Hưng Đạo thắp hương, cầu phúc, cầu an.
Những năm kháng chiến chống quân Nguyên Mông, vua tôi nhà Trần đã chọn làng Thổ Khối, xã Yên Dương (Hà Trung) làm nơi tập hợp binh sĩ, tập luyện võ nghệ để chống giặc ngoại xâm. Sách Địa chí huyện Hà Trung viết: “Theo các nhà nghiên cứu lịch sử trong tỉnh và trong nước thì vùng Thổ Khối và một số điểm xung quanh là nơi mà vào năm 1285 để bảo toàn lực lượng và né tránh sự bao vây, tấn công của giặc Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo - vị tướng tài ba đã trực tiếp đưa hai vua Trần theo đường Thần Phù - sông Hoạt đến vùng Thổ Khối nương náu một cách an toàn. Sau thời gian củng cố lực lượng tại Thổ Khối và vùng Đông Bắc Hà Trung, tháng 5/1285, Trần Hưng Đạo quyết định tiến quân ra Bắc một cách bất ngờ và phối hợp cùng với các đạo quân khác làm nên các chiến thắng vang dội như Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết để cuối cùng quét dọn sạch giặc Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi nước ta”.
Tưởng nhớ công lao của Hưng Đạo Vương, Nhân dân trong làng Thổ Khối đã lập đền thờ. Năm 1996, đền thờ Trần Hưng Đạo được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hằng năm, đền thờ Trần Hưng Đạo được tổ chức hai kỳ lễ lớn là rằm tháng Giêng, gọi là lễ khai ấn và lễ hội chính thức vào ngày kỵ của đức thánh Trần (19 đến 21/8 âm lịch). Hiện đền thờ còn lưu giữ những hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa, như: long ngai, bài vị, bát hương đá, mũ thờ, kiếm, đặc biệt là con dấu (ấn triện).
Năm 2017, đền thờ Trần Hưng Đạo tiếp tục được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa, khiến cho cảnh quan ngôi đền trở nên khang trang nhưng vẫn giữ được giá trị vốn có của di tích. Với vị trí đẹp, kiến trúc hoa văn trang trí độc đáo, hấp dẫn, cùng với sự linh thiêng, đền thờ Trần Hưng Đạo không chỉ là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh mà còn là điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân xứ Thanh.
Cùng với đền thờ Trần Hưng Đạo, Nhân dân xã Yên Dương còn tự hào có di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đình làng Đình Trung. Trải qua bao biến cố của lịch sử nhưng đình làng Đình Trung vẫn còn nguyên vẹn nét kiến trúc độc đáo, đặc trưng của ngôi đình Việt. Hiện nay, đình làng Đình Trung đã được Nhà nước trùng tu, tôn tạo lại khang trang đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của Nhân dân địa phương và du khách thập phương về với lễ hội. Hằng năm vào ngày 18 tháng Giêng âm lịch Nhân dân trong xã tổ chức lễ hội truyền thống đình làng Đình Trung, để tỏ lòng thành kính với vị Thành hoàng làng Tô Hiến Thành.
Tự hào về quê hương có nhiều di tích lịch sử văn hóa, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Yên Dương luôn nỗ lực bảo vệ, gìn giữ và phát huy những giá trị của các di tích bằng những việc làm thiết thực, như: tham gia bảo vệ và góp công, góp của chỉnh trang khuôn viên của các di tích; vệ sinh môi trường xung quanh di tích; thành kính thắp hương vào các ngày đầu tháng, ngày rằm...
Ông Trần Quang Viễn, một người dân xã Yên Dương tích cực tham gia bảo vệ di tích, cho biết: "Nhận thấy trách nhiệm của bản thân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, ngoài việc tuyên truyền, vận động con em trong gia đình, dòng họ tích cực tham gia bảo vệ các di tích, bản thân tôi còn góp công, góp của để trùng tu, chỉnh trang lại các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương. Nhìn thấy các di tích ngày càng khang trang, sạch đẹp tôi cảm thấy tự hào và sẽ tiếp tục cùng với bà con có những việc làm thiết thực để gìn giữ và phát huy giá trị các di tích".
Ngoài việc tăng cường công tác quản lý di tích, xã Yên Dương còn phối hợp với các trường học trên địa bàn xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục giá trị di tích cho thế hệ trẻ trên địa bàn xã. Qua đó, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tại Trường THCS Yên Dương, việc giáo dục giá trị di tích cho học sinh không chỉ được nhà trường thực hiện thông qua các hoạt động trải nghiệm tại các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn xã. Thầy giáo Tống Đức Như, Hiệu trưởng THCS Yên Dương, cho biết: "Để giúp học sinh hiểu được nguồn cội, giá trị văn hóa của các di tích lịch sử - văn hóa trên mảnh đất các em sinh ra và lớn lên, thời gian qua, Trường THCS Yên Dương đã tổ chức nhiều hoạt động, như: chăm sóc di tích; dạy học thực địa; tổ chức cho học sinh tham quan tìm hiểu di tích... Việc làm này, hiểu được giá trị của các di tích và có ý thức bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương".
Ông Lại Thế Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Dương, cho biết: Hiện xã Yên Dương có 3 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó, có 2 di tích được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Các di tích này, không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh mà còn là niềm tự hào của Nhân dân xã Yên Dương. Để bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, thời gian tới, xã Yên Dương tiếp tục vận động Nhân dân cùng chung sức chỉnh trang, mở rộng khuôn viên và bảo vệ di tích. Quan tâm tới công tác giáo dục giá trị di sản văn hóa để thế hệ trẻ trên địa bàn xã hình thành ý thức trân trọng và có hành vi đúng đắn để bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa.
Bài và ảnh: Xuân Anh
{name} - {time}
-
2025-01-11 16:02:00
Phát huy giá trị di tích đền thờ Trần Hưng Đạo
-
2025-01-11 14:06:00
Về vùng đất văn hóa - tâm linh Vĩnh Thịnh
-
2024-02-22 17:29:00
Về nơi có 2 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia
Du xuân lên thăm đền Tép
Chiêm ngưỡng tòa thành độc nhất vô nhị tại xứ Thanh
Phủ Na trang hoàng rực rỡ đón xuân Giáp Thìn
Chùa Đông Sơn trên đất cổ Hàm Rồng
Một vùng thắng tích
Lan tỏa những việc làm theo Bác ở Thọ Cường
Ngày đông - nói chuyện du lịch bốn mùa
Hành trình khám phá thung lũng Lang Lung, thác Rồng
Chùa Hồng Ân soi bóng Mã giang