(Baothanhhoa.vn) - Xã Trường Giang (Nông Cống) từ bao đời nay đã gắn bó với nghề làm nón lá. Cái nghề tuy không vất vả, cực nhọc “một nắng hai sương” nhưng lại yêu cầu sự cần mẫn, kiên trì cùng những đôi tay khéo léo. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mặc dù nghề làm nón không còn hưng thịnh nhưng những người dân nơi đây vẫn đang âm thầm “giữ hồn” cho chiếc nón Việt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giữ hồn nón lá Trường Giang

Xã Trường Giang (Nông Cống) từ bao đời nay đã gắn bó với nghề làm nón lá. Cái nghề tuy không vất vả, cực nhọc “một nắng hai sương” nhưng lại yêu cầu sự cần mẫn, kiên trì cùng những đôi tay khéo léo. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mặc dù nghề làm nón không còn hưng thịnh nhưng những người dân nơi đây vẫn đang âm thầm “giữ hồn” cho chiếc nón Việt.

Giữ hồn nón lá Trường Giang

Làng nghề nón lá Trường Giang có lịch sử hàng trăm năm nay.

Chúng tôi tìm về thôn 5, xã Trường Giang để gặp những người phụ nữ khéo tay, đảm đang làm nên chiếc nón lá từng vang danh ở xứ Thanh một thời. Nơi đây, không ai biết chính xác nghề làm nón lá có từ khi nào, cứ đời trước truyền cho đời sau, nghề làm nón duy trì cho đến tận bây giờ.

Nón lá Trường Giang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi sự thanh thoát, đẹp và chắc chắn. Tất cả những vật liệu làm ra nón lá Trường Giang đều phải nhập từ nơi khác, thế nhưng tình yêu nghề làm nón đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Từ đứa bé còn là học sinh tiểu học đến cụ già đều nhuần nhuyễn các công đoạn để làm ra chiếc nón.

Một chiếc nón đẹp thì đầu tiên cỗ vòng phải tròn, thứ hai là dây lá phải phẳng và trắng, thắt nón phải nhẵn và mau. Để làm ra chiếc nón trắng, mỏng, bền và đẹp, trước tiên phải có vật liệu, dụng cụ đạt yêu cầu kỹ thuật như: Khuôn gỗ hình chóp nón, kim khâu dùng để chằm; chỉ màu các loại, nilon để chằm nón; bàn ủi sắt dùng để ủi cho lá thẳng và láng; dầu chống ẩm bằng nhựa thông. Lá nón sau khi nhập về phải phơi sương, sau đó đem sấy, phơi khô rồi chuốt cho phẳng phiu mà không giòn, không rách. Vòng nón làm bằng tre nứa vót nhỏ, đều, khi nối phải tròn trịa, không được chắp, không gợn. Sau khi hoàn thành khung nón, đến công đoạn quay nón. Các tệp lá được xếp lại cắt vát một đầu rồi dùng ghim cố định lại trên chóp nón, sau đó bắt đầu quay lá. Quay nón và khâu nón là hai quy trình đòi hỏi kỹ thuật cao nhất của nghề làm nón. Bàn tay của người thợ bao giờ cũng phải khéo léo, cẩn thận, tỉ mỉ trong từng chi tiết ở mỗi công đoạn khác nhau, bởi nếu ngay từ công đoạn đầu tiên mà làm không tốt sẽ dễ làm cho lá bị rách. Cách cầm kim cũng thật mềm mại, thoăn thoắt trong từng mũi khâu, thẳng đều từ vòng bên ngoài đến vòng bên trong. Khi làm xong một chiếc nón, phải lấy lửa để hun cho trắng nón, sau đó phết quang dầu cho bóng và không bị mốc, gặp mưa vẫn thẳng, không bị co lại. Để chiếc nón đẹp thêm, ngoài các hoa văn còn kết hợp thêm bằng chữ màu hình hoa sao hoặc trang trí hình bông hoa. Chính nhờ sự tỉ mỉ, trau chuốt trong từng công đoạn cùng với đôi bàn tay khéo léo, cầu toàn của người thợ đã tạo nên thương hiệu nón lá Trường Giang bền, đẹp và được sự ưa chuộng của nhiều người trên cả nước.

Khoảng hơn 10 năm trước đây, nhu cầu thị trường tăng cao, do đó, làm nón lá đã trở thành một nghề mang lại thu nhập chính cho người dân nơi đây, đó cũng là thời điểm hưng thịnh nhất, với hơn 3.300 lao động, giá trị thu nhập ước tính 80 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 85% lao động nông thôn.

Giữ hồn nón lá Trường Giang

Vừa thoăn thoắt đôi bàn tay khâu nón, bà Ngô Thị Hương, (52 tuổi) chia sẻ: “Khi lên 8 tuổi, tôi đã được bố mẹ dạy cách làm nón. Trước đây ở xã Trường Giang hầu hết nhà ai cũng làm, có nhà 6,7 người làm, thợ lành nghề nếu tập trung làm thì một ngày cũng được 3-4 chiếc, cho thu nhập từ 3 triệu đến 4 triệu đồng/tháng. Hiện nay, nhiều việc làm có thu nhập tốt hơn nên nhiều người không làm nón nữa, họ tìm những công việc ổn định hơn ở các công ty hoặc đi xuất khẩu lao động”

Theo như các cụ cao niên trong xã kể lại, trước đây khi mới lên 6, lên 7 tuổi đã được bố mẹ dạy cách làm nón. Thời điểm hưng thịnh thì từ đường làng, ngõ xóm, sân đình, dưới gốc cây... đâu đâu cũng bắt gặp các bà, các cô, các em nhỏ tay thì làm nón, miệng thì cười đùa, quây quần bên nhau, không khí sôi nổi và hăng say lao động vui như lễ tết. Nhưng đến nay, chủ yếu là phụ nữ trung niên làm nón ở trong nhà, các cháu nhỏ khi đi học về cũng tranh thủ làm nhưng không được như trước kia nữa.

Được biết, năm 2014, làng nghề nón lá Trường Giang đã được công nhận làng nghề truyền thống; năm 2015, sản phẩm nón lá Trường Giang vinh dự lọt top 100 thương hiệu nổi tiếng cả nước; năm 2016 sản phẩm cũng đã được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể và từ đó Hiệp hội nón lá Trường Giang được thành lập.

Giữ hồn nón lá Trường Giang

Bà Nguyễn Thị Hà vừa làm nón, vừa tâm sự những trăn trở về nghề.

Một thời phát triển là thế mà giờ đây nghề nón lá Trường Giang đang đứng trước nguy cơ mai một. Đang thoăn thoắt chuốt lá, khâu nón, biến những chiếc lá vô tri vô giác thành vật dụng hữu hiệu cho mọi người, nhưng khi đề cập đến tương lai của nghề thì bà Nguyễn Thị Hà bày tỏ sự luyến tiếc: “Làm nón hiện nay, khó khăn nhất là khâu nhập nguyên liệu, nguyên liệu dùng để làm nón là lá dừa nước, lá cọ chủ yếu được mua lại của thương lái ở Miền Nam, có khi tận Campuchia, Lào. Sau khi hoàn thành, giá của mỗi chiếc giao động từ 30-50.000đ/cái, sau khi trừ chi phí thì thu về 60-100.000đ/ ngày, bà con nơi đây chủ yếu tự làm theo hộ gia đình, sản phẩm làm xong thì mang ra chợ Đình bán cho thương lái hoặc tự tìm chỗ bán. Nghề làm nón lá đã giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động trong làng, đặc biệt là người phụ nữ, vừa lo việc đồng áng, quán xuyến việc nhà, lại có nguồn thu nhập hàng ngày. Tuy nhiên, hiện nay, thu nhập từ làm nón rất thấp nên nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ không mấy mặn mà với nghề. Số hộ làm nón hiện nay bằng 1/10 so với trước. Với tình hình hiện tại, không biết nghề làm nón ở Trường Giang sẽ còn tồn tại được bao lâu nữa”.

Ông Đậu Minh Hùng, Chủ tịch UBND xã Trường Giang, bày tỏ sự trăn trở: Mặc dù nghề nón lá Trường Giang đã được công nhận làng nghề truyền thống và từng tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, tuy nhiên hiện nay nghề làm nón ở xã Trường Giang sản xuất chưa tập trung, không có tổ chức; chưa có kiểm soát kỹ thuật và mỹ thuật nên chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế; giá trị sản phẩm chưa cao; quy trình quản lý từ khâu nguyên liệu đến tiêu thụ chưa định hình và thống nhất; việc tiêu thụ sản phẩm còn mang tính tự túc, tự phát… Đây cũng là rào cản, khó khăn trong việc bảo tồn làng nghề”.

Theo thống kê, hiện nay toàn xã Trường Giang có hơn 1 nghìn hộ làm nghề đan nón lá với gần 2.000 lao động, chủ yếu là phụ nữ trung niên, tập trung ở hai làng Yên Lai và Tuy Hòa. Mỗi ngày, một người có thể làm được 2 đến 3 chiếc nón, giá trị mỗi chiếc từ 25.000 đến 50.000 đồng, tùy từng mẫu mã, chất lượng.

Chia tay làng nón lá Trường Giang, hình ảnh các mẹ, các chị ngồi quây quần dưới hiên nhà khâu nón lá, gợi cho chúng tôi cảm giác bình yên đến lạ. Thiết nghĩ, thời gian tới, chính quyền địa phương cần có phương án, kế hoạch cụ thể, hiệu quả hơn để duy trì, phát huy và bảo tồn giá trị của làng nghề nón lá nơi đây.

Khánh Đan


Khánh Đan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Lê huy thành - 13:59 22/03/19

 Trả lời

Cũng từ nghề nón lá mà đã nuôi biết bao người ăn học thành tài.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]